18 quốc gia đồng ý thỏa thuận an toàn trí tuệ nhân tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-Ngày 27/11, 18 quốc gia trong đó có Mỹ, Anh đã công bố thỏa thuận quốc tế an toàn trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là thỏa thuận chi tiết đầu tiên về cách thức bảo đảm công nghệ AI được sử dụng một cách an toàn trước nguy cơ lừa đảo, đồng thời hối thúc các công ty công nghệ phải tạo ra các hệ thống AI "an toàn ngay trong bước thiết kế".

1

Cấm sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự có thể là thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: VNN

Cấm sử dụng AI trong lĩnh vực quân sự có thể là thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: VNN

Các nước tham gia ký thỏa thuận mới nằm ở khắp các châu lục, ngoài Mỹ và Anh, có Đức, Italy, CH Séc, Estonia, Ba Lan, Australia, Chile, Israel, Nigeria, Singapore…

Theo nội dung văn kiện dày 20 trang, 18 quốc gia đã đồng ý rằng các công ty thiết kế và sử dụng AI cần phát triển và triển khai công nghệ tiên tiến này theo cách giúp khách hàng và công chúng nói chung được an toàn, không bị lạm dụng.

Thỏa thuận không mang tính ràng buộc và chủ yếu đưa ra các khuyến nghị chung, như giám sát hành vi lạm dụng AI, bảo vệ dữ liệu...

Đây là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên khắp thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, vốn đang có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong ngành công nghiệp và xã hội nói chung.

Thỏa thuận vừa đạt được giải quyết các câu hỏi về cách đảm bảo cho công nghệ AI không bị tin tặc tấn công và nêu ra các khuyến nghị như chỉ phát hành các mô hình sau khi kiểm tra bảo mật một cách thích hợp.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên không giải quyết các câu hỏi hóc búa xung quanh việc sử dụng AI phù hợp, hoặc cách thu thập dữ liệu cung cấp cho các mô hình này.

Châu Âu đã đi trước Mỹ về các quy định liên quan đến AI. Các nhà lập pháp ở châu Âu đã soạn thảo các quy tắc về AI. Pháp, Đức và Italy gần đây cũng đã đạt thỏa thuận về cách quản lý AI.

Nhà Trắng đã tìm cách giảm thiểu rủi ro từ AI cho người tiêu dùng, người lao động và các nhóm thiểu số, đồng thời củng cố an ninh quốc gia bằng sắc lệnh toàn diện đầu tiên về AI hồi tháng 10.

Hồi 15/11/2023, tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 30 ở San Francisco (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến đến một thỏa thuận lịch sử nhằm cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự.

Có thể bạn quan tâm