Vượt qua nghịch cảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chị Đinh Thị Brăi (SN 1993, làng Hven) và em Nguyễn Đinh Tùng (SN 2009, tổ 1, thị trấn Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, không ngừng vươn lên trong lao động, học tập và lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng.

Tháng 4-2024, cả 2 vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội.

1. Hơn 2 tháng đã trôi qua, song câu chuyện về chị Đinh Thị Brăi được ra Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI-2024 cùng chương trình “Một trái tim, một thế giới” lần thứ 19 vẫn được người dân làng Hven nhắc đến với niềm tự hào.

Chị Đinh Thị Brăi giới thiệu về dây thắt lưng thổ cẩm với những hoa văn độc đáo. Ảnh: P.D

Chị Đinh Thị Brăi giới thiệu về dây thắt lưng thổ cẩm với những hoa văn độc đáo. Ảnh: P.D

Như đã hẹn, chị Brăi nghỉ một buổi lên rẫy cùng đứa cháu, ở nhà đón chúng tôi. Thấy chúng tôi, chị cười tươi rồi kể: Trong lúc đợi khách, chị đã tranh thủ dọn sạch đám cỏ dọc hàng rào trước nhà và xếp lại đống củi trước sân cho gọn gàng.

Ngồi cạnh mép cửa nhà sàn, dõi mắt theo bước chân con gái út, bà Đinh Thị Hrup (mẹ chị Brăi) bộc bạch: “Mình sinh 7 đứa con, gồm 6 gái, 1 trai. 5 đứa bây giờ đã lấy chồng, lấy vợ, ở riêng. Còn con gái lớn Đinh Thị Brach năm nay 49 tuổi và con gái út Đinh Thị Brăi thì từ lúc sinh ra đã bị tật ở chân, đi đứng khó khăn nên cả 2 chưa lấy chồng, đang sống cùng bố mẹ”.

Theo bà Hrup, bàn chân của 2 chị Brach và Brăi đều bị khoèo. Không những thế, cổ chân lại không linh hoạt nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Để có thể vịn đứng vững, rồi đi được, chị Brăi đã nhiều lần vấp ngã, trầy xước nhưng chưa khi nào bỏ cuộc. Ngay cả khi bị người làng chỉ trỏ, bạn bè trêu chọc, chị vẫn gượng cười. “Nhìn con có thể tự lo cho bản thân và nỗ lực từng ngày, tôi cũng thấy nhẹ lòng”-bà Hrup bày tỏ.

Bù lại, chị Brăi có đôi tay khỏe, linh hoạt và khéo léo. Chị chia sẻ: “Đứng lâu và đi nhiều, 2 chân bị đau nhức nên mình làm một lúc lại phải ngồi nghỉ. Thỉnh thoảng có người chở thì mình vào rẫy phụ giúp làm cỏ mía, cỏ mì. Bình thường, mình ở nhà dọn dẹp, làm việc nhà, nấu cơm, dệt vải... Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên việc gì mình cũng tập làm. Lúc đầu hơi khó khăn nhưng mình kiên trì, mỗi ngày cố gắng thêm một chút là được”.

Cũng như bao cô gái Bahnar, chị Brăi rất thích dệt vải. Từ nhỏ, chị đã theo mẹ và các chị học kỹ năng căng khung cửi, xếp sợi chỉ, cách tạo điểm nhấn trên thổ cẩm bằng hoa văn, họa tiết sao cho hài hòa, cân xứng. Giới thiệu với chúng tôi bộ thổ cẩm truyền thống mặc trong chuyến ra Thủ đô vừa qua, chị Brăi tự hào nói: “Áo và chân váy là do mình dệt, thắt lưng váy là chị Brach dệt. Mình mặc trang phục truyền thống được nhiều người khen đẹp, có người còn hỏi mua”.

Theo chị Brăi, trang phục thổ cẩm truyền thống của người Bahnar đẹp là nhờ vào cách tạo điểm nhấn bằng màu sắc và các hoa văn. Nhìn vào các họa tiết, hoa văn trên trang phục có thể biết được kỹ năng, tay nghề của người làm ra nó.

Chị Brăi giải thích thêm về hình ảnh mái nhà rông, người phụ nữ đang giã gạo, các cô gái nắm tay theo nhịp chiêng mở rộng vòng xoang và cả hình ảnh con chim, con cá... Tất cả đều phản ánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình, cộng đồng.

Ngoài dệt thổ cẩm để làm trang phục trong gia đình, chị Brach và chị Brăi còn bán sản phẩm cho người dân trong làng và vùng phụ cận. Mỗi bộ trang phục đang được bán với giá gần 3 triệu đồng.

Nói về mong muốn của bản thân, chị Brăi thổ lộ: “Chuyến đi Hà Nội vừa rồi là lần đầu tiên mình xa làng và còn được đi máy bay. Mình may mắn quen thêm nhiều bạn mới. Mình cũng nhận thấy, bản thân còn may mắn hơn nhiều người. Vì mình vẫn có đôi mắt sáng để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh; có đôi tay khỏe mạnh để làm nhiều việc; có chân để đi lại dù hơi chậm chạp. Mình sẽ cố gắng học hỏi để làm nhiều việc kiếm sống, dệt nhiều tấm thổ cẩm thật đẹp, giới thiệu cho nhiều người”.

2. Cũng là người thiếu may mắn nhưng em Nguyễn Đinh Tùng đã không ngừng nỗ lực vươn lên và đạt thành tích