Xét xử vụ 'bảo kê' đường dây vận chuyển gần 2.800 tỷ đồng xăng lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xác định vì động cơ vụ lợi cá nhân, các bị cáo đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền của các đối tượng buôn lậu, góp tiền vốn buôn lậu.

Công an khám xét phương tiện liên quan đến đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng. (Nguồn: congan.com.vn)
Công an khám xét phương tiện liên quan đến đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng. (Nguồn: congan.com.vn)


Sáng 12/7, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỷ đồng.

[Chuẩn bị xét xử 14 bị cáo trong vụ buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng]

Trong vụ án này có 14 bị cáo phải ra hầu tòa gồm:

1. Phùng Danh Thoại (sinh năm 1965, cựu Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển),

2. Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1973, cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang),

3. Nguyễn Văn An (sinh năm 1989, trú tại phường Hòa Thanh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh),

4. Lê Văn Minh (sinh năm 1965, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển),

5. Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1972, cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh),

6. Lê Xuân Thanh (sinh năm 1961, cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển),

7. Phan Thị Xuân (sinh năm 1964, trú tại phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu),

8. Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1972, cựu Trung tá, Hải đội trưởng Hải độ 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng),

9. Phạm Văn Trên (sinh năm 1969, cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh),

10. Sơn Hoàng Ngự (sinh năm 1981, cựu Thượng úy, nhân viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh),

11. Lưu Thế Đức (sinh năm 1984, cựu Thiếu tá, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển),

12. Lê Văn Phương (sinh năm 1964, cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh),

13. Phạm Hồ Hải (sinh năm 1969, trú tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ),

14. Cao Phước Hoài (sinh năm 1996, trú tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).

Trong số trên, bị cáo Phùng Danh Thoại bị Viện Kiểm sát quân sự Trung ương truy tố về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 188, khoản 4 - Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại Điều 349, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Văn Trên, Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh, Phan Thị Xuân, Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Hồ Hải, Lê Văn Phương, Lưu Thế Đức, Sơn Hoàng Ngự bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 - Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Cao Phước Hoài bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm” theo quy định tại Điều 390, khoản 1 - Bộ luật Hình sự.

Tổng số có 16 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, lợi dụng ảnh hưởng của bị cáo Phùng Danh Thoại đối với lực lượng Cảnh sát biển, để thuận lợi cho việc buôn lậu xăng, Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Dương Hải Phòng) đã nhiều lần rủ bị cáo Thoại góp vốn cùng Viễn và Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh) để kinh doanh xăng dầu.

Bị cáo Thoại đồng ý chuyển cho Viễn 5 tỷ đồng để góp vốn kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận thu về chia 40% cho Hữu, nhóm của Viễn (trong đó có bị cáo Thoại) hưởng 60%.

Tổng cộng, bị cáo Thoại đã tham gia buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động buôn lậu từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, Phùng Danh Thoại đã thu lợi tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định hành vi của Phùng Danh Thoại đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu, với vai trò đồng phạm với các đối tượng: Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn...

Bị cáo Nguyễn Thế Anh với các cương vị là Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng.

Nhưng vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu, Thế Anh đã đồng ý và nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.

Thế Anh đã nhờ bị cáo Nguyễn Văn An (em họ của Thế Anh) đi nhận tiền hộ từ Hữu.

Mặc dù nhận thức rõ việc Hữu chi tiền là đưa hối lộ cho Thế Anh để giúp đỡ việc làm ăn phi pháp, nhưng An vẫn cố ý thực hiện hành vi giúp Thế Anh nhận tiền hối lộ của Hữu trong một thời gian dài.

Từ tháng 10/2019-1/2021, An đã trực tiếp và qua Cao Phước Hoài, Nguyễn Văn Quân nhận tiền của Phan Thanh Hữu và đã chuyển cho Thế Anh tổng số 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.

Anh họ của bị cáo An là Cao Phước Hoài đã được An 2 lần nhờ đi gặp Hữu để lấy số tiền 200 triệu đồng và 60.000 USD, nhưng Hoài không biết đó là tiền Hữu đưa cho An để hối lộ cho Thế Anh.

Đến tháng 2/2021, khi biết nội dung vụ việc, biết rõ An nhận tiền từ Hữu đưa cho Thế Anh là vi phạm pháp luật, nhưng Hoài đã không tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bị cơ quan công tố xác định là đã vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 12/2019-1/2021, bị cáo Minh đã trực tiếp nhận và thông qua người nhà nhận của Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, “bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, bôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý. Hành vi của bị cáo Lê Văn Minh đã đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ.”

Đối với bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), cáo trạng cho rằng khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, bị cáo Thanh biết Hữu có các tàu vận chuyển xăng qua các vùng biển.

Nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo Thanh đã đồng ý giúp đỡ Hữu và để vợ Thanh là Phan Thị Xuân nhận của Hữu số tiền 1,8 tỷ đồng, tạo điều kiện cho Hữu thực hiện việc vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài, tần suất hoạt động nhiều chuyến/tháng mà không bị bắt giữ, xử lý. Hành vi này của vợ chồng bị cáo Thanh đủ yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ.”

Viện Kiểm sát quân sự Trung ương xác định vì động cơ vụ lợi cá nhân, các bị cáo đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền của các đối tượng buôn lậu, góp tiền vốn buôn lậu, phát hiện nhưng không tố giác tội phạm.

Những hành vi này đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự quản lý hành chính, sự đúng đắn trong hoạt động phòng, chống buôn lậu của cơ quan Nhà nước; gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội và lực lượng thi hành công vụ.

Trong vụ án này, một số đối tượng liên quan như Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn... đã bị các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai điều tra, truy tố, đưa ra xét xử.

Các bị cáo Phùng Danh Thoại, Lê Văn Minh, Nguyễn Thế Anh... là quân nhân phạm tội nên thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng trong Quân đội.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 3 ngày.

Theo Kim Anh (TTXVN/ Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm

Công an tỉnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Hữu Trường

Điểm tựa vững chắc của Nhân dân

(GLO)- Năm 2024, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả quan trọng.