Xử phạt "ma men" trên đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù được cơ quan chức năng tích cực vào cuộc tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ít người vẫn phớt lờ, bất chấp luật pháp, cố tình vi phạm.

Trong thời gian 4 tháng (từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2017), lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã triển khai gần 100 buổi kiểm tra, đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lập biên bản xử phạt gần 450 trường hợp vi phạm. Trong đó, đáng chú ý có 214 trường hợp nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg-0,4 mg/lít khí thở; 193 trường hợp nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg; 9 trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn; chỉ có 38 trường hợp nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã tạm giữ 449 xe (ô tô và mô tô), tước hơn 400 giấy phép lái xe các loại, xử phạt hành chính số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: P.L
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: P.L

Đặc biệt, có 2 trường hợp điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn đã bị xử phạt với số tiền hơn 35 triệu đồng. Đó là trường hợp tài xế N.V.T. (SN 1978) điều khiển xe ô tô BKS 81A-006.02, lưu thông trên đường Trường Chinh, thuộc phường Chi Lăng (TP. Pleiku). Khi lực lượng Cảnh sát Giao thông yêu cầu xuống xe đo nồng độ cồn thì T. không chấp hành, do vậy tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 17 triệu đồng. Trường hợp khác là T.V.P. điều khiển xe ô tô BKS 82C-020.16, khi kiểm tra thì tài xế này không mang theo các giấy tờ liên quan như: giấy phép lái xe, cà vẹt, kiểm định, bảo hiểm xe… và không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn, buộc tổ Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản xử phạt 18 triệu 400 ngàn đồng. Cả 2 trường hợp trên đều bị tước giấy phép lái xe 5 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Hầu hết các trường hợp khi bị phát hiện, lập biên bản xử phạt thường đưa ra nhiều lý do để biện minh cho hành vi vi phạm như: gặp bạn bè uống vài ly; đi đám cưới, đám giỗ; biết uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm nhưng vì có việc gấp nên vẫn chạy xe… Nhiều trường hợp khiến lực lượng chức năng không khỏi… ngao ngán. Điển hình, khoảng 20 giờ ngày 24-2-2017, Siu K. (SN 1987), trú tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang điều khiển xe mô tô BKS 81B1-070.07, chở sau một thanh niên tên Phú, lưu thông từ huyện Đak Đoa đi TP. Pleiku, khi tổ Cảnh sát Giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, K. không chấp hành. Sau hơn 10 phút vận động, thuyết phục, K. đồng ý kiểm tra, kết quả nồng độ cồn trong khí thở là 1,198 mg/lít, nhưng K. không ký vào biên bản vi phạm. Vì uống nhiều rượu, K. đứng loạng choạng, sau đó… ngồi bệt xuống vỉa hè, liên tục nôn ói.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp thanh-thiếu niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi phát hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đã bất chấp nguy hiểm quay đầu xe bỏ chạy, hoặc tăng ga vượt qua chốt kiểm tra. Điều này cho thấy, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Thực trạng trên đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được tăng cường, đồng thời lực lượng chức năng cần mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm để người điều khiển phương tiện phải cân nhắc về việc uống hay không trước khi ra đường.

Phú Lâm

Có thể bạn quan tâm