Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư hoặc được hỗ trợ áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Công nghệ tưới này không chỉ giúp tiết kiệm lượng nước tưới mà còn giảm chi phí thuê nhân công, đầu tư phân bón, trong khi hiệu quả sản xuất lại tăng lên.

Hiệu quả thấy rõ

Dự án “Sáng kiến hệ sinh thái thị trường cho nông dân tỉnh Gia Lai” do tổ chức IDE tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ triển khai.

Tham gia dự án có 25 hộ trồng rau trên địa bàn thị trấn Đak Pơ, xã Yang Bắc và Tân An. Mỗi hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến cho 1 sào rau, trong đó, 10 hộ tại xã Tân An được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa, 10 hộ tại xã Yang Bắc và 5 hộ tại thị trấn Đak Pơ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

ap-dung-cong-nghe-tuoi-tiet-kiem-nuoc-dd.jpg
Ông Trần Văn Hay (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) bên vườn rau áp dụng hệ thống tưới nước phun mưa của gia đình. Ảnh: H.T

Ông Trần Văn Hay (thôn Tân Phong, xã Tân An) cho biết: Gia đình ông có 3 sào đất trồng rau. Được dự án hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho diện tích 1 sào, ông bỏ ra gần 7 triệu đồng để lắp đặt thêm hệ thống tưới nước phun mưa cho 2 sào rau còn lại. Từ đó đến nay, mỗi lần tưới nước, ông chỉ việc bật van rồi canh giờ tắt. Thời gian còn lại, ông làm việc khác. Nhờ tưới nước bằng hệ thống phun mưa, đất giữ được độ tơi xốp nên vườn rau phát triển tốt, năng suất cao hơn 20% so với trước.

Tương tự, ông Trần Quang Hậu (cùng thôn) thông tin: “Gia đình tôi trồng 3,5 sào rau cải ngọt, húng thơm và ngò. Từ khi áp dụng hệ thống tưới nước phun mưa, đất tơi xốp hơn nên cây trồng nhanh bén rễ và phát triển tốt, cho năng suất cao hơn 10% so với trước. Mới đây, tôi bán rau được hơn 27 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 22 triệu đồng”.

Tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), những năm qua, người dân cũng chú trọng đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện tích cà phê và cây ăn quả. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Xuân Thanh cho hay: Gia đình ông có 2 ha cà phê được lắp đặt hệ thống béc tưới cánh bướm và tưới nhỏ giọt. Trước đây, mỗi năm, ông phải thuê 25 công tưới nước cho vườn cây. Từ năm 2018 đến nay, nhờ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ông tiết giảm được 50% chi phí thuê nhân công.

“Ưu điểm của hệ thống béc tưới cánh bướm là nước phun mưa từ trên cao xuống nên làm mát được không khí xung quanh và rửa trôi được các loại rầy, rệp gây hại bám trên lá cây. Còn đối béc tưới nhỏ giọt ở tầng thấp giúp làm mát mặt đất xung quanh để rễ cây phát triển rộng hơn. Nhờ đó, cây cà phê hấp thu nước và dinh dưỡng kịp thời nên phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại”-ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, hiện nay, toàn xã có 1.882 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê và cây ăn quả. Đến nay, khoảng 95% diện tích cà phê đã được người dân lắp đặt hệ thống béc tưới cánh bướm, cánh súng và một số diện tích cây ăn quả hoặc cây ăn quả trồng xen cà phê được áp dụng béc tưới nhỏ giọt.

Việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước giúp các hộ giảm đáng kể chi phí thuê nhân công tưới, tránh lãng phí nước so với cách tưới truyền thống, đồng thời rửa trôi một số loại rầy, rệp gây hại. Cùng với việc được bón phân phù hợp, cây trồng phát triển tốt, đặc biệt là cây cà phê cho năng suất trung bình hơn 4 tấn nhân/ha.

Nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước

Ông Nguyễn Văn Thao-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho biết: Với nguồn vốn khoa học-công nghệ và kinh phí tài trợ của tổ chức IDE tại Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, huyện triển khai được 3 dự án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên diện tích 28,5 ha cây ăn quả và rau màu các loại với sự tham gia của 265 hộ dân.

Nhận thấy hiệu quả từ các dự án, mô hình, nhiều hộ dân đã tự đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, diện tích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên địa bàn được mở rộng. Đến nay, toàn huyện có 720 ha cây cây ăn quả và rau màu áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trong đó, 634,7 ha của người dân và 85,3 ha của doanh nghiệp.

2ong-hau-chi-tay-ve-vuon-rau-ap-dung-he-thong-tuoi-phun-mua-cua-gia-dinh.jpg
Ông Hậu chỉ tay về vườn rau áp dụng hệ thống tưới phun mưa của gia đình. Ảnh: H.T

“Việc áp dụng các mô hình tưới tiên tiến đã giúp tiết giảm nhân công lao động và tiết kiệm đến 30% lượng nước tưới, trong khi năng suất cây trồng cao hơn 15-20% so với cách tưới truyền thống, cá biệt có diện tích tăng 30%. Do đó, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để tăng hiệu quả kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu”-ông Thao khẳng định.

Còn theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, đến nay, toàn huyện có hơn 4.055 ha cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước, chủ yếu là cây cà phê, cây ăn quả, khoai lang và rau màu. Trong đó, diện tích của người dân 1.786,5 ha; diện tích của doanh nghiệp và hợp tác xã là 2.252,4 ha; diện tích của các đơn vị nghiên cứu hỗ trợ xây dựng mô hình là 16,2 ha.

Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Toàn huyện có trên 77 ngàn ha cây trồng các loại, trong đó, khoảng 20.077 ha cây trồng cạn có nhu cầu lớn về nước tưới. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20,19% diện tích cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Do đó, huyện đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích tưới bằng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Riêng năm 2025, dự kiến có trên 4.300 ha áp dụng, trong đó, tập trung mở rộng diện tích tưới trên cây ăn quả như sầu riêng, chuối và cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu...

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có trên 57,6 ngàn ha cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng hơn 9,19 ngàn ha so với năm 2023. Trong đó, người dân áp dụng trên 45,5 ngàn ha; doanh nghiệp áp dụng trên 11,8 ngàn ha; Nhà nước hỗ trợ 157,9 ha.

Diện tích áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vẫn còn hạn chế. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; đào tạo, chuyển giao công nghệ về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với công tác khuyến nông.

Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất; lồng ghép trong một số dự án đầu tư công xây dựng các mô hình mẫu, mô hình trình diễn nông nghiệp thông minh gắn với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để làm cơ sở nhân rộng mô hình.

Có thể bạn quan tâm

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Giá cà phê arabica cao hơn robusta 2.000 USD/tấn, vì sao?

Người trồng cà phê như được tặng quà Giáng sinh khi ngay trong phiên giao dịch đêm 24.12, giá cà phê đồng loạt tăng trên cả 2 sàn London và New York, kéo thị trường nội địa tăng theo. Tuy nhiên hiện nay, giá cà phê arabica đang nới rộng khoảng cách với robusta, vì sao?

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

(GLO)- Những ngày này, lượng khách đến tham quan, mua sắm cây cảnh về trang trí công trình và nhà cửa để đón Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu tăng. Nắm bắt xu thế đó, các nhà vườn và cơ sở kinh doanh cây cảnh cũng tăng số lượng cây bán ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.