Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai không ngừng đầu tư đồng bộ về mọi mặt, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Trong đó, kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu được đơn vị triển khai hiệu quả cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch.

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục

Kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu được chỉ định khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý như: Nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy tim, viêm tụy cấp mức độ nặng, suy gan cấp, ngộ độc cấp, nhiễm toan chuyển hóa, các trường hợp bỏng nặng… qua đó giúp bệnh nhân có kết quả điều trị khả quan.

Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến được bảo hiểm y tế chi trả, giúp cứu chữa thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Để triển khai kỹ thuật này, ngoài y, bác sĩ có trình độ chuyên môn thì các bệnh viện cần đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ theo quy định.

z5970232566976-8e92b78c93a1c13056c16ed57d22a2b1-8345-4155.jpg
Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu thời gian qua góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

Hiện Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, đe dọa tử vong và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã tiếp nhận ca bệnh sốc do bỏng điện cao thế độ 3-4 ở nhiều vùng cơ thể, tổng diện tích khoảng 38%, tiêu cơ vân, suy đa tạng. Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để điều trị. Tại đây, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân bằng máy lọc Prismafles, sử dụng 3 quả lọc M100 và 2 quả lọc Oxiris. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân đã dần ổn định.

Trước đó, một số bệnh nhân nặng, nguy kịch cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cũng được cứu chữa thành công nhờ kỹ thuật lọc máu liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị tại chỗ và giúp bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao thay vì phải chuyển tuyến trên.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Bình-Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cho biết: Kỹ thuật lọc máu trước đây được điều trị cho các bệnh nhân suy thận mãn từ những năm 1950. Từ năm 2000 trở lại đây, kỹ thuật lọc máu được ứng dụng nhiều trên thế giới và tại Việt Nam không chỉ điều trị cho bệnh nhân suy thận mãn mà còn điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, cấp tính.

“Tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai, với các điều kiện thuận lợi là được trang bị các máy lọc máu hiện đại, đồng bộ; y, bác sĩ được cử đi đào tạo ở các bệnh viện tuyến trên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Qua đào tạo họ đã thành thạo kỹ thuật lọc máu liên tục.

Bên cạnh đó, đối với các ca bệnh nặng, bệnh viện được các đơn vị tuyến trên hỗ trợ hội chẩn từ xa, đưa ra các chỉ định kịp thời giúp bệnh nhân được điều trị, hạn chế tình trạng chuyển tuyến và giảm thiểu rủi ro, tránh tử vong cho người bệnh”- tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Bình thông tin.

z5970232549883-b102c293221bab1a043d4445435ace87-3562-4502.jpg
Y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai được cử đi đào tạo ở các bệnh viện tuyến trên và triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu. Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

Cập nhật, nâng cao chuyên môn cho cán bộ y tế

Ngày 26-10, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Công ty TNHH Baxter Việt Nam Healthcare tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu".

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu chống độc và gần 100 cán bộ y tế của các khoa lâm sàng Hồi sức cấp cứu đến từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

Tại Hội thảo, Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Bình-Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cập nhật các kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu. Phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn-Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai phổ biến kỹ thuật lọc máu liên tục đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể ECO2R.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Văn Cường- Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai cập nhật kỹ thuật thay huyết tương trong hồi sức cấp cứu. Ngoài phần lý thuyết, các cán bộ y tế được hướng dẫn vận hành và xử lý lỗi trên máy lọc máu liên tục Prismaflex và Prismax và thực hành trên máy tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai.

Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các vấn đề khó khăn vướng mắc trong việc triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu tại đơn vị để được các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân.

z5968966088652-7677058f4c46277e0d6486687eca5802-9264-2716.jpg
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu chống độc và gần 100 cán bộ y tế của các khoa lâm sàng Hồi sức cấp cứu đến từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Ảnh: N.Y

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Hội thảo nhằm triển khai hiệu quả, nâng cao kiến thức và cập nhật những tiến bộ trong kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu cho cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai nói riêng, cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực nói chung, qua đó góp phần nâng cao chuyên môn, chất lượng điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân trên địa bàn.

Ông Phạm Văn Học-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai chia sẻ: Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đi vào hoạt động hơn 9 tháng qua và bước đầu đạt được những kết quả khả quan, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các tầng lớp Nhân dân, với phương châm phục vụ người bệnh là trên hết.

Hiện nay, ngoài phát triển các chuyên khoa, triển khai cấp cứu tại nhà, tại hiện trường; đơn vị quan tâm đến lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc…Hiện đơn vị đã được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị cho người bệnh.

Ngoài kỹ thuật lọc máu liên tục, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật tim phổi nhân tạo (Ecmo); hạ thân nhiệt chỉ huy; chụp và can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) đối với các bệnh mạch vành… và nhiều kỹ thuật loại 1 và kỹ thuật hạng đặc biệt khác.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phân bổ 500 liều vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho các xã khu vực III

Gia Lai phân bổ 500 liều vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho các xã khu vực III

(GLO)- Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, đơn vị vừa được Công ty cổ phần y tế Đức Minh (Hà Nội) tài trợ 500 liều vắc xin phòng bệnh dại (Abhayrab) để giúp người dân các xã đặc biệt khó khăn bị phơi nhiễm với động vật nghi dại được tiếp cận vắc xin phòng dại miễn phí.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thịt cóc

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo về tình trạng ngộ độc do ăn thịt cóc nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chế biến không đúng cách dẫn đến ngộ độc, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai 7 tuổi tử vong do sốt xuất huyết Dengue

Bé trai được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng (có triệu chứng sốc, suy gan, xuất huyết tiêu hóa), sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) song không qua khỏi.