(GLO)- Chiều 9-12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng. Sau khi nghe lãnh đạo UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 35 nghị quyết và tiến hành bế mạc kỳ họp.
Làm rõ trách nhiệm các sở, ngành
Mở đầu phiên làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã làm rõ một số nội dung quan trọng được các đại biểu và cử tri quan tâm. Để tạo sự đồng thuận của các đại biểu trong việc lý giải nguyên nhân và trách nhiệm khi chủ trương đầu tư 2 Trung tâm Y tế huyện Krông Pa và Phú Thiện (từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19) không nhận được sự đồng ý, Chủ tịch UBND tỉnh-nêu rõ: Ngày 6-10-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Tờ trình số 172/TTr-SKHĐT trong đó có đăng ký đầu tư nâng cấp 2 Trung tâm Y tế Phú Thiện và Krông Pa (mỗi trung tâm 50 tỷ đồng), nội dung đề xuất chỉ ghi tên dự án, không có hồ sơ, không có ý kiến tham gia của địa phương liên quan (chỉ có ý kiến của Sở Y tế), không có cam kết triển khai thực hiện, chưa tổng hợp đầy đủ hồ theo yêu cầu. Đến ngày 8-11-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lại tại Tờ trình số 204/TTr-SKHĐT, trong đó đăng ký đầu tư nâng cấp 2 Trung tâm Y tế Phú Thiện và Krông Pa có kèm theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án của UBND huyện Phú Thiện, Krông Pa.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Tuy nhiên, nội dung đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương chưa làm rõ được hiệu quả đầu tư cũng như khả năng hoàn thành dự án theo quy định. Mặt khác, thời gian đề xuất quá trễ so với yêu cầu của Bộ Y tế (yêu cầu báo cáo trước ngày 29-9-2022), để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt. “Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với UBND tỉnh cũng như các sở, ngành trong triển khai các nhiệm vụ, nhất là đối với các hồ sơ về các dự án đầu tư công, quản lý ngân sách, các dự án kêu gọi đầu tư. Vì vậy, đối với đề xuất của các sở, ngành trình, UBND tỉnh sẽ kiểm tra, rà soát kỹ các nội dung để tránh vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; để từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn ở tỉnh”-Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long-nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Trong quý I-2023, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế (chủ trì) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá lại hiện trạng của các trung tâm y tế huyện, y tế cơ sở để xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế đến năm 2030, đảm bảo lộ trình đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang-thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám-chữa bệnh trong tình hình mới.
Với nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: Đây chính là biểu hiện của sự phối hợp không tốt giữa các ngành của tỉnh. Trách nhiệm của các sở, ngành chưa cao. Dân số của các huyện Krông Pa và Phú Thiện khá đông, các Trung tâm Y tế này đã được đầu tư từ rất lâu, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền là phải quan tâm đầu tư cho các trung tâm y tế, các trạm y tế xã. Khi có nguồn lực của Trung ương đưa về thì phải tranh thủ đăng ký danh mục đầu tư. Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ngành rút kinh nghiệm vấn đề này và phải bố trí ngân sách vào kế hoạch đầu tư công để đầu tư cho các trung tâm Y tế, trạm Y tế không chỉ huyện Krông Pa và Phú Thiện mà còn các địa phương khác trên địa bàn trong thời gian tới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, nhất là những vùng còn khó khăn.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành hết sức quan tâm đối với những nội dung mà đại biểu ý kiến. Đồng thời, cần phải đánh giá, tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu của các ngành, các địa phương, đặc biệt là trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, hết sức lưu ý đến việc một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, công chức có tư tưởng ngại việc, né việc, làm cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm... dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, làm giảm niềm tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các cấp, các ngành của tỉnh trong thời gian tới, cần trách nhiệm hơn, cố gắng hơn, quyết tâm lớn hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Thông qua các nghị quyết quan trọng
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhận định: Năm 2022, tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong chỉ đạo điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn còn có những khó khăn, hạn chế. Qua các ý kiến trao đổi tại kỳ họp, UBND tỉnh càng thấy rõ hơn những công việc cần tập trung giải quyết; bổ sung, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long giải trình một số nội dung liên quan. Ảnh: Đức Thụy |
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh, như: Tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực lạm phát tăng cao, thiên tai, biến đổi khí; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn rất khó khăn; doanh nghiệp trên địa bàn đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khó tiếp cận nguồn vốn; triển khai thực hiện nhiệm vụ của những năm đầu của nhiệm kỳ nên tỉnh vừa phải tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch; UBND tỉnh, các sở, ngành ở tỉnh vừa phải tập trung triển khai các nhiệm vụ chính trị trong năm, vừa phải tập trung triển khai các kế hoạch, biện pháp khắc phục các vi phạm, khuyết điểm mà cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận…
Nhận diện được thời cơ, điều kiện thuận lợi cũng như các khó khăn, thách thức của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tiếp tục xác định nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, liên tục, gắn kết chặt chẽ với từng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Triển khai các bước tiếp theo để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Đề cao tính kỷ luật, kỷ cương và cá thể hóa, có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp chậm triển khai, giải ngân các nguồn vốn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các ngành, chính quyền các cấp tập trung các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội, thu hút các dự án đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa UBND tỉnh với MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể; phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách hành chính.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 35 nghị quyết. Ảnh: Đức Thụy |
Tại hội nghị, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua 35 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên-nhấn mạnh: Trên cơ sở đánh giá một cách sâu sắc thuận lợi, khó khăn trong năm qua và yêu cầu phát triển của những năm tiếp theo, HĐND tỉnh xác định 21 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2023 đạt 8,62%; tổng thu ngân sách trên địa bàn phải đạt 5.910 tỷ đồng trở lên... Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi cần có sự nỗ lực phấn đấu rất lớn và sự thống nhất rất cao của các cấp chính quyền địa phương và của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ.
Nghị quyết chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 nêu rõ: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,62%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.910 tỷ đồng trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ: 108.000 tỷ đồng; số lao động được tạo việc làm mới là 26.500 người; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 8,09%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,9 triệu đồng/người; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 9 xã; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 63,4%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt 94%; tỷ lệ che phủ của rừng (kể cả cây cao su) đạt 47,33%; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giảm thiểu tai nạn giao thông trong năm 2023 ở cả 3 tiêu chí… |
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để đưa Gia Lai tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cũng yêu cầu: UBND tỉnh, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới nhằm thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ; khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023; triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện của tỉnh, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung ưu tiên phát triển mạnh nhóm ngành công nghiệp chế biến mà tỉnh có lợi thế; tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng tỷ trọng xuất khẩu; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; phát triển hạ tầng; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đang triển khai và chuẩn bị các điều kiện để khởi công một số dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư công trong năm 2023.
“Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt hơn, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, gắn với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để ngành, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả và các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Sau 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
QUANG TẤN-TRẦN DUNG