Bắt chồng giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Người đi hỏi cưới là… con gái

Giữa cái nắng nhè nhẹ đầu hè, trong căn nhà khang trang, ông K’Cu (65 tuổi, dân tộc K’Ho, thôn Đarahoa) vừa nhâm nhi tách trà, vừa kể: “Ngày xưa, đến tuổi cập kê, con gái phải chuẩn bị rượu cần, vòng bạc, chiếu hoa… để sang nhà trai dạm hỏi. Hồi đó, bắt chồng không dễ, nếu nhà trai không đồng ý thì cũng phải chịu. Mỗi lần hỏi cưới là một cuộc thương lượng giữa hai gia đình, không khác gì đi ‘mua rể’”.

Ông K’Cu kể chuyện.
Ông K’Cu kể chuyện.

Ông K’Cu kể rằng, theo quan niệm của người K’Ho, con gái nắm vai trò chủ động trong hôn nhân. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, gia đình nhà gái sẽ tìm hiểu chàng trai mình mong muốn, rồi mang lễ vật đến dạm hỏi. Nếu được chấp thuận, chàng trai sẽ về làm rể bên nhà vợ, sống trong mái nhà của vợ, mang họ vợ, và cả con cái sinh ra sau này cũng mang họ mẹ.

Gia đình ông K’Cu có 5 người con, trong đó 4 đứa con gái. Theo phong tục người K’Ho, ông tổ chức lễ “bắt chồng” cho cả 4 con rồi chia mỗi người 5.000m2 đất để làm ăn. “Hai đứa lấy chồng K’Ho, hai đứa lấy chồng người Kinh”, ông K’Cu chia sẻ.

Anh Woàng Thu Duy.
Anh Woàng Thu Duy.

Không ồn ào, không pháo cưới rình rang, đám cưới của người K’Ho thường giản dị mà đậm đà nghĩa tình. Khi hai bên đồng thuận, lễ cưới sẽ diễn ra tại nhà gái. Cô dâu chú rể cùng uống rượu cần, trao nhau vòng đeo cổ bằng bạc - biểu tượng của tình yêu và sự gắn bó trọn đời. Chuyện hỏi chồng của người K’Ho, với người miền xuôi, có thể lạ lẫm và ngược đời. Nhưng với bà con Đarahoa, đó là điều thiêng liêng, là khởi đầu cho một mái ấm. Không chỉ là chuyện riêng của đôi trẻ, mỗi lần bắt chồng còn là dịp để cả làng tụ hội, mừng vui và chúc phúc.

Chị Ka Hằng (45 tuổi, dân tộc K’Ho), Bí thư chi bộ thôn Đarahoa, nhớ lại ngày chị hỏi cưới chồng mình cách đây gần hai thập kỷ. Năm 2009, gia đình chị sắm sửa sính lễ rồi xuống Đạ Huoai để ‘bắt chồng’. Còn anh Woàng Thu Duy (chồng chị) hiền lành, chăm chỉ. “Mình phải xin phép ba mẹ đi hỏi chồng. Mang rượu cần, vòng bạc, áo thổ cẩm, rồi cả heo quay. Cũng hồi hộp lắm. Nhưng may mà nhà trai gật đầu liền”, chị kể, mắt ánh nhân lên niềm vui.

Điều thú vị khác, dù người nữ chủ động đi hỏi cưới, nhưng sau khi về làm rể, người đàn ông vẫn giữ được tiếng nói trong gia đình. Ở nhà vợ, nhưng người chồng luôn được tôn trọng. “Thời gian đầu hơi buồn, nhưng không có chuyện coi thường mình đâu. Mình về làm rể, nhưng vẫn gánh việc lớn nhỏ. Chỉ theo tập tục thì sống bên vợ,” anh Duy cười nói.

Sống mềm trong thời đại số

Thủ tục trùm khăn tác thành cho đôi bạn trẻ của người K’Ho.
Thủ tục trùm khăn tác thành cho đôi bạn trẻ của người K’Ho.

