Xóa "vùng lõm" về tiêm chủng mở rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác tiêm chủng mở rộng trong những năm qua giúp ngành Y tế tỉnh khống chế và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng giữa các địa phương không đồng đều. Tại một số nơi ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vẫn còn thấp.
Theo Sở Y tế, hàng năm, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin duy trì ở mức trên 92% và các đợt chiến dịch tiêm bổ sung, uống bổ sung vắc xin đạt trên 95%. Dù vậy, vẫn còn một số “vùng lõm” tiêm chủng và đây cũng là nguyên nhân xuất hiện các ca bệnh như: sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh… Đặc biệt, từ tháng 7-2020 trở lại đây, Gia Lai ghi nhận 52 ca mắc bạch hầu (trong đó có 2 trường hợp tử vong) tại 23 xã, thị trấn thuộc các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP. Pleiku.
Huyện Đak Đoa là địa phương ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên trong năm 2020. Ông Nguyễn Văn Chính-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-thông tin: Từ ngày 3-7 đến cuối tháng 8-2020, Đak Đoa ghi nhận 26 ca mắc bạch hầu tại 5 xã: Hải Yang, Đak Sơ Mei, Hnol, Đak Krong và xã Trang; trong đó có 1 ca tử vong tại xã Hải Yang. Đến nay, huyện đã khống chế thành công dịch bạch hầu.
Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa phối hợp với các xã có ca bệnh bạch hầu triển khai khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin Td cho toàn bộ người dân tại các xã có ca bệnh. “Yếu tố nguồn bệnh bạch hầu trong cộng đồng vẫn còn nên giải pháp quan trọng nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân trong huyện. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin tại 17/17 xã, thị trấn trong thời gian tới”-ông Chính cho biết.
Cán bộ Trạm Y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ Trạm Y tế xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em. Ảnh: Như Nguyện
Để nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa dịch bệnh, hàng tháng, cán bộ xã, y-bác sĩ các trạm y tế trên địa bàn phối hợp với già làng, trưởng thôn, người uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh; tư vấn, giải thích kỹ về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với bà mẹ đang mang thai và trẻ nhỏ. Tại nhiều nơi, nhân viên y tế đến tận làng triển khai tiêm chủng cho người dân. Ông Đào Văn Mạnh-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Sơ Mei-chia sẻ: Toàn xã có trên 7.200 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ. Đối với những người không đi hoặc quên lịch tiêm chủng, cán bộ trạm và người có uy tín đến tận nhà vận động, thuyết phục. Do đó, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại xã đạt trên 98%.
Huyện Chư Păh cũng duy trì tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt trên 96%. Theo ông Phạm Khắc Trung-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV (Trung tâm Y tế huyện Chư Păh), toàn huyện có 14 điểm tiêm chủng tại trạm y tế và 34 điểm tiêm chủng tại thôn, làng. Trung tâm thường xuyên tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng; giám sát, kiểm tra chặt chẽ đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, đúng quy trình. Bên cạnh đó, huyện chú trọng tuyên truyền lợi ích của việc tiêm chủng giúp người dân nâng cao ý thức, phối hợp thực hiện góp phần đạt chỉ tiêu đề ra.
“Nguyên nhân vẫn còn “vùng lõm” tiêm chủng trên địa bàn tỉnh là do một bộ phận người dân còn tâm lý e ngại, chưa nhận thức đầy đủ lợi ích tiêm chủng; nhiều gia đình thường xuyên lên rừng, ngủ rẫy nên chưa đưa con tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm và tiêm vét các đối tượng trong diện tiêm chủng; phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu tiêm chủng năm 2020 mà Bộ Y tế và tỉnh giao trên 95% trẻ em được tiêm ở cấp xã. “Để đạt được tỷ lệ này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các điểm tiêm lưu động tới từng thôn, làng để triển khai tiêm cho các cháu trong độ tuổi. Các ngành, địa phương cần phối hợp và hỗ trợ ngành Y tế thực hiện mục tiêu đề ra, đảm bảo trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, góp phần phòng-chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả”-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.