(GLO)- Sáng hôm sau (10-9) thay vì đi về phía thượng nguồn, nơi có hồ chứa Ka Nak, chúng tôi lại vượt đèo An Khê theo con kênh đào xẻ nước sông Ba cho sông Côn để đến nhà máy Thủy điện An Khê. Từ dưới chân đèo đi về hướng bắc khoảng 7 km thì gặp suối Cả nhìn lên hòn Ông Bình (di tích của Tây Sơn) thấy một đường ống nối từ trên cao bắc xuống nhà máy thủy điện phía chân núi. Chúng tôi có ý định tham quan nhà máy nhưng người bảo vệ điện thoại xin ý kiến của Ban Quản lý đóng mãi tận Quy Nhơn và họ không cho phép tiếp cận nên đành quay xuống với sông Côn. Theo người dân ở xã Tây Thuận thì con suối Cả ngày xưa thường kiệt nước vào mùa khô, giờ đây đã mở rộng thành kênh đào để dẫn nước từ nhà máy Thủy điện An Khê về sông Côn. Nước trên dòng kênh mùa này đầy ắp, đang chảy như sông. Vùng đất khô cháy dưới chân núi Ông Bình trước đây người dân chỉ sản xuất l vụ, trông chờ nước trời là chính. Nay nhờ có dòng nước sông Ba “sẻ chia” thứ tài nguyên mà đôi khi ta xem là nước lã nên cây lúa, cây mì nơi đây xanh tốt quanh năm. Nông dân đôi bờ sông Côn vui như nhặt được của quý.
Ngã ba sông Ba và sông La Bà (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Bùi Quang Vinh |
Lội trong cái nắng buổi trưa, chúng tôi về đến địa phận xã Bình Tường-Tây Sơn để được chiêm ngưỡng một công trình hợp phần đập dâng Văn Phong khá bề thế vắt qua sông Côn với hai công trình: thủy điện (bên hữu ngạn) và thủy lợi (bên tả ngạn). Đây là công trình trọng điểm trên đất Bình Định với công nghệ tiên tiến được Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư chính cho đập dâng với kinh phí 2.070 tỷ đồng, mới khánh thành vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam (30-4-2015). Hệ thống đập dâng Văn Phong được thiết kế tưới cho 4.000 ha hoa màu phía hạ lưu sông Côn, nơi thường xuyên bị hạn hán trong mùa khô, làm thay đổi cả vùng sinh thái phía Tây Bình Định, đem lại sức sống mới. Phía trên đập dâng mùa này mực nước đang ở cao trình trung bình đủ để hợp phần thủy lợi và thủy điện Văn Phong tải hết công suất. Ngày xưa, trên quốc lộ 19 qua đoạn Bình Tường vào mùa khô, bên bãi sông Côn là một cồn cát rộng thênh thang, dòng sông chỉ còn là lạch nước nhỏ, người dân có thể lội qua hai ven bờ để tận dụng đất sản xuất. Hôm nay nơi đây trở thành hồ chứa nước mênh mông, đầy sức sống, tạo nên một vùng có môi trường-sinh thái khá hấp dẫn, có thể cải tạo trở thành điểm tham quan, du lịch. Có thể nói, để kiến tạo hợp phần đập dâng Văn Phong là kết quả của sự hợp lưu nguồn nước hai con sông: sông Côn và sông Ba, phát nguyên từ phía thượng nguồn Gia Lai và Kon Tum do con người tạo dựng. Tài nguyên tự nhiên, trong đó có tài nguyên nước không phải là vô hạn nên quy luật “thượng điền tích thủy hạ điền khan” là không thể tránh khỏi. Gắn với việc đời thì cũng hợp lẽ “hạnh phúc là cái chăn hẹp, bên này co thì bên kia chịu hở”…
Rời Văn Phong, chúng tôi tiến thẳng về thượng nguồn sông Ba phía Tây Bắc thuộc huyện Kbang. Vượt qua huyện lỵ về phía Bắc không xa, chúng tôi diện kiến một bờ đập cao như núi bắc qua hai ngọn đồi dài gần 1 km với 940 tấn thiết bị được ráp nối cho công trình và chính thức đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa Ka Nak cách đây 5 năm (13-9-2010). Hồ chứa rộng hàng trăm ha, mùa này khá khô kiệt, hệ thống xả nước trên bờ đập đóng van im ỉm. Vài ba người dân tranh thủ thả câu dưới lòng đập, có người bơi thuyền giăng lưới phía trên đầu nguồn. Theo thiết kế thì hồ chứa Ka Nak là nơi trữ nước đầu nguồn, điều tiết nước cho hồ chứa An Khê và hai nhà máy điện, chủ yếu là Nhà máy Thủy điện An Khê nằm trên đất Tây Sơn-Bình Định. Nhà máy Thủy điện Ka Nak (13 MW) nằm sát dưới chân đập, đang hoạt động hết công suất với 2 công nhân trực vận hành. Từ đập đầu nguồn nơi đây, chúng tôi nghĩ đến những trận xả lũ kinh hoàng trong nhiều năm sau khi chặn dòng khiến người dân vùng hạ lưu bị ngập lụt bất ngờ, nhất là dân thị xã An Khê và phía nam thị trấn Kbang. Đặc biệt là trận lụt mới đây vào ngày 15-11-2013 đã nhấn chìm vùng An Khê trong bể nước, cầu sông Ba bị ngập, quốc lộ 19 bị chia cắt trong nhiều giờ, gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Việc xả lũ đối với các đập ngăn trong mùa mưa là điều tất yếu nhưng nếu không tính toán một cách khoa học thì ngược lại nó sẽ gây thảm họa, bởi vì một “quả bom nước” khổng lồ ấy khi nổ tung thì trở thành trận đại hồng thủy không gì ngăn trở được. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc bảo vệ hệ thống đập ngăn cả về an ninh và kỹ thuật cần được coi trọng hơn bao giờ hết, thay vì chỉ chăm chăm ngăn cấm người vào tham quan nhà máy thủy điện.
