An Khê: Nhiều giải pháp đột phá về kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Từ nay đến hết năm 2019, thị xã tập trung phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng các tiêu chí ở 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án Bảo tồn và phát huy truyền thống gắn với di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo giai đoạn 2017-2020 và kế hoạch phát triển du lịch thị xã trong năm 2019”-Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ cho biết.
Đẩy mạnh phát triển du lịch
An Khê là địa phương giàu tiềm năng để phát triển loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Gần đây, các nhà khảo cổ học đã có những phát hiện quan trọng về sự tồn tại của người tiền sử tại đây. An Khê cũng là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ. Những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí nhằm khơi dậy tiềm năng du lịch ở thị xã án ngữ cửa ngõ phía Đông của tỉnh.
Từ năm 2008 đến nay, UBND thị xã đã trích kinh phí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Cụ thể, thị xã đã làm mới gần 37 km đường nội thị, đường liên xã, liên thôn với kinh phí trên 145,6 tỷ đồng; xây dựng 6 km bờ kè phía Đông sông Ba với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng; đầu tư hơn 3 tỷ đồng tôn tạo các cụm di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; đầu tư 5,5 tỷ đồng để cải tạo Hoa viên Quang Trung, ao cá Bác Hồ và Hội trường 23-3 cũ; đầu tư hơn 900 triệu đồng xây dựng các công trình tại các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ Gò Đá và Rộc Tưng để thu hút du khách. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch nơi đây cũng được đẩy mạnh.
 Hội Cầu huê là một trong những sự kiện văn hóa của thị xã An Khê thu hút đông đảo du khách tham gia. Ảnh: N.T
Hội Cầu huê là một trong những sự kiện văn hóa của thị xã An Khê thu hút đông đảo du khách tham gia. Ảnh: N.T
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, năm 2017, thị xã đã đón 51 ngàn lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 25 tỷ đồng. Riêng quý I-2019, An Khê đón tiếp hơn 32.000 lượt du khách. Cũng trong quý I-2019, thị xã đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế lần 2 về khảo cổ học thu hút 240 đại biểu trong nước và quốc tế; tổ chức Tuần lễ sơ kỳ đá Đá cũ thu hút hơn 1.000 lượt du khách tham quan. Những sự kiện này đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với giới khảo cổ học trong nước, quốc tế và du khách; giới thiệu tiềm năng du lịch của An Khê. 
Theo ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã, dù lượng khách đến An Khê đông nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Để thu hút du khách đến nhiều hơn, thị xã đang đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, quảng bá và hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch. “Giai đoạn 2018-2020, ngoài các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch, thị xã tiếp tục đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để xây dựng Khu du lịch Công viên bảo tàng Đá cũ An Khê tại xã Xuân An kết hợp du lịch nghiên cứu khảo cổ học với du lịch sinh thái; trùng tu, tôn tạo cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng làng Pơ Nang (xã Tú An) thành làng du lịch cộng đồng, hướng đến giúp người dân giảm nghèo bền vững; quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm 3 điểm du lịch sinh thái là đập Bến Tuyết (phường An Phú), khu vực Hố Trời (xã Xuân An) và khu vực đầu đèo An Khê”-ông Hà nói. 
Giữ vững xã đạt chuẩn NTM 
Thị xã An Khê bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2011. Xác định đến hết năm 2018, 5/5 xã trên địa bàn đều đạt chuẩn NTM, An Khê đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2018, thị xã đã đầu tư kinh phí để làm mới, nâng cấp hơn 181 km đường giao thông nông thôn tại 5 xã. Song song với đó, thị xã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo...
Thị xã An Khê bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2011.
An Khê là điển hình của tỉnh về xây dựng NTM khi cả 5/5 xã đều đã đạt chuẩn. Ảnh: N.T
Từ sự đồng lòng chung sức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến cuối năm 2018, 5/5 xã của thị xã An Khê đều đã cán đích NTM. Diện mạo nông thôn ở An Khê ngày càng khởi sắc, điển hình là xã Song An. Xã này được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018. Ông Nguyễn Lê Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Song An-chia sẻ: “Sau 8 năm triển khai xây dựng NTM, xã có những thay đổi tích cực, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Từ kinh phí Nhà nước và sự đóng góp của người dân, các trục đường giao thông chính trong xã được bê tông hóa 100%. Các công trình hạ tầng khác như điện, trạm y tế, trường học cũng được đầu tư theo hướng đạt chuẩn nên người dân thêm phấn khởi”.
An Khê là điển hình của tỉnh về xây dựng NTM khi cả 5/5 xã đều đã đạt chuẩn. Cấp ủy, chính quyền thị xã An Khê đang tập trung giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã này. Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho hay: “Chúng tôi tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và người dân trong việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở 5/5 xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, thị xã chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...