Bác sĩ Phạm Tỵ: 10 lần được nhận bằng lao động sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tình yêu nghề và tinh thần lao động sáng tạo, Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2024. Đây là Bằng Lao động sáng tạo thứ 10 của bác sĩ Phạm Tỵ.

Bằng Lao động sáng tạo là phần thưởng cao quý của Tổng LĐLĐ Việt Nam dành tặng cho công nhân, viên chức, người lao động có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp được ứng dụng vào thực tế góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tận tâm với nghề

Từ nhỏ, ông Phạm Tỵ đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Năm 1989, ông tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Huế. Đầu năm 1990, bác sĩ Tỵ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) một thời gian ngắn. Sau đó, bác sĩ Tỵ tiếp tục học chuyên khoa sơ bộ, chuyên ngành Ngoại khoa và chuyên khoa cấp I tại Bệnh viện Việt Đức và Đại học Y Hà Nội. Năm 1993, bác sĩ Tỵ nghiên cứu sinh tại Đại học Y Hà Nội, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào năm 1998.

Trong và sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Tỵ đã thi đậu và tu nghiệp về chuyên ngành Phẫu thuật thần kinh và cột sống 2 lần tại Bệnh viện Ponchaillou, Học viện RENNES, Cộng hòa Pháp.

Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ (bìa phải) và Giáo sư Lenke-phẫu thuật viên hàng đầu về gù vẹo cột sống thuộc Học viện Y khoa Washington, Missouri, Hoa Kỳ (ảnh nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ (bìa phải) và Giáo sư Lenke-phẫu thuật viên hàng đầu về gù vẹo cột sống thuộc Học viện Y khoa Washington, Missouri, Hoa Kỳ (ảnh nhân vật cung cấp).

Sau đó, bác sĩ Tỵ về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Niềm đam mê nghiên cứu chuyên sâu luôn thôi thúc nên trong 2 năm (2004-2005), bác sĩ Tỵ tiếp tục đi học chuyên sâu về chuyên ngành Phẫu thuật thần kinh chức năng tại Bệnh viện Laennec, Học viện NANTES, Cộng hòa Pháp. Từ tháng 6-2012, bác sĩ Tỵ nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Sau đó, ông tu nghiệp chuyên sâu về thần kinh và cột sống tại Viện Thần kinh Barrow, Phoenix, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Phạm Tỵ chia sẻ: “Khi bác sĩ có sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh thì mới làm hết khả năng của mình trong công tác chữa trị. Nhiều ca bệnh khó như: u não, chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não, các bệnh lý về cột sống… đã được tôi cùng các cộng sự phẫu thuật thành công. Song, yêu cầu đặt ra đối với các y-bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống là không chỉ đầu tư trong công tác chuyên môn mà còn phải có sức khỏe, đam mê và tận tụy với nghề.

Hiện nay, nhiều trường hợp người bệnh chưa được cập nhật thông tin về các bệnh lý thần kinh cột sống nên còn mơ hồ. Ví dụ như bệnh thoát vị đĩa đệm, nhiều người cho rằng không điều trị được hoặc nếu có điều trị thì phải đến các bệnh viện ở thành phố lớn, gây tốn kém; trong khi điều kiện ở bệnh viện tuyến tỉnh có thể điều trị khỏi bệnh. Vì thế, đây cũng là động lực để bản thân tôi vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm giúp người bệnh điều trị tốt nhất”.

Với tâm niệm ấy, những năm qua, bác sĩ Tỵ luôn nỗ lực hết mình trong công việc, được đồng nghiệp quý trọng, người bệnh tin tưởng. Mới đây, bác sĩ Tỵ cùng các cộng sự đã thực hiện thành công ca mổ cột sống cổ cho bệnh nhân Nay Nui (40 tuổi, huyện Krông Pa). Bệnh nhân Nui được gia đình đưa vào nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương, chấn thương lồng ngực, dập phổi, chấn thương cột sống cổ, liệt tứ chi do bị ngã từ trên cao xuống.

