Ai hưởng lợi khi dừng thí điểm kinh doanh xe taxi công nghệ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ GTVT ban hành quyết định việc thí điểm kinh doanh xe taxi công nghệ (Grab, Vato, Emdi, FastGo). Theo đó, việc thí điểm kinh doanh xe taxi công nghệ sẽ dừng từ ngày 1/4/2020 đang được dư luận quan tâm, tài xế và khách hàng có lợi hay gặp khó khăn gì so với lúc thí điểm?
Cụ thể, các hình thức kinh doanh này sẽ chuyển sang áp dụng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4 (thay thế Nghị định 86/2014). Tại điều 35 Nghị định 10/2020, quy định: Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này.
 
Ai hưởng lợi khi dừng thí điểm kinh doanh xe taxi công nghệ?
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, tại Việt Nam đang có doanh nghiệp Grab kinh doanh vận tải dưới dạng xe ôtô chở khách dưới 9 chỗ ngồi sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định”.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc Nghị định 10 quy định các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar bằng tên gọi "Xe hợp đồng điện tử" không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu "Xe hợp đồng" trên kính. Thay vào đó, dạng xe này hoạt động hợp pháp phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (thường gắn ở kính trước xe), logo hợp tác xã (gắn ở cửa xe), tem GrabCar (dán ở kính lái bên trong xe).
Đáng chú ý, xe taxi truyền thống cũng không bắt buộc phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “Taxi” trên nóc xe như trước đây mà có thể dán cụm từ “Xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu là 6x20 cm.
“Như vậy, việc Nghị định 10 được ban hành sẽ tạo ra môi trường kinh doanh vận tải taxi công bằng hơn giữa các doanh nghiệp. Khách hàng cũng có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, giá sử dụng dịch vụ cũng là mấu chốt quan trọng quyết định tới việc khách hàng lựa chọn”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Theo Nghị định 10, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10.
Như vậy, hầu hết các xe taxi công nghệ Grab hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh như trên thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới, trong khoảng thời gian từ nay đến hết 1/7/2021 - quá đủ thời gian cho các xe GrabCar thực hiện.
Trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của Grab hay một số ứng dụng gọi xe khác, chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô chịu các quy định của Nghị định 10. Dịch vụ GrabBike hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ Giao thông vận tải.
Minh Hiếu (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.