Rẽ đường Trường Sơn Đông về hướng Tây, chúng tôi băng qua những khu rừng già để đến vùng đầu nguồn Krong, vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ của tỉnh Gia Lai (khu 10), nơi hợp lưu giữa sông Ba và sông La Bà. Đi qua những làng định cư của đồng bào Bahnar thuộc xã Đak Smar với những căn nhà hộp quy hoạch như phố trên ngọn đồi chật hẹp, thiếu đất sản xuất, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ngày xưa, họ ngụ cư ven những vùng đất thấp dọc theo triền sông Ba vừa có đất canh tác vừa khai thác sản vật tự nhiên từ rừng, sông suối để sống. Nay phải nhường đất cho vùng ngập thuộc dự án thủy điện An Khê-Ka Nak, môi trường sinh thái đổi thay, cuộc sống cộng đồng bị đảo lộn, sinh kế của gia đình chỉ trông chờ vào những vùng đất mới ở độ dốc cao, thường xuyên bị xói mòn, vài mùa vụ đã phải luân canh. Tại đây, năm ngoái (21-9-2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm khu tái định cư của đồng bào và ông đã căn dặn chính quyền địa phương kết hợp với chủ đầu tư công trình thủy điện An Khê-Ka Nak phải chăm lo tốt cho đồng cáo các dân tộc trong diện tái định cư, đảm bảo các yêu cầu cam kết về đời sống hàng ngày và việc làm cho họ. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch nước là một chuyện nhưng vấn đề ổn định lâu dài của người dân nơi đây cần phải được địa phương tính toán một cách căn cơ, nhất là kết hợp, lồng ghép các dự án về phát triển nông nghiệp-nông thôn để định hình vùng sản xuất bền vững làm cho người dân có điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Về khu làm việc của Tỉnh ủy Gia Lai những năm 1972-1974. Ảnh: Bích Hà |
Đến thị trấn Dân Chủ xưa, chúng tôi vào chào Bí thư xã Krong Đinh Klem ở trụ sở, tìm hiểu thêm về tình hình đời sống của đồng bào nơi đây, sau đó lên đường đến ngã ba sông cách đó chừng 5 km. Đây là vùng đất bãi bồi khá bằng phẳng nằm cạnh hai con sông: sông Ba và sông La Bà. Theo những người tham gia kháng chiến thì trước đây khu vực này là “an toàn khu” nên họ tận dụng sản xuất hoa màu để tự túc lương thực. Giờ đây, người dân địa phương vẫn trồng trỉa hàng năm, vụ bắp vừa thu hoạch chỉ còn trơ lại những cây lá vàng khô. Những cây cầu bắc qua hai dòng sông đã được kiên cố hóa thuận tiện cho người dân qua lại. Chúng tôi tìm đến đúng nơi giao thủy của đôi dòng. Mùa này nước sông Ba đổ về hơi đục, còn dòng La Bà, phát nguyên từ rặng núi phía Tây thuộc huyện Mang Yang có dòng nước trong vắt, mát lành.
Tuy chưa phải là cội nguồn của dòng sông Ba hùng vĩ, nhưng nơi đây phía đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi cũng cảm nhận được sự sinh thành của dòng sông mẹ đã chịu bao đớn đau, chắt bóp từng giọt nước trong lành từ những vỉa mạch của rừng để nuôi sống dòng sông thiên thu.
Bùi Quang Vinh