'Niêm phong' kho báu giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ngoài "vương quốc pơ mu" nổi tiếng, Quảng Nam còn có khu rừng lim hàng ngàn năm tuổi. Để giữ bình yên cho kho báu này, "biệt đội" của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang đã dấn thân vào một cuộc chiến thầm lặng.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Nằm gọn trong địa phận xã Lăng (H.Tây Giang, Quảng Nam), khu rừng lim cổ thụ quý hiếm rộng hàng chục ha với hàng ngàn cây được bao bọc bởi những ngọn núi đá dựng đứng và dòng sông Bung uốn lượn, biệt lập với thế giới bên ngoài. Chính lá chắn tự nhiên này cùng sự tuần tra, bảo vệ thầm lặng của cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang) đã giúp khu rừng được giữ nguyên vẹn.

“Biệt đội” Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 thầm lặng giữ rừng lim cổ thụ
“Biệt đội” Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 thầm lặng giữ rừng lim cổ thụ

Để tiếp cận "pháo đài xanh" này, chúng tôi phải vượt qua dòng sông Bung bằng thuyền máy. Tiếng máy nổ xé tan sự tĩnh lặng, đưa chúng tôi cùng 5 thành viên Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 tiến về tiểu khu 122. Từng mảng rừng nguyên sinh dần hiện ra. Anh Bùi Ngọc Thạch, Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng số 4, với kinh nghiệm đi rừng dày dặn, chỉ cho chúng tôi cách nhận biết cây lim giữa mảng rừng xanh bao la: "Các anh cứ nhìn thẳng vào khu rừng, thấy cây nào cao nhất, lá xanh sẫm thì đó là cây lim".

Thuyền dừng ở đầu suối Lăng, nơi đặt lán trại của lực lượng bảo vệ rừng, cách Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 khoảng 200 km. Đây là chốt điểm chiến lược, cho phép kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy dẫn vào rừng lim. Rừng lim chỉ cách đó vài trăm mét theo đường chim bay, nhưng để đến được, anh Thạch ước tính phải mất hơn một giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua nhiều suối khe, sườn dốc. Con đường vào rừng là lối mòn quen thuộc của những người gác rừng, mặt đá trơ trọi, trơn trượt. Có đoạn cắt qua rừng, đoạn lại men theo mép đá dọc khe, đoạn phải vượt suối... Anh Thạch nhanh nhẹn chặt mấy chiếc gậy tre để giúp chúng tôi dễ đi hơn, riêng anh thì vượt lên phía trước dẫn đường.

Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 chỉ có vỏn vẹn 7 thành viên, gồm trưởng trạm và 6 nhân viên chuyên trách. Với quân số ít ỏi này, họ lại được giao trọng trách bảo vệ khu vực rừng rộng hơn 3.000 ha, gồm rừng lim cổ thụ hàng ngàn năm tuổi và cánh rừng giáp ranh với H.Nam Giang. Nhiệm vụ quan trọng nên cán bộ, nhân viên trạm gần như không vắng mặt ngày nào, kể cả dịp lễ, tết.

Gần 8 năm công tác tại trạm, chưa năm nào anh Thạch được đón tết cùng gia đình trước ngày mùng 2. Với những cuộc tuần tra xa, đến hàng chục cây số đường rừng, trạm sẽ huy động khoảng

Một cây gỗ lim cổ thụ 4 người ôm không xuể
Một cây gỗ lim cổ thụ 4 người ôm không xuể

5 thành viên, mang theo vật dụng nấu nướng, lương thực, thực phẩm để bám rừng suốt một tuần. Còn tuần tra ở gần, thường sẽ là nhóm 3 người, đi về trong ngày. Luân phiên như thế, kiểm lâm viên ở đây thầm lặng bảo vệ rừng lim theo kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". "Anh em của trạm đa phần ở xa, mỗi lần về thăm nhà phải vượt hàng trăm cây số. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng đảm bảo an toàn và hoàn thành nhiệm vụ được giao", anh Thạch bộc bạch.

