Bài 5: “Mặt trời hồng” giữa Tây Nguyên xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- …Trên hành trình ấy, trái tim của mỗi người đều rộn lên những nhịp đập thiêng liêng nhất. Chúng tôi đi trong một tâm thế tràn đầy niềm xúc động và tự hào. Hàng triệu người con nơi núi rừng Tây Nguyên đang mong ngóng từng ngày được đón Bác về với cao nguyên gió ngàn, về với nơi mà trong những ngày tháng 3 và tháng 4 lịch sử năm 1975, chiến thắng mở màn đầu tiên đã góp phần tạo đà cho thành công của chiến dịch huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh-chiến dịch cuối cùng của chiến tranh Việt Nam thời đánh Mỹ; góp phần thỏa ước nguyện của Người trước lúc đi xa: Miền Nam giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Kỳ 1: Thiêng liêng hành trình đón Bác

Hành trình của niềm tin

…Hà Nội ngày thu, bầu trời cao trong vắt, những giọt nắng vàng hòa cùng làn gió nhẹ đặc trưng của tiết trời phương Bắc. Việc đúc tượng Bác tại Gia Lâm-Hà Nội đã hoàn tất. Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là phải vận chuyển an toàn tượng Bác vào đến nơi đặt tượng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku-Gia Lai). Kích thước bức tượng lớn, lại phải trải qua một hành trình dài hơn 1.000 km bằng đường bộ, nhiều vùng có địa hình phức tạp, đường sá nhiều nơi chưa tốt hay những khu vực phố xá đông đúc quả là một thử thách không dễ trong việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng xin đất ở nhà sàn Bác Hồ để đưa về Gia Lai. Ảnh: Hà Ngọc Chính
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng xin đất ở nhà sàn Bác Hồ để đưa về Gia Lai. Ảnh: Hà Ngọc Chính

7 giờ sáng ngày 23-10, đoàn bắt đầu xuất phát tại Gia Lâm-Hà Nội. Để đảm bảo an toàn cho hành trình đặc biệt này, kế hoạch di chuyển đã được xây dựng hết sức chặt chẽ và bí mật, cụ thể đến từng điểm dừng chân. Không ai được tiết lộ bất cứ thông tin gì về chuyến hành trình, kể cả với những người thân yêu nhất. Phố xá đông đúc với những chuyển động khỏe khoắn bởi guồng quay của ngày mới bắt đầu. Đoàn xe vận chuyển tượng Bác âm thầm, lặng lẽ khởi hành giữa cái náo nhiệt của phố phường và những cơn sóng cảm xúc thiêng liêng đang trào dâng trong mỗi trái tim mỗi thành viên trên hành trình rước Bác.

Từ Hà Nội, xuyên qua những vùng quê yên bình của các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa cho đến quê hương Nghệ An yêu dấu của Người-yên bình đúng như những cái tên nó sở hữu: Bình, Thanh, An-con đường mang tên Hồ Chí Minh mới được xây dựng cách đây chưa lâu đang đem lại sức sống mới cho cư dân vùng này. Và nay, cũng trên con đường ấy, Bác Hồ-vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già của dân tộc Việt đã và đang trải qua chặng hành trình để đến với Tây Nguyên nắng gió và yêu thương.

Đoàn về làng Sen, đến thăm ngôi nhà thuở thiếu thời của Người và gia đình sinh sống, thắp nén hương thơm làm lễ và xin được cất lấy một nắm đất nơi đây. Đến quê hương xứ Nghệ, bao cảm xúc lại trào dâng trong lòng mỗi người con xứ lạ. Quê Bác là đây, nơi vùng quê vẫn còn đó bao nỗi khó khăn, nhọc nhằn in dấu trong từng câu hò ví giặm, nghe da diết lòng người.
 

