Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Từ tháng 7-2010, bà Lê Thị Thiện (SN 1965, trú tại làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) đã gắn bó với công việc bưu tá. Mỗi buổi chiều cách ngày, bà lại nổ máy chiếc xe Future quen thuộc, phía sau chở một bao tải nhỏ đựng xấp báo còn thơm mùi mực in. Từ 16 giờ đến hơn 17 giờ 30 phút, bà vượt qua những con đường dốc để giao báo đúng từng nhà của những người đảng viên lâu năm trong các làng.

“Có báo là tôi đi. Không đi thì hôm sau người ta lại ngóng. Mình quen rồi, thấy đó là việc phải làm”-bà Thiện cười bảo.

dsc02965.jpg
Bà Lê Thị Thiện giao báo đúng từng nhà của những người đảng viên lâu năm đều đặn mỗi chiều. Ảnh: Chu Hằng

Có hôm mưa to, áo mưa bám đầy bùn, báo suýt ướt hết khiến bà áy náy cả tuần. Từ đó, lần nào đi cũng chuẩn bị sẵn bao ni lông để bọc báo cẩn thận. Công việc giao báo không mang lại thu nhập cao, chỉ vừa đủ xăng xe nhưng bà Thiện chưa từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc. Những ngày xã chưa có đường bê tông, xe máy bị lầy, bà phải xắn quần, dắt bộ để báo không đến trễ. “Lo nhất là những người được phát báo không được đọc tin tức mới”-bà kể.

Gắn bó nhiều năm với công việc giao báo, bà Thiện nhớ từng tên, từng địa chỉ nhận báo. Quý mến người đóng vai trò “cầu nối”, nhiều người gói cho bà phần thức ăn mang về, từ món lá mì, canh bột cho đến trái cây trong vườn. Với bà, tờ báo Đảng không thể tách rời.

“Tôi cũng mong có báo để đọc lắm, chính vì vậy tôi càng thấu hiểu cảm giác mong ngóng báo mỗi ngày. Thơm mùi mực mới, đọc báo giấy thấy nhớ lâu, thấy gần gũi hơn. Bận mấy tôi cũng tranh thủ đọc để nắm thông tin”-bà Thiện bộc bạch.

dsc02983.jpg
Những tờ báo Đảng đến tận tay đảng viên, giúp họ cập nhật thông tin kịp thời. Ảnh: Chu Hằng

Không riêng bà Thiện, ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ), anh Huỳnh Xuân Trúc (SN 1984, trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Din) cũng vừa bắt đầu công việc phát báo. Vào nghề chưa đầy 2 tháng nên anh vẫn đang nỗ lực để ghi nhớ từng con đường, từng nóc nhà, từng cái tên quen thuộc với vô số ngã rẽ.

Anh Trúc bày tỏ: “Khó nhất là khi phát báo cho những đối tượng được phát là người dân tộc thiểu số. Mình phải ghi nhớ bằng đặc điểm quanh nhà, nhớ mặt từng người. Không chỉ phát, mình còn hỏi thăm họ đọc thấy sao, có cần gì hỗ trợ. Mình thấy việc này ý nghĩa lắm bởi tờ báo Đảng là nguồn tin quý giá với những người đảng viên, người có uy tín ít có điều kiện cập nhật thông tin trên mạng và tivi”.

Tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), với vai trò bưu tá tuyến xã, anh Lê Hưng (SN 1989, trú tại làng Krông) gắn bó với công việc này hơn 4 năm nay. Ít nói nhưng chu đáo, anh luôn đảm bảo báo đến tay người nhận đúng giờ. Anh Hưng cho biết: “Có khi đến nhà nhưng cán bộ đi họp hoặc đi rẫy, tôi phải quay lại vào hôm sau. Đáng quý, có những người đảng viên lớn tuổi, mắt kém thì nhờ con cháu đọc cho nghe để dễ dàng nắm bắt thông tin”.

img-7235.jpg
Anh Lê Hưng đang sắp xếp lại các tờ báo để chuẩn bị đi giao. Ảnh: Chu Hằng

Không chỉ người giao báo trân trọng, mà người nhận báo cũng xem đó là một kênh thông tin chính thống không thể thiếu. Ông Rơ Châm Năk (trú làng Bua, xã Ia Pnôn), đảng viên 40 năm tuổi Đảng là người được tặng báo đều đặn suốt hơn 10 năm qua. Ông đọc kỹ từng bài, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề chính trị, nghị quyết mới của Trung ương và tỉnh.

“Hiện nay có nhiều cách tiếp cận thông tin, nhưng khi cầm tờ báo Đảng tôi vẫn luôn tin tưởng bởi vì tôi biết những gì mình đọc là chính thống. Trong quá trình đọc, tôi cũng dễ dàng nắm chắc thông tin hơn”-ông Năk nói.

dsc02951.jpg
Ông Rơ Châm Năk duy trì việc đọc báo Đảng mỗi ngày. Ảnh: Chu Hằng

Ông Trần Nam Trung-Giám đốc Bưu điện huyện Đức Cơ thông tin: Mỗi sáng, báo được chuyển từ tỉnh về Bưu cục huyện khoảng 9 giờ, sau đó chia làm 14 tuyến chuyển đến các xã và thị trấn. Mỗi tuyến do một bưu tá phụ trách. Đối tượng nhận báo chủ yếu là đảng viên 30 năm tuổi Đảng, người có uy tín trong cộng đồng, trường học, UBND xã, các đơn vị quân sự và cơ quan hành chính. Năm 2024, toàn huyện Đức Cơ có số lượng phát hành 121.756 tờ Báo Gia Lai, trong đó có 667 tờ Báo Gia Lai Cuối tuần.

Ngoài ra còn có các ấn phẩm của báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, Thể thao & Văn hóa, Pháp luật Việt Nam…

Ở nơi biên giới, lặng lẽ nhưng kiên trì, những người bưu tá vẫn đang nỗ lực giúp giữ mạch thông tin được thông suốt mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null