Bí quyết trường thọ của cụ bà hơn 100 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đó là cụ Trần Thị Trảng (SN 1915), năm nay bước sang tuổi 103, thường được bà con lối xóm gọi là bà Bảy Bọc, bà Bảy Khòm. Hiện bà đang sống cùng gia đình người con trai út ở số nhà 85/24, đường Sư Vạn Hạnh (phường Hội Thương, TP. Pleiku).

Đã bước sang tuổi 103 nhưng bà Bảy còn rất minh mẫn, chưa hề nặng tai, mắt còn đọc được sách. Ngồi bên cạnh trò chuyện hồi lâu, tôi ngạc nhiên bởi chuyện xưa, chuyện nay đời mình, con cháu, láng giềng bà còn nhớ cả, hiểu cả; trong câu chuyện thi thoảng còn đưa ra nhận xét nữa. Với giọng nói chậm đều, bà Bảy kể chuyện cuộc đời mình: “Quê bà ở xã Cửu An, An Khê. Lấy chồng từ năm tròn 18 tuổi, trải qua 12 lần sinh nở nhưng hiện chỉ còn được có 3 người con (2 trai, 1 gái). Ngày còn trẻ, bà trải qua nhiều nghề. Ở quê thì làm nông, lên Pleiku thì buôn bán rau củ quả với người dân tộc thiểu số. Bà nói được tiếng Bahnar, Jrai đủ để giao tiếp bán mua. Ông mất từ năm 1976, để lại một mình bà chống chèo nuôi con khôn lớn, lo dựng vợ gả chồng”.

 

Cụ Trần Thị Trảng. Ảnh: Đ.P
Cụ Trần Thị Trảng. Ảnh: Đ.P

Bà Bảy ngồi nhẩm tính: “Đến nay là tròn 60 năm bà ăn chay. Từ tháng 4 đến hết tháng 7 bà ăn chay trường, các tháng còn lại chỉ ăn 10 ngày. Bà đi chùa Bửu Thắng cách nhà độ 200 m, từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ tối mỗi ngày. Đi chùa bà đọc kinh niệm Phật, làm công quả, tham gia nấu nướng dịp nhà chùa cúng giỗ”. Chị Hà-con dâu út của bà Bảy góp chuyện với tình yêu thương mẹ đong đầy qua lời nói và nét mặt: “Mẹ em sạch sẽ gọn gàng lắm, tự lo liệu mọi sinh hoạt cá nhân.

Mẹ ăn rất ít, thức món cũng đơn giản, dù chay hay mặn cũng đều chia làm nhiều bữa, nhưng không uống được các loại sữa (trừ sữa đậu nành) vì bị sôi ruột. Bà đi ngủ sớm và thức dậy cũng rất sớm, ngồi một mình tay lần chuỗi tụng kinh, niệm Phật rất khẽ vì sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ con cháu. Năm nào cũng vậy, mẹ đều về quê (Cửu An, thị xã An Khê) nhân ngày giỗ cha mẹ mình bằng xe đò. Thương lắm! Mẹ dễ tính, giàu tình yêu thương với tất cả mọi người”.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến-cán bộ Thương binh-Xã hội phường Hội Thương còn cho biết: “Hàng tháng, cụ Trần Thị Trảng tự chống gậy đến phường nhận trợ cấp dành cho người già chứ ít khi nhờ đến người thân, dù cháu nội trai hiện đang công tác tại phường. Dịp lễ Tết, cán bộ thành phố, phường đến nhà tặng quà và chúc thọ, bà vui lắm, nói lời cảm ơn và còn có lời chúc sức khỏe, công tác tốt đến chúng tôi nữa”.

Hỏi về bí quyết trường thọ, suy nghĩ hồi lâu bà Bảy nói: “Ăn chay, tâm tịnh, Phật tính giúp bà thấy mọi việc thật nhẹ nhàng, ngay cả tuổi già và cái chết”.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.