Lênh đênh trên… di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau hơn 10 năm từ khi đề án di dời, tái định cư cho cư dân làng chài sinh sống quanh vịnh Hạ Long được triển khai, vẫn còn rất nhiều người đang sống lênh đênh trên mặt vịnh, đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Vui buồn theo thời tiết

Dù đã có tuổi, nhưng do kinh tế chưa ổn định, gia đình anh Ngô Đình Phương (47 tuổi, P.Cao Thắng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) vẫn ngày đêm bám biển, cuộc sống trông chờ vào nguồn thu từ tàu cá.

Mưu sinh trên biển
Mưu sinh trên biển

"Lên bờ thì tôi không làm được việc gì, nghề nghiệp không có, giao tiếp văn hóa tôi cũng kém", anh Phương nói lý do khiến mình tiếp tục bám biển, cho biết sẽ còn "lênh đênh" thêm 5 - 7 năm nữa, khi con cái ổn định thì mới về bờ.

Theo anh Phương, trong những chuyến đi biển, nếu thời tiết tốt, một ngày anh có thể thu được khoảng 7 - 8 triệu đồng. Một chuyến đi 3 ngày 3 đêm thu nhập được khoảng 20 triệu đồng. Trừ tiền dầu hao tổn khoảng 13 - 14 triệu đồng, còn dư được khoảng 5 - 6 triệu đồng.

Anh Ngô Đình Phương quyết bám biển thêm 5 - 7 năm nữa
Anh Ngô Đình Phương quyết bám biển thêm 5 - 7 năm nữa

"Cả tháng được khoảng 5 chuyến đi đánh cá, tôi chi trả tiền công cho 2 công nhân, còn dư lại cho tôi. Đó là những chuyến đi đều đều", anh Phương tính.

Thế nhưng, có tháng thời tiết bất ổn, thiên tai đến, gia đình anh Phương không thu được đồng nào, trong khi vẫn phải trả lương cho anh em công nhân. "Đến tháng thì mình vẫn phải trả lương cho họ chứ", anh Phương bày tỏ.

Hơn anh Phương tới hơn 3 chục tuổi, ông Nguyễn Văn Quyết (79 tuổi, quê Thanh Hóa) vẫn ngày ngày đi thuyền đánh cá để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gửi về cho vợ ở quê. Với ông, biển đã là nhà.

"Tất nhiên là làm nghề này, sinh hoạt sẽ luôn bất tiện hơn so với trên đất liền", ông Quyết trầm ngâm. Ông nói: "Nghề đi biển nhìn chung rất phức tạp, khổ hơn ở trên bờ rất nhiều. Nhưng mà mình đi làm kiếm đồng tiền sinh hoạt thì không có kể là khổ hay sướng. Bản thân mình đang còn sức khỏe thì cứ đi làm, đỡ đần cho con cháu. Khi nào không làm được nữa tôi mới nghỉ".

Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền chừng 12 m2
Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền chừng 12 m2

Không chỉ làm nghề đánh bắt cá, mưu sinh trên vịnh Hạ Long còn có những người lái đò, chuyên vận chuyển hàng hóa và người qua lại các tàu thuyền. Chia sẻ về công việc này, chị Đặng Thị Thạo (49 tuổi) cho biết đã làm nghề được vài năm. Công việc phụ thuộc nhiều vào thời tiết, cứ mưa bão là vất vả.

"Cách đây 5 - 7 năm, khi Nhà nước có chính sách tái định cư trên đất liền cho dân nhưng tôi lại không thuộc diện đó. Bởi vì từ nhỏ, tôi không có nhà bè ở dưới này. Tôi ở quê ra đây tha phương cầu thực, lấy chồng rồi ly hôn. Để thuộc diện được nhà được đất thì từ trước phải có nhà bè", chị Thạo kể.

"Mắc kẹt" trên biển

Dù cuộc sống cá nhân có khó khăn, nhưng theo chị Thạo, quanh vịnh vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh éo le hơn. Như trường hợp chị Vũ Thị Hồng (46 tuổi) và chị Phạm Thị Lưu (47 tuổi).

Cả hai chị đều theo chồng đi đánh cá từ năm 16 tuổi. Cha mẹ mất sớm, 2 chị không thể chứng minh nguyên quán, không có hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân. Con cái của họ sinh ra theo đó cũng không được cấp giấy khai sinh, không bảo hiểm y tế và không được đi học.

"Con trai tôi từ bé bị khoèo chân bẩm sinh, cháu không đi được mà chỉ bò. Mỗi lần lên bờ đi chợ dẫn theo cháu là tôi phải bế. Chạy chữa thì không có tiền", chị Hồng nghẹn ngào.

Gia đình chị Hồng (4 người) ngày ngày xoay xở trong không gian chật hẹp của nhà thuyền
Gia đình chị Hồng (4 người) ngày ngày xoay xở trong không gian chật hẹp của nhà thuyền

Chồng chị, anh Đỗ Văn Hà (48 tuổi), dù có hộ khẩu đầy đủ nhưng cũng "không giải quyết được việc của gia đình".

"Bản thân tôi có hộ khẩu, giấy tờ đầy đủ, nhưng cũng không thể xin nhập khẩu được cho vợ tôi. Tôi từng lên phường, xã xin chứng nhận rồi nhưng họ không hỗ trợ. Họ hỏi vợ tôi về giấy tờ nguồn gốc, hỏi bố mẹ vợ nhưng bố mẹ của vợ tôi cũng đã mất lâu rồi", anh Hà giãi bày.

Chung cảnh ngộ, chị Phạm Thị Lưu (47 tuổi) chia sẻ, vài năm trước chị có lên phường xin làm hộ khẩu nhưng không được. "Con tôi bây giờ chỉ có giấy chứng sinh ở viện thôi, chứ không làm được giấy khai sinh. Vì mẹ không có hộ khẩu nên không làm được giấy khai sinh", chị Lưu phản ánh.

Ngoài việc không đủ giấy tờ cần thiết, chị Lưu phàn nàn "chi phí" cũng cao quá, chị không kham nổi.

Không giấy tờ xác nhận nhân thân đồng nghĩa với việc các quyền lợi đi kèm không được đảm bảo, các thế hệ sau theo đó cũng gần như "không được thừa nhận", sống đời lênh đênh hết năm này qua năm khác.

Chứng kiến nỗi lo âu và bất lực trong ánh mắt chị Hồng khi đứa con suy dinh dưỡng của chị không có tiền chạy chữa, không thể đi học, chúng tôi tự hỏi còn bao nhiêu đứa trẻ sinh ra trên biển cũng sẽ có cuộc đời tương tự? Còn bao người vẫn luôn phải bám biển để sinh nhai, để rồi "mắc kẹt" vì thiếu tấm giấy "chứng minh" mình?

Theo Lê Thị Triệu Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

null