Đoàn rước tượng Bác nghỉ một đêm ở Nghệ An và xuất phát ngay tại Quảng trường Bác Hồ ở TP. Vinh. Ảnh: Hà Công Chính
Đoàn rước tượng Bác nghỉ một đêm ở Nghệ An và xuất phát ngay tại Quảng trường Bác Hồ ở TP. Vinh. Ảnh: Hà Ngọc Chính

Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… dải đất miền Trung gian lao và anh dũng, những dải đất cát trắng phủ đầy như thấm hút nhiều hơn giọt mồ hôi mặn mòi bao đời của những con người chịu khó, chịu thương. Mỗi chặng đường, vùng quê mà đoàn đi qua đều lưu dấu lòng người biết bao cảm xúc. Và đây, dải Bạch Mã hùng vĩ chạy theo bờ biển Đông dài lượn sóng, hầm Hải Vân nối chặt hai bờ Nam-Bắc miền Trung. Đà Nẵng-thành phố biển năng động, đang ngày càng khẳng định vị thế của một thành phố trẻ, Quảng Nam quê hương cách mạng nặng ân tình, và rồi là Quảng Ngãi, Bình Định… “Bác ơi, suốt hành trình ngàn dặm chạy về miền bazan nắng và gió này, Người có nhìn thấy đất nước mình thay đổi lắm không? Giang sơn Việt Nam hùng vĩ và trù phú hơn rất nhiều, Người có thấy không? Và có lẽ, Người đang vui, vui lắm khi thấy nhân dân mình, Tổ quốc mình đang đổi thay, no ấm
 từng ngày…”.

Bác đã về đây với chúng con…

Đèo An Khê lừng lững hiện ra như một bức tường thành được dựng lên ngăn cách giữa dải đất đồng bằng ven biển với miền cao nguyên đất đỏ. Đoàn đã “chạm ngõ” mảnh đất Gia Lai-đích đến cuối cùng của hành trình này. Điều ấy cũng có nghĩa, ước nguyện đến với Tây Nguyên của Bác đã thành sự thật!

Cuối tháng 10. Tây Nguyên đang đắm chìm trong bầu không khí của thời tiết giao mùa. Cúc quỳ-loài hoa đặc trưng của miền cao nguyên nắng gió-năm nay bỗng nhiên đua nhau khoe sắc sớm. Hai bên đường dọc quốc lộ 19 hay trên các triền đồi, xen giữa những mảng xanh bạt ngàn hùng vĩ của cây rừng là từng thảm cúc quỳ vàng rực rỡ. Thiên nhiên vô tình hay hữu ý, đã giục giã quỳ vàng bung sắc thắm đón Người?
 

Đoàn xe vượt đèo An Khê. Ảnh: Hà Công Chính
Đoàn xe vượt đèo An Khê. Ảnh: Hà Ngọc Chính

Dọc trên trục đường chính chạy qua thị xã An Khê, hàng ngàn em học sinh và nhân dân ra đứng chật kín hai bên đường. Trên tay các em học sinh là những lá cờ đỏ thắm, những tiếng hò reo, những gương mặt rạng ngời hân hoan được đón Bác về với Tây Nguyên. Mọi hoạt động khác dường như ngưng lại, mọi người đều dồn hết sự chú ý vào đoàn xe đang đưa Bác về TP. Pleiku. Trái tim mỗi thành viên như chật căng cảm xúc, muốn vỡ òa trong những tiếng hò reo. Đúng, chỉ có Bác, chỉ có người cha già với áo nâu sòng, chân dép lốp mà suốt một đời chỉ lo cho dân, cho nước mới có thể được đón thật nhiều tình cảm của nhân dân đến như vậy.

