Anh xác định ca bệnh truyền nhiễm cực hiếm, truy vết người tiếp xúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết đơn vị bệnh truyền nhiễm của Guy's và St Thomas' NHS Foundation Trust, đặt tại Bệnh viện St Thomas' ở London, đang cách ly một bệnh nhân mắc "đậu mùa khỉ".

Theo The Guardian, UKHSA đang làm việc chặt chẽ với Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) để liên hệ với những người tiếp xúc bệnh nhân, bao gồm một số hành khách đi cùng người này trên chuyến bay về từ Nigeria.

Đã lâu Anh không ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào và đây cũng là căn bệnh rất hiếm gặp trên thế giới. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức.

Một số bệnh nhân cũng có thể phát ban giống đậu mùa ở cơ thể, xuất hiện trên mặt sau đó tiến triển ở các vùng khác, dưới các trạng thái khác nhau cho đến khi tạo thành vảy rồi tự bong ra.


 

Nơi bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Anh đang được cách ly, điều trị - Ảnh: BỆNH VIỆN ST THOMAS'
Nơi bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Anh đang được cách ly, điều trị - Ảnh: BỆNH VIỆN ST THOMAS'


"Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan giữa người với người và nguy cơ tổng thể đối với cộng đồng là rất thấp" - The Guardian dẫn lời tiến sĩ Colin Brown, giám đốc lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm mới nổi của UKHSA.

Theo tiến sĩ Brown, UKHSA và NHS có các quy trình kiểm soát lây nhiễm được thiết lập tốt và mạnh mẽ để đối phó với các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhập cảnh. Những quy trình này sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt.

Tiến sĩ Nicholas Price - giám đốc mạng lưới các bệnh truyền nhiễm có hậu quả lớn qua đường không khí (NHSE), cố vấn của Guy's và St Thomas' NHS Foundation Trust - cho biết bệnh nhân nói trên đang được điều trị tại đơn vị cách ly chuyên khoa bởi các nhân viên y tế lâm sàng chuyên nghiệp và quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.

Trước đây, chỉ một số ít bệnh nhân đậu mùa khỉ được ghi nhận ở Anh, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh sau khi du lịch ở Tây Phi về. Bệnh được phát hiện năm 1958 ở những con khỉ bị nuôi nhốt để nghiên cứu; trong khi ca bệnh ở người đầu tiên được xác định tại Congo năm 1970.

Hầu hết các trường hợp bệnh ở người được báo cáo tại Congo và Nigeria nhưng cũng có một số ca ở Mỹ, Anh, Israel và Singapore.

Theo đài RT, một đợt bùng phát đậu mùa khỉ đã xảy ra năm 2003 từ Mỹ, được cho là bắt nguồn từ một cửa hàng thú cưng nơi bán các loài gặm nhấm nhỏ nhập khẩu từ Ghana. Mặc dù đậu mùa khỉ nhẹ hơn đậu mùa - căn bệnh đã được xóa sổ từ năm 1980 - nhưng tỉ lệ tử vong ở người bệnh tại châu Phi có thể lên tới 10%, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

NHS và CDC cho biết bệnh do virus này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu bệnh nhân được điều trị triệu chứng. Vắc-xin đậu mùa được cho là có thể ngăn ngừa cả đậu mùa khỉ.

 

Theo Thu An (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.