Tuy nhiên, với niềm tin và sự tận tụy đối với người bệnh, kíp mổ do bác sĩ Phạm Tỵ trực tiếp phẫu thuật nhanh chóng được triển khai và ca mổ kéo dài hơn 7 giờ đã thành công. Sau mổ 14 ngày, bệnh nhân được xuất viện, cơ lực tứ chi đã dần hồi phục.

Khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống được thành lập ngày 12-9-2013. Hiện nay, Khoa có 20 y-bác sĩ. Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho hơn 10 ngàn bệnh nhân và chỉ định phẫu thuật trên 1.000 ca; bình quân mỗi tuần, phẫu thuật 3-4 ca bệnh khó liên quan đến các bệnh lý về thần kinh, cột sống.

10 lần nhận bằng lao động sáng tạo

Theo bác sĩ Tỵ, sai lầm trong nghề y thường để lại hậu quả rất nặng nề đối với sức khỏe, di tật và tính mạng người bệnh. “Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm không được chủ quan trước bất kỳ tình huống nào và bất kỳ ca phẫu thuật nào, hạn chế tối đa sai sót do lỗi chủ quan. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm chi phí cũng như rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân”-bác sĩ Tỵ trải lòng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tỵ (bìa trái)-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người duy nhất ở Gia Lai vừa được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo. Ảnh: Thu Thủy

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tỵ (bìa trái)-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người duy nhất ở Gia Lai vừa được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo. Ảnh: Thu Thủy

Cũng theo bác sĩ Tỵ, bản thân ông không nhớ cụ thể số lần phẫu thuật cho các ca bệnh khó liên quan đến thần kinh, cột sống. Nhưng với những thành tích mà cả đời theo đuổi nghề, bác sĩ Tỵ là tấm gương sáng cho tinh thần tự học, sáng tạo, tích cực nghiên cứu khoa học, áp dụng những kỹ thuật mới, khó vào cấp cứu và điều trị thành công nhiều ca bệnh mang lại cơ hội sống, sức khỏe cho người bệnh.

Với sự đam mê nghiên cứu, không ngừng sáng tạo vì người bệnh, từ năm 2001 đến nay, bác sĩ Tỵ đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng 10 bằng lao động sáng tạo. Trong quá trình học tập và công tác, bác sĩ Tỵ đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học công bố trên báo chí, hội nghị ngoại khoa trong nước và thế giới.

Gần đây nhất, bác sĩ Tỵ là tác giả của sáng kiến “Điều trị máu tụ trong não tự phát theo kỹ thuật nội soi kết hợp hệ thống dẫn đường (Endoscopy navigation guided), qua hệ thống ống dẫn tự chế” tham gia Hội thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 11-2022-2023 đã đạt giải nhất.

Sáng kiến này đã giúp cứu sống tính mạng nhiều người bệnh, tiết kiệm các chi phí vận chuyển lên tuyến trên. Ước sáng kiến này đã làm lợi về kinh tế cho bệnh nhân và xã hội hàng tỷ đồng/năm. Với giá trị xã hội, nhân văn cao cả trong cứu sống tính mạng con người, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã công nhận danh hiệu lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023 cho bác sĩ Tỵ.

Hơn 30 năm công tác, bác sĩ Tỵ luôn được bệnh nhân và người nhà tin tưởng, quý mến, đồng nghiệp đánh giá cao. Đến nay, ở tuổi 59, nhưng bác sĩ Tỵ vẫn luôn miệt mài trong việc nghiên cứu, học hỏi để triển khai những kỹ thuật mới vào điều trị cho người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ cho bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đăng Bảo-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tỵ luôn nhiệt tình, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, được đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn và y đức. Bản thân bác sĩ Tỵ không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiều đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp Trung ương được nghiệm thu và áp dụng trong công tác khám-chữa bệnh. Với những nỗ lực, cống hiến, năm 2023, bác sĩ Phạm Tỵ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì”.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.