Bệnh nhân bị sỏi san hô dài bằng 2/3 quả thận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông T.V.T (60 tuổi, ngụ Long An) đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện ông bị sỏi thận cả hai bên, trong đó thận trái có sỏi san hô dài bằng 2/3 quả thận.

Ngày 1.8, bác sĩ CKI Lý Minh Hoàng, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết qua kiểm tra, phát hiện ông T. bị sỏi thận phải đường kính 3 cm, gây ứ nước. Thận trái có khối sỏi san hô sần sùi, đường kính dài nhất hơn 7 cm, lấp kín các bể thận và các đài thận lớn nhỏ

"Thận người trưởng thành dài khoảng 11 cm, ông T. bị viên sỏi san hô dài hơn 7 cm. Trong trường hợp này, sỏi san hô lớn nhưng chưa gây biến chứng, như nhiễm khuẩn gây sốt, tiểu rắt hay cơn đau quặn thận do chèn ép… Tuy nhiên, nếu không phát hiện kịp thời, viên sỏi theo thời gian sẽ tăng kích thước, chèn ép nặng hơn vào nhu mô thận, gây giãn thận. Lúc này, người bệnh có thể gặp biến chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiểu máu, nhiễm khuẩn huyết…, nghiêm trọng hơn là mất dần chức năng thận trái, gây suy thận, phải cắt thận", bác sĩ Hoàng cho biết.

Sỏi san hô được bác sĩ lấy ra từ thận người đàn ông. Ảnh: ANH THƯ
Sỏi san hô được bác sĩ lấy ra từ thận người đàn ông. Ảnh: ANH THƯ

Để giảm tối thiểu nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật, các bác sĩ đã nội soi tán sỏi ở thận phải của bệnh nhân T. trước. Sau 1 tháng, khi sức khỏe bệnh nhân T. ổn định, các bác sĩ thực hiện cuộc mổ mở lấy sỏi san hô thận trái. Theo bác sĩ Hoàng, mổ mở lấy sỏi là phương pháp điều trị kinh điển, dành cho trường hợp người bệnh có sỏi lớn và phức tạp.

Cuộc mổ dài gần 3 giờ, dài gấp rưỡi các cuộc mổ lấy sỏi thông thường, lượng máu mất trong mổ chỉ khoảng 100 ml. Tổng trọng lượng sỏi lấy ra khoảng 300 gram.

Sau mổ, sức khỏe ông T. ổn định, chức năng thận dần phục hồi, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Hoàng, sỏi thận có nhiều loại, thường được phân theo thành phần hóa học như sỏi canxi, sỏi phốt phát (sỏi san hô), sỏi axit uric… Trong đó, sỏi san hô là loại phức tạp, hình thành trong nhiều năm, chiếm hết đài bể thận. Quá trình hình thành sỏi san hô thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng.

Khi sỏi đạt kích thước lớn, người bệnh thường có triệu chứng đau lưng, âm ỉ, dai dẳng, có thể đi tiểu rắt hoặc nước tiểu có máu. Phương pháp điều trị sỏi thận tùy thuộc vào loại sỏi, vị trí và giai đoạn bệnh.

Bác sĩ Hoàng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp. Các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hóa, môi trường lao động, nhiễm trùng cũng gây sỏi thận. Chế độ ăn quá mặn, ít uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu là những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.