Báo chốt đo nồng độ cồn: Tiếp tay cho người vi phạm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay khi lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm chuyên “báo chốt” để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông biết mà né tránh.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với mức phạt khá cao đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đã tác động mạnh đến ý thức của đại bộ phận người tham gia giao thông. Cũng từ thời điểm đó, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều nhóm chuyên “báo chốt” đo nồng độ cồn nhằm thông tin cho người khác biết để tránh đi qua vị trí lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Một số nhóm có lượng thành viên tham gia rất đông đảo, lên đến hàng chục ngàn tài khoản như: “NỒNG ĐỘ CỒN GIA LAI”, “Nồng độ cồn Gia Lai!”, “Nồng Độ Cồn GIA LAI 81”...
Một trang Facebook được lập ra để chuyên thông báo chốt đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT.
Một trang Facebook được lập ra để chuyên thông báo chốt đo nồng độ cồn của lực lượng CSGT.
Theo dõi thông tin trên các nhóm này có thể thấy, ngay khi lực lượng CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, các thành viên nhóm đã lập tức đăng tải thông tin kèm hình ảnh để cảnh báo. Nhiều thành viên cũng tham gia bình luận để chỉ cho mọi người đường tránh chốt của CSGT.
Sự xuất hiện của các nhóm báo chốt đo nồng độ cồn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát hiện, xử lý người vi phạm của lực lượng CSGT. Đại úy Trần Nam Phương-Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông số 1 (Phòng CSGT Công an tỉnh) cho hay: “Khi lực lượng CSGT vừa lập chốt là có người đăng ảnh báo ngay trong các nhóm này. Vì vậy, nhiều người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã biết và tìm đường khác để đi hoặc chờ đến khi nào lực lượng CSGT nghỉ mới tiếp tục lưu thông”.
Cũng trên các nhóm này, theo ghi nhận của chúng tôi, một số thành viên đăng tải bài viết cũng như bình luận với những từ ngữ tục tĩu, xúc phạm đến danh dự của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Đa phần nội dung đăng tải trên các nhóm này đều mặc định sử dụng tiếng lóng để tránh bị lực lượng chức năng xử lý theo Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thành viên phản bác lại các ý kiến xúc phạm lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Một tài khoản có tên P.N.T. trong nhóm “NỒNG ĐỘ CỒN GIA LAI” bình luận: “Nhiều bạn ở đây không hiểu rõ mục đích ban đầu của nhóm. Nhóm là nơi để anh em hỗ trợ nhau, nếu có lỡ uống một vài ly thì tránh chốt khỏi bị xử phạt số tiền quá lớn ảnh hưởng đến kinh tế, chứ thực ra nhóm ủng hộ Nghị định 100, không cổ súy cho việc uống rượu bia khi lái xe. Cảnh sát Giao thông họ cũng chỉ làm nhiệm vụ của mình được pháp luật quy định”.
Ngoài ra, nhiều thành viên không rõ vô tình hay cố ý nhưng mỗi khi phát hiện có lực lượng CSGT tuần tra trên đường hoặc đang thực hiện kiểm tra các chuyên đề khác không liên quan nồng độ cồn nhưng vẫn đăng tải thông tin với nội dung tại điểm đó có chốt đo nồng độ cồn. 
Về sự xuất hiện của các nhóm báo chốt đo nồng độ cồn trên mạng xã hội cũng như thông tin mà các thành viên trong nhóm đăng tải, ông Phan Hữu Hiếu-Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh-cho hay: “Nếu có việc xúc phạm, bôi nhọ lực lượng chức năng thì ngành Công an nên xử lý. Còn nếu người dân chỉ báo chốt bình thường thì đó cũng là quyền của họ”.
 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.