Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Khó khăn từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, đến nay, UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã.

Nỗ lực xây dựng NTM

Những ngày này, người dân làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đang tích cực tham gia thi công 800 m đường giao thông nội làng. Ông Siu Phu cho biết: “Làng có hơn 400 hộ, chủ yếu là người Jrai. Tuyến đường này vào mùa mưa thì lầy lội khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng nên bà con đóng góp ngày công cùng UBND xã và đơn vị thi công thực hiện để con đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp mọi người đi lại thuận lợi”.

Không chỉ người dân, các đơn vị quân đội tiếp tục phát động phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2022-2026”. Theo đó, 17 đơn vị quân đội tham gia giúp đỡ 82 xã xây dựng NTM. Trong số này có 8 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay. Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, từ đầu năm đến nay, các đơn vị quân đội đã tham gia 12.831 ngày công khai hoang đồng ruộng, nạo vét kênh mương; giúp các gia đình chính sách, hộ khó khăn thu hoạch cà phê.

 Làm đường giao thông nông thôn ở xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy


Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-thông tin: Từ nguồn vốn chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn hơn 18 tỷ đồng và vốn đóng góp của người dân, trong 10 tháng năm 2022, huyện làm được 16,7 km đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, ngân sách huyện còn đầu tư hơn 4 tỷ đồng sửa chữa 7 công trình giao thông. Hiện nay, huyện đang triển khai nâng cấp, xây dựng 1 công trình thủy lợi, 1 trường học, sửa chữa 12 cơ sở trường học với kinh phí khoảng 7,2 tỷ đồng; xây mới 1 nhà văn hóa, sửa chữa, nâng cấp 11 nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, làng với kinh phí khoảng 330 triệu đồng. Đặc biệt, huyện đầu tư 2 tỷ đồng triển các mô hình khuyến nông cho người dân học tập, áp dụng nhằm từng bước đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng NTM trên địa bàn.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 8 xã đăng ký phấn đấu về đích NTM gồm: Krong, Đak Rong, Đak Smar (huyện Kbang), An Thành, Yang Bắc, Ya Hội (huyện Đak Pơ), Ia Ko (huyện Chư Sê) và Ia Băng (huyện Đak Đoa). Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh trong năm nay là hơn 90 tỷ đồng, trong đó, vốn trung ương hơn 74 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh. Đến nay, nguồn vốn đã phân bổ về các địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung của các địa phương, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và cao hơn so với giai đoạn 2015-2020. Do đó, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình.

Ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho hay: Ngay từ đầu năm, UBND huyện xác định nguồn lực đầu tư cho xã Ia Mơ Nông để phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì xã mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí; 5 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, lao động, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. “Hiện nay, UBND tỉnh chưa ban hành bộ tiêu chí về NTM giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên địa bàn tỉnh nên việc triển khai còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu mới trong Bộ tiêu chí quốc gia chưa có hướng dẫn thực hiện của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nên khó thực hiện. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào trung ương, còn nguồn lực của địa phương thì hạn chế cũng là vấn đề khó khăn. Đặc biệt, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Ia Mơ Nông từ xã vùng II lên xã vùng I nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số không còn được hưởng chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, nguồn vốn vay… Vì vậy, xã khó đạt chuẩn NTM trong năm nay”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh thông tin.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thì cho biết: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM có nhiều điểm mới, yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Vì vậy, các xã đăng ký về đích NTM năm 2022 và 2023 khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do qua rà soát, các tiêu chí đã đạt bị sụt giảm, chỉ còn bình quân khoảng 10 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người của huyện cũng còn thấp, dao động ở mức 23,6-32 triệu đồng/năm. Trong khi theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, xã vùng III đạt chuẩn phải đạt mức thu nhập 39 triệu đồng/người/năm, còn xã vùng I là 44 triệu đồng/người/năm.

 Người dân làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân làng Mrông Yố 1 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Nguyễn Diệp

Toàn tỉnh Gia Lai có 91/182 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.


Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Hiện nay, một số bộ như: Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Y tế, Tư pháp chưa có hướng dẫn tiêu chí thực hiện NTM nên UBND tỉnh chưa thể ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp xã. Vì vậy, các địa phương chưa có cơ sở rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí. “Hiện nguồn vốn vừa mới phân bổ về các địa phương để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong thời gian tới, các địa phương cần khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng; hướng dẫn các xã triển khai Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông thôn, khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ hỗ trợ chương trình xây dựng NTM với sự tham gia của các sở, ngành phụ trách tiêu chí để kịp thời đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương thực hiện chương trình đạt kết quả cao nhất”-ông Nghĩa thông tin.
 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.