…Sau 3 ngày, vượt qua chặng đường dài hơn 1.000 km, bức tượng “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đã ngự trị trong lòng của người dân Tây Nguyên, nơi Quảng trường Đại Đoàn Kết. Bác đã về với Tây Nguyên! Không giấu nổi niềm xúc động nghẹn ngào, cô Niê Bích Đào-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai, cho biết: “Xúc động lắm chứ! Vậy là Bác đã được về đến Tây Nguyên, về với buôn làng như điều Người hằng mong ước. Pleiku mình từ nay đã được đón Bác và Bác sẽ ngự trị ở đây với nhân dân Phố núi Pleiku. Công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” cũng như Quảng trường Đại Đoàn Kết nơi đặt bức tượng Bác sẽ trở thành công trình văn hóa tiêu biểu, thành điểm nhấn ý nghĩa của Gia Lai chúng ta”.

Theo Bác suốt một chặng đường dài để đảm bảo công tác bảo vệ mục tiêu, Thiếu tá Nguyễn Văn Liệu-Phó Đội trưởng Đội Kỹ thuật Nghiệp vụ Bảo vệ-Phòng Hướng dẫn Bảo vệ mục tiêu-C65-Bộ Công an, phấn khởi cho biết: “Quả thật, khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã phải suy nghĩ, tính toán rất nhiều. Điều chúng tôi lo lắng nhất là nếu nhân dân biết được chúng ta đang di chuyển tượng Bác, rất nhiều người vì quá yêu quý Bác, muốn được nhìn thấy Bác sẽ đổ ra đường để tận mắt nhìn ngắm tượng Người. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho hành trình của chúng ta. Đến bây giờ, quả thực chúng tôi đã rất an lòng khi nhiệm vụ bảo vệ đã được hoàn thành xuất sắc, Bác đã về được với bà con Tây Nguyên”.
 

Người dân Pleiku hân hoan chào đoán Bác về. Ảnh: Hà Công Chính
Người dân Pleiku hân hoan chào đón Bác về. Ảnh: Hà Ngọc Chính

Trong buổi lễ đón Bác về được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết vào sáng 26-10, hàng ngàn người dân và các cháu học sinh đã đổ về đây để chào đón và được nhìn ngắm Bác. Tây Nguyên đón Bác trong những tiếng cồng chiêng ngân vang, những điệu xoang nhịp nhàng, những bàn tay nắm lấy nhau thật chặt và những nụ cười, ánh mắt rạng ngời niềm vui.

Tiếng một chị trong đội múa xoang nói vào tai tôi: “Vui lắm, lòng mình vui lắm, vui như có hội!”. Tiếng cười giòn tan hòa vào nắng, hòa vào gió, ngập trong không khí rộn ràng đúng như một ngày hội lớn của buôn làng Tây Nguyên. Đâu đó, nhịp cồng chiêng đang đều ngân lên những giai điệu thật đẹp: “Chim có cánh chim bay lên mây, có Bác Hồ mang trong tim này. Tuy cách núi mênh mông cao dầy, người Tây Nguyên tin tưởng không lay”…

Bác Hồ đã về với Tây Nguyên!

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Giới thiệu bài 5, kỳ 2: Từ nay, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, một “mặt trời hồng” sẽ mãi mãi tỏa sáng giữa Tây Nguyên xanh vời vợi.

Có thể bạn quan tâm

Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bài viết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về thực hiện ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu bài viết “Thực hiện ý nguyện của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của Nhân dân" của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND (bìa phải) tặng quà cho gia đình bà Huỳnh Thị Bốn (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc) là thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh thăm tặng quà gia đình chính sách ở Krông Pa

(GLO)- Sáng 24-7, Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Krông Pa nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà gia đình ông Trần Quang Bảo (thôn Plei Ia Kơ Al, xã Ia Piar). Ảnh: Vũ Chi

Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Phú Thiện

(GLO)- Chiều 23-7, đoàn công tác do Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu tại huyện Phú Thiện nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Chư Păh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Chư Păh

(GLO)-Chiều 23-7, đoàn công tác do đồng chí Thái Thanh Bình-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà cho 5 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu tại huyện Chư Păh nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024).