Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua kết quả khảo sát thực tế cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng về chất lượng khám-chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai không ngừng tăng lên. Với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, y-bác sĩ, nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng khẳng định uy tín trong công tác khám-chữa bệnh.
Bệnh viện an toàn trong dịch Covid-19
Suốt 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Liên (thị trấn Kông Chro) vẫn đều đặn lên thăm khám và lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bị bệnh tiểu đường nhưng nhờ xét nghiệm đều đặn, đơn thuốc phù hợp và được sự tư vấn kỹ càng về chế độ dinh dưỡng của bác sĩ nên lượng đường trong máu của bà đang dần ổn định.
Bà Liên bày tỏ: “Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi cũng ngại đến bệnh viện. Nhưng khi lên đến nơi thì tôi thực sự yên tâm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất chặt chẽ trong công tác phòng dịch. Người bệnh được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, ngồi cách nhau 2 m… Đến nay, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng Bệnh viện vẫn rất nghiêm ngặt thực hiện các khâu phòng dịch khiến tôi càng yên tâm”.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công tác phòng-chống dịch được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai chặt chẽ, đồng bộ, nghiêm túc. 100% số người đến khám được phân luồng, sàng lọc. Bệnh viện cũng tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau 2 mét.
Bên cạnh đó, Bệnh viện dừng hoạt động thăm nuôi; yêu cầu người chăm sóc bệnh nhân phải đăng ký và ghi lại thông tin liên lạc; hạn chế tổ chức ăn tập trung tại Khoa Dinh dưỡng và bảo đảm khoảng cách trên 2 m giữa những người tiếp xúc. Căng tin không phục vụ ăn tại chỗ, chỉ bán mang đi. Dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh được đặt tại các vị trí thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế.
Hướng dẫn người bệnh khai báo y tế ngay lối vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giang
Hướng dẫn người bệnh khai báo y tế ngay lối vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giang
Trao đổi với chúng tôi về công tác phòng-chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: “Ban Giám đốc đã lập tức thông báo đến các khoa, phòng về việc giao ban, hội chẩn trao đổi thông tin trực tuyến; chỉ đạo các khoa liên quan chuẩn bị đầy đủ trang-thiết bị, cơ số thuốc, vật tư tiêu hao; chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn; bảo đảm đầy đủ trang-thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Bệnh viện cũng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng dịch cho nhân dân”. 
Cũng theo bác sĩ Phúc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều phương án, kịch bản phòng-chống dịch ở nhiều cấp độ; tổ chức tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19; kỹ thuật sử dụng máy thở; các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho tuyến dưới. Cụ thể, Bệnh viện đã triển khai tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho gần 500 bác sĩ, y tá và nhân viên; thành lập đội cơ động phản ứng nhanh với 10 nhân viên y tế đã được tập huấn chuyên môn về phòng-chống và điều trị Covid-19. 
Nhờ thực hiện chặt chẽ những biện pháp phòng-chống dịch Covid-19, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc và truyền đi thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) đến tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Với những nỗ lực không ngừng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được Bộ Y tế đánh giá là bệnh viện an toàn qua nhiều đợt kiểm tra. 
“Không chỉ làm tốt công tác phòng-chống dịch Covid-19, trong năm qua, chúng tôi còn kiểm soát tốt các dịch bệnh khác như: viêm đường hô hấp cấp, cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, bệnh do não mô cầu… Để tiếp tục nâng cao nhận thức của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cán bộ, viên chức, người lao động, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn chỉ đạo sát sao và định hướng phát triển bệnh viện xanh-sạch-đẹp-an toàn nhằm đẩy lùi các dịch bệnh”-bác sĩ Phúc khẳng định. 
Nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh 
Năm 2020, tỷ lệ hài lòng so với mong đợi của người bệnh nội trú, ngoại trú và tỷ lệ người bệnh sẽ quay trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh không ngừng tăng lên. Cuộc khảo sát do Phòng Quản lý chất lượng và An toàn người bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thực hiện trong quý I-2020 cho thấy, tỷ lệ người bệnh nội trú hài lòng so với mong đợi đạt 86,38% thì đến quý II, con số này tăng lên hơn 91% và giữ ổn định đến cuối năm; tỷ lệ người bệnh nội trú sẽ quay lại bệnh viện đạt mức trên 98%; tỷ lệ người bệnh ngoại trú quay trở lại bệnh viện đạt gần 95%. Có được kết quả này là bởi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và thay đổi thái độ phục vụ người bệnh. 
Máy siêu âm tim, phổi tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Nguyễn Giang
Máy siêu âm tim, phổi tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Nguyễn Giang
Bệnh viện đã tiến hành cải cách các thủ tục hành chính trong quy trình khám-chữa bệnh ngoại trú. Các khâu đón tiếp, hướng dẫn được chú trọng nhằm giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nội trú, Bệnh viện chú trọng tới các dịch vụ thiết yếu nhất. Đặc biệt, Bệnh viện đã trang bị hệ thống nhà vệ sinh, lối đi đạt chất lượng cho người tàn tật. Nhiều khoa đã được trang bị đầy đủ điều kiện phục vụ bệnh nhân tàn tật như: Khoa Tim mạch, Khoa Nội tổng hợp, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp… 
Ông Nguyễn Văn Ba (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: “Khâu đón tiếp, hướng dẫn người bệnh chu đáo; các khâu khám, xét nghiệm, trả kết quả khá nhanh gọn và chính xác. Thủ tục nhập viện đơn giản vì tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhân viên y tế. Điều kiện ở nội trú được cải thiện rất nhiều, phòng bệnh đầy đủ tiện nghi hơn, nhà vệ sinh sạch sẽ…”. 
Máy Ecmo đã được đưa vào phục vụ bệnh nhân tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Nguyễn Giang
Máy Ecmo đã được đưa vào phục vụ bệnh nhân tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Nguyễn Giang
Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng nhiều lớp tập huấn, hội nghị khoa học chuyên môn, Bệnh viện còn được đầu tư các trang-thiết bị hiện đại. Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch-cho biết: “Năm nay, Khoa Tim mạch được tiếp nhận 1 máy Ecmo (tim phổi nhân tạo). Đây là một trong những thiết bị hiện đại nhất thế giới, góp phần giành giật sự sống cho bệnh nhân khi tim, phổi của họ đã ngừng hoạt động. Ngoài ra, Khoa Tim mạch hiện có máy siêu âm tim, phổi; máy thở cấp cứu tại giường… đáp ứng điều kiện khám-chữa bệnh chất lượng cao”. 
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chú trọng kiện toàn Hội đồng Quản lý chất lượng bệnh viện. Ban Giám đốc giao trách nhiệm cho Phòng Quản lý chất lượng và An toàn bệnh viện xây dựng kế hoạch cải tiến bệnh viện; xây dựng hệ thống báo cáo, tổng hợp phân tích sai sót và khắc phục sự cố y khoa nhằm nhanh chóng đưa ra khuyến nghị và cảnh báo; xây dựng các khẩu hiệu nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh phù hợp với từng khoa, giám sát và hướng chất lượng bệnh viện đi vào thực chất.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.