Trải qua bao biến động của thời gian, tục bắt chồng ở làng Gà vẫn được gìn giữ như một phần hồn cốt của cộng đồng K’Ho. Nhưng không thể phủ nhận rằng, lối sống hiện đại cũng đang khiến phong tục này dần thay đổi.

“Giữa cuộc sống hiện đại đầy hối hả, thôn Đarahoa vẫn vang vọng tiếng cồng chiêng, mùi rượu cần thơm nồng, và những vòng bạc lấp lánh trao nhau trong lễ cưới giản dị mà ấm áp. Ở đó, câu chuyện tình yêu vẫn được viết nên bằng sự chủ động, can đảm và bao dung của người phụ nữ K’Ho. Không chỉ giữ lửa cho gia đình, họ còn là ngọn đuốc soi đường cho văn hóa tộc người giữa đại ngàn” Bạn trẻ Nguyễn Hương Ly chia sẻ

“Giới trẻ bây giờ tiếp xúc nhiều với văn hóa bên ngoài. Họ yêu nhau, cưới nhau theo cách tự do hơn, nhiều khi cũng không còn theo đúng nghi thức bắt chồng xưa. Nhưng phần lớn vẫn giữ một số nghi thức chính như lễ vật, uống rượu cần, đeo vòng bạc… để không quên cội rễ”, một cán bộ văn hóa xã Hiệp An cho biết.

Cán bộ này cho biết, sự thay đổi đó không phải mất gốc, mà là thích nghi cần thiết để phong tục tồn tại bền vững. Điển hình như gia đình của K’Biêng và H’Mi, cặp vợ chồng trẻ vừa tổ chức lễ cưới cách đây không lâu. Họ gặp nhau qua mạng xã hội, yêu nhau khi cùng học đại học tại TPHCM. Khi quyết định về quê làm đám cưới, H’Mi vẫn giữ nghi lễ bắt chồng như truyền thống.

Ở Đarahoa, việc gìn giữ phong tục không chỉ dừng ở câu chuyện truyền miệng hay những lễ cưới trong làng. Nhiều năm nay, các già làng, trưởng thôn, cùng lực lượng đoàn thanh niên đã cùng nhau đưa những nét văn hóa truyền thống như tục bắt chồng, lễ hội cồng chiêng, dệt thổ cẩm… vào trường học, các buổi sinh hoạt cộng đồng và lễ hội của xã.

Thôn Đarahoa hiện có hơn 80% là đồng bào dân tộc K’Ho.
Thôn Đarahoa hiện có hơn 80% là đồng bào dân tộc K’Ho.

Bí thư chi bộ thôn Đarahoa cho biết: “Chúng tôi thường tổ chức giao lưu văn hóa, phục dựng các nghi lễ truyền thống để các em nhỏ được hiểu và tự hào về phong tục dân tộc mình. Đặc biệt, mỗi năm khi có cặp đôi trẻ làm đám cưới theo tục bắt chồng, chúng tôi đều khuyến khích tổ chức đúng nghi lễ, ghi hình lưu giữ để giáo dục thế hệ sau”.

Ngay tại Trường Tiểu học An Hiệp (huyện Đức Trọng), các thầy cô cũng đưa những câu chuyện dân gian, phong tục tập quán của người K’Ho vào bài giảng môn Đạo đức, tiếng Việt. Những đứa trẻ người K’Ho, người Kinh học chung một lớp, cùng biết về phong tục của nhau.

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết, phong tục ‘bắt chồng’ của người K’Ho là một nét văn hóa đặc sắc có lịch sử hàng trăm năm và vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Sau lễ cưới, người chồng sẽ về sống bên nhà vợ, mang họ mẹ, con cái sinh ra cũng khai sinh theo họ mẹ, phản ánh rõ nét chế độ mẫu hệ truyền thống của người K’Ho.

“Ngày trước, lễ cưới truyền thống thường rất cầu kỳ, với những yêu cầu thách cưới lớn như trâu, bò, cồng chiêng, ché rượu… Tuy nhiên hiện nay, người dân đã giản lược các thủ tục, sính lễ chỉ mang tính tượng trưng, phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần của phong tục cổ xưa”, ông Hoài cho hay.

Theo Thái Lâm (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null