Bài cuối: Thị tứ sầm uất Ia O

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xe bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lì, từ xã Ia Krái vào đường lại càng đẹp, quanh co bên những vườn cao su mát rượi. Không còn là một xã vùng biên đầy khó khăn, cách trở,  Ia O bây giờ là một thị tứ sầm uất nằm bên hồ thủy điện Sê San cứ như bước ra từ cổ tích.

 Học sinh Trường THCS Chu Văn An. Ảnh: T.P
Học sinh Trường THCS Chu Văn An. Ảnh: T.P

Cùng nằm bên dòng Sê San nhưng khác với làng Dip, làng Nú là các làng tái định cư, thị tứ Ia O phát triển trên cơ sở các làng tại chỗ và khu dân cư mới hình thành trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Sê San 4 vào năm 2004. Đây là nhà máy thủy điện cuối cùng trên bậc thang thủy điện thuộc sông Sê San phần chảy qua lãnh thổ Việt Nam.

Trước kia nhắc tới xã biên giới Ia O người ta nghĩ ngay đến chặng đường dài và đầy nhọc nhằn nếu đi từ trung tâm huyện Ia Grai lên xã. Hơn 40 km đường đất lầy lội mùa mưa và bụi mù mịt mùa khô, những con dốc cao, đường quanh co cực kỳ nguy hiểm... Cuối những năm 70 cho đến đầu những năm 90 thế kỷ trước, Ia O vẫn luôn là địa chỉ thách thức sức trẻ của ngành Giáo dục và Y tế huyện. Không xe, không chợ, không điện, không hàng quán...cánh giáo viên công tác ở đây vài tháng mới đi bộ lên thị trấn hoặc thị xã Pleiku một lần để thăm gia đình và mua sắm thêm các nhu yếu phẩm. Đoạn đường từ Ia O lên thị trấn huyện, đi bộ nhanh cũng phải mất một ngày.

Bây giờ có dịp đến Ia O, nếu đi từ TP. Pleiku bạn chỉ mất khoảng 1 giờ. Ia O không còn là “ốc đảo” như xưa. Xe bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lì, từ xã Ia Krái vào đường lại càng đẹp, quanh co giữa những vườn cao su cổ thụ mát rượi. Không còn là một xã vùng biên đầy khó khăn, cách trở, thị tứ Ia O sầm uất nằm bên hồ thủy điện Sê San như bước ra từ cổ tích. Nơi đây đã hình thành cụm dân cư đông đúc với những ngôi nhà, hàng quán nằm san sát nhau. Đủ cả, từ nhà hàng ăn uống, quán cà phê, quán internet, bi da, chợ, quán bán cá sông với đặc sản cá lăng, mè dinh... Biển hiệu quảng cáo đủ màu sắc, kích cỡ. Từ đây có tuyến xe ô tô giường nằm chất lượng cao chở khách đi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng một số tỉnh thành khác trong cả nước.