Khu rừng 'triệu đô'

Sau bữa cơm trưa vội vã, chúng tôi bắt đầu hành trình đi sâu vào rừng già. Dù đã được các thành viên trong đoàn "làm công tác tư tưởng" từ trước, nhưng sự gian nan của chặng đường tuần tra thật sự vượt xa sức tưởng tượng. "Như thế này thì ăn thua gì ? Có những đợt tuần tra gặp đúng trời mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về các con suối cuồn cuộn như thác khiến chúng tôi mắc kẹt trong rừng suốt nhiều ngày liền, chưa kể nỗi lo sạt lở", anh Thạch nhớ lại.

Càng tiến sâu vào rừng, gốc lim càng dày đặc hơn, có những gốc cổ thụ 4 - 5 người ôm không xuể. Những gốc cây tầm một người ôm trở lên được trạm kiểm đếm, định danh bằng con số cụ thể. Đứng dưới một gốc lim có đường kính tầm 2 m, ngước nhìn lên ước chừng cây cao đến 50 m và hàng trăm lim "con" vây quanh, anh Thạch nhắc chúng tôi di chuyển chậm hơn, chú ý bước chân để không dẫm phải lim "con". Bởi chỉ vài năm nữa thôi, những cây lim này nép mình dưới bóng lim mẹ, hấp thụ linh khí đại ngàn rồi sẽ vươn cao, phủ xanh thêm cánh rừng.

Một cây lim cổ thụ có tuổi đời đến hàng trăm năm
Một cây lim cổ thụ có tuổi đời đến hàng trăm năm

Từ khi thành lập vào năm 2014 đến nay, chưa xảy ra vụ việc xâm hại lâm phận mà trạm quản lý. Những cánh rừng cứ thế bình yên trong sự bảo vệ thầm lặng. "Rừng bình yên, không có bất kỳ sự tác động nào thì cây lim mới sinh sôi, phát triển tự nhiên. Bất kỳ một thanh gỗ lim khô hay gốc lim bị bật gốc do mưa bão cũng không được phép xê dịch", anh Thạch chia sẻ.

Anh Bling A Boóc, một thành viên của trạm, bảo càng tiến sâu vào rừng sẽ bắt gặp những gốc lim lớn hơn nhiều. Đợt kiểm đếm mới đây ghi nhận gần 2.000 cây lim có gốc từ 3 người ôm trở lên, những cây nhỏ hơn thì không đếm xuể. "Khu rừng này có những cây lim tồn tại đã hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Rừng lim hàng ngàn gốc này trị giá hàng triệu USD chứ không phải ít", anh Bling A Boóc tiết lộ.

Rừng lim có giá trị khổng lồ như vậy, lại nằm khá gần sông suối nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Nếu lực lượng kiểm lâm lơ là, chỉ trong vòng một tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả rừng lim rồi lợi dụng dòng nước để đưa gỗ về xuôi. "Chỉ cần phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn cho thấy có sự hiện diện của con người trong cánh rừng này là anh em phải căng mình rà soát. Chỉ đến khi biết chắc đó là người địa phương đi bứt mây, hái nấm hoặc đánh bắt cá thì căng thẳng mới giảm đi phần nào. Hiện hơn 1.600 cây lim trong khu rừng đã được công nhận là Cây di sản VN nên áp lực giữ rừng lại càng tăng lên gấp bội", anh Thạch chia sẻ.

Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 kể đã có nhiều đối tượng xấu đến tìm cách mua chuộc để phá rừng lim nhưng trạm đều cương quyết từ chối. "Chúng tôi kiên quyết không tiếp tay, thế là bọn xấu trở mặt đe dọa. Chúng tôi đã hứa với lãnh đạo tỉnh, huyện là không bao giờ để một cây cây rừng nào ngã xuống bởi tay lâm tặc", anh Thạch trải lòng. Thành viên của trạm như Bling A Boóc cũng quả quyết: "Đã dấn thân vào nghề giữ rừng thì phải xem mình với rừng như máu thịt, chọn rừng làm niềm vui mỗi ngày...".

Theo Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

null