Bắt 2 đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu giang hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mới hoạt động được vài tháng, Thương và Tài đã cho hàng trăm người dân trên địa bàn huyện vay trên 1 tỷ đồng và thu lợi trên 100 triệu đồng.
Thương và Tài cùng tang vật
Thương và Tài cùng tang vật
Ngày 27/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 2 bị can Nguyễn Hải Thương (27 tuổi, ngụ TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) và Đặng Tiến Tài (18 tuổi, ngụ huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Tân Châu phát hiện nhóm đối tượng thanh niên có dấu hiệu cho vay tiền với lãi suất cao làm nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Ngày 3/9, nhận được tin báo từ nhân dân, Công an huyện Tân Châu bắt quả tang Thương và Tài đang cầm hung khí để đi đe dọa những người vay nợ.
Khám xét nơi ở và trên người của 2 nghi can, Công an thu giữ trên 31 triệu đồng, 46 tờ hợp đồng vay tiền, 15 sổ hộ khẩu, 17 giấy chứng minh nhân dân; 2 cây dao tự chế (mã tấu), 1 cây rựa...
Tại cơ quan công an, Thương và Tài thừa nhận hành vi của mình. 2 bị can cho biết, tháng 6/2018, Thương cùng với Tài đến thuê căn nhà thuộc xã Tân Hội (Tân Châu) để ở và mở hoạt động cho vay tiền.
Ban đầu, Thương và Tài mỗi người bỏ ra 300 triệu đồng để làm vốn cho vay. Với ý định cho nhiều người dân biết đến hoạt động cho vay của mình, Thương thuê một số người dân sinh sống gần nơi ở của Thương và Tài với số tiền công là 5 triệu đồng để đi dán các tờ giấy quảng cáo cho vay tiền cùng số điện thoại ở các cột điện, trên tường, vách,…
Khi có nhiều người đến liên hệ vay tiền, Thương phụ trách việc làm hợp đồng, giữ các giấy tờ thế chấp, quản lý tiền vốn và nhận tiền góp mỗi ngày của người vay đến trả. Còn Tài phụ trách đi thu gom tiền của người vay. Ngoài ra, để hoạt động cho vay chặt chẽ, Thương và Tài thuê thêm 4 đối tượng (chưa xác định lai lịch) gan lì, hung tợn về đảm nhiệm việc đi lấy tiền và tìm hiểu gia cảnh người vay.
Người có nhu cầu vay tiền phải trả lãi suất từ 15 đến 20%/tháng; phải viết hợp đồng vay, giấy nợ, thế chấp giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để làm đảm bảo. Trong quá trình vay, nếu không có khả năng trả nợ tiếp thì Thương yêu cầu người vay viết lại hợp đồng mới bao gồm tiền lãi suất + tiền gốc để người vay trả tiếp với lãi suất như trên. Đến khi “con nợ” khánh kiệt, không còn khả năng trả tiền, Thương dùng mọi thủ đoạn đe dọa buộc họ phải trả nợ đúng hạn.
Với thủ đoạn như trên, mặc dù chỉ hoạt động được vài tháng nhưng Thương và Tài đã cho hàng trăm người dân sinh sống trên địa bàn huyện vay trên 1 tỷ đồng và thu lợi trên 100 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Sơn Nhung/Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.