Điều đáng chú ý nhất ở thị tứ Ia O là tại đây giáo dục đã phát triển rất nhanh. Còn nhớ ba bốn mươi năm trước, cả xã không kiếm được một em để gởi lên trường nội trú huyện học lớp 6 bởi cứ đến lớp 3, lớp 4 là các em lại nghỉ học để làm rẫy giúp gia đình hoặc... bắt chồng, lấy vợ. Bây giờ, Ia O có đủ các cấp học, từ mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở với 2.241 học sinh. Trường nào cũng được xây dựng kiên cố từ nguồn kinh phí của công trình thủy điện, ngoài phòng học còn có thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ở giáo viên cùng công trình vệ sinh... Trường THCS Chu Văn An có đến 13 lớp, 460 học sinh, trong đó học sinh Jrai chiếm 40%. Nhà trường có đủ giáo viên tham gia giảng dạy các môn học, kể cả môn Nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Ngay tại thị tứ có đến 2 trường tiểu học: Bùi Thị Xuân và Nguyễn Bá Ngọc và có lẽ không một vùng xa nào làm được như Ia O: Tất cả học sinh ở các làng xa trung tâm xã đều được đưa đón bằng xe buýt, do các gia đình tự hùn nhau thuê tháng để chở con em đi học về cho kịp trong ngày, không phải ở lại trường. Bỗng nhớ lại và cảm phục cho các thế hệ nhà giáo ở Ia O vào những năm 1977, 1979 như hiệu trưởng Huỳnh Tòng, hiệu trưởng Huỳnh Văn Ký cùng đội ngũ giáo viên nhà trường hầu như cứ vài hôm lại phải đến tận nhà, lên tận rẫy để vận động người dân cho con em mình đi học. Tiếng là trường nhưng cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì, toàn tranh tre nứa lá, bàn ghế phần lớn làm từ thân nứa đập giập rồi đan lại. Cứ đến đầu năm học là thầy trò lại kéo thành đoàn “rồng rắn” mang gùi cuốc bộ lên huyện cõng sách vở về...

Sông Sê San chảy đến đây lại quặn mình lần nữa để làm ra điện. Người Ia O cũng đông thêm nhờ bổ sung gia đình công nhân đội sản xuất của các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 và một số công nhân thi công, vận hành thủy điện ở lại. Đất lành chim đậu, người từ các nơi cũng tìm đến đây buôn bán, xây dựng kinh tế. Vùng biên vắng vẻ ngày nào giờ đã có trên 8 ngàn dân, làm được hơn 50 ha lúa đông xuân, trên 100 ha điều, giá đất ở trên trục đường chính lên đến hàng chục triệu đồng/mét ngang...Nhường đất để làm thủy điện, người dân Ia O cũng được đền bù xứng đáng: qua 3 đợt tuyển có 170 người được vào làm công nhân cao su, 3 làng bị ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Sê San 4 do đất sản xuất nằm trong vùng lòng hồ là: làng Dăng, làng Chep và làng Com được nhận hơn 200 ha cao su chia cho 180 hộ chăm sóc. Ấy là chưa kể con đường trải nhựa rộng và phẳng lì từ Ia Krái vào cũng đều nhờ kinh phí xây dựng công trình Sê San 4.

Phát triển hơn xưa nhưng dân đông và lại có nhiều người từ các địa phương khác đến sinh sống nên tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cũng dễ nảy sinh phức tạp. Song tin rằng với sự quyết tâm của hệ thống chính trị toàn xã, Ia O vẫn mãi ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc một vùng phên giậu của Tổ quốc.

Vĩ thanh:

Còn nữa những ngôi làng tọa lạc gần sông Sê San như làng Duch 1, Duch 2, làng Dăng, làng Pi... mà tác giả chưa thể phản ánh hết được trong bài báo này. Có làng đã dời đi hoặc định cư nơi cao hơn, có làng nhường lại đất đai, nương rẫy để phục vụ cho việc xây dựng lòng hồ thủy điện. Vấn vương bao kỷ niệm về làng cũ là điều tất nhiên nhưng rồi người dân các làng đều đã hiểu được mục đích ý nghĩa của việc mình làm: Tất cả vì dòng điện cho tổ quốc!


Cho đến nay làng nào cũng đều được Nhà nước xây dựng nhà ở kiên cố, làm các công trình dân sinh, được cấp đất sản xuất...Vấn đề quan trọng là chính quyền các địa phương cần có chính sách tiếp tục hỗ trợ đồng bào các làng ổn định và phát triển kinh tế.

Dẫu còn không ít ý kiến trái chiều về việc xây dựng các nhà máy thủy điện, song đối với các công trình thủy điện trên các bậc thang sông Sê San, chính đời sống của các làng tái định cư hiện nay là minh chứng rõ rệt nhất cho một quyết sách lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

 Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.