Bị phạt vì chậm kê khai thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hầu hết người dân vẫn còn mang tâm lý “kê khai nhiều- nộp thuế nhiều” nên dẫn đến tình trạng chậm kê khai thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN). Đây cũng là lỗi thường gặp nhất hiện nay, dẫn đến thực trạng người sử dụng đất nông nghiệp lẽ ra được miễn, giảm thuế SDĐNN lại bị cơ quan Thuế phạt truy thu thuế SDĐNN...

Miễn, giảm thuế SDĐNN là chính sách lớn của Nhà nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Để thực thi chính sách thuế này, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15/2003/NQ-QH11 về miễn, giảm thuế SDĐNN từ năm 2003 đến 2010. Tiếp đó, Quốc hội khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 miễn, giảm thuế SDĐNN trong vòng 10 năm (từ ngày 1-1-2011 đến hết ngày 31-12-2020). Theo quy định, căn cứ vào sổ bộ thuế SDĐNN hàng năm, Chi cục Thuế cấp huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND xã, phường xác định đối tượng được miễn, giảm thuế; tổng số diện tích lập bộ thuế và số thuế ghi thu; sau đó làm tờ trình đề nghị cơ quan chức năng xét miễn, giảm thuế. Để được miễn thuế, người sử dụng đất chỉ phải kê khai, lập hồ sơ thủ tục một lần cho nhiều năm. Những năm sau, nếu người sử dụng đất có thay đổi thì báo lại Chi cục Thuế để làm căn cứ tính diện tích đất được miễn thuế và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, đồng thời điều chỉnh lại sổ bộ thuế cho phù hợp.

 
Mặc dù quy định của Nhà nước là vậy nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người dân không nắm rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ về các thủ tục này. Đơn cử như phường Thắng Lợi-TP. Pleiku, tuy là địa bàn ven đô nhưng với quỹ đất nông nghiệp dồi dào nên các giao dịch liên quan đến đất đai tại đây khá nhiều, trung bình có từ 50 đến 70 lượt hồ sơ/tháng. Tuy nhiên, khi đến UBND phường làm thủ tục, hầu hết người dân đều vướng lỗi “chậm kê khai thuế SDĐNN” trên phần diện tích đất giao dịch và bị phạt truy thu thuế SDĐNN. Tùy từng trường hợp cụ thể, mức phạt dao động ít nhất là 5.000 đồng, 8.000 đồng, 35.000 đồng nhưng cũng có thể lên đến 1 triệu đồng, hoặc hơn 3 triệu đồng khiến nhiều người xót xa, bức xúc. Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Anh-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi, đa phần người dân vẫn còn mang nặng tâm lý “kê khai nhiều thì phải nộp thuế nhiều” nên đã không kê khai đầy đủ. Đến khi giao dịch thì phát sinh diện tích dôi dư chưa được kê khai, lập sổ bộ thuế nên đã bị phạt. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chủ quan với suy nghĩ Nhà nước miễn thuế SDĐNN thì đương nhiên người dân được thụ hưởng chứ không cần phải kê khai, điều chỉnh hàng năm.   


Theo số liệu của cơ quan Thuế, từ đầu năm đến nay chỉ tính riêng phường Thắng Lợi đã có 133 trường hợp bị xử phạt về lỗi chậm kê khai thuế SDĐNN, tương tự là xã Chư Á có 9 trường hợp, xã Trà Đa có 12 trường hợp...; đối với các trường hợp này, sau khi phạt xong cơ quan Thuế sẽ lập sổ bộ kê khai, làm thủ tục đề nghị xét miễn, giảm thuế SDĐNN cho năm sau. Trao đổi với chúng tôi xung quanh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế, ông Lữ Chương Phước- Đội trưởng Đội Thuế liên xã, phường Thắng Lợi, xã Chư Á, Trà Đa, An Phú cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, định kỳ tháng 1 hàng năm người dân phải kê khai, điều chỉnh nếu có thay đổi hoặc biến động về diện tích sử dụng. Trên cơ sở đó, cơ quan Thuế sẽ lập tờ trình đề nghị xét miễn thuế SDĐNN. Để người dân thụ hưởng chính sách này, năm nào chúng tôi cũng lồng ghép phổ biến pháp luật về thuế định kỳ 2 lần tại cơ sở. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên hiệu quả công tác tuyên truyền vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.

Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện kinh doanh vận tải trước khi xuất bến. Ảnh: M.P

Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

(GLO)- Trong 10 tháng năm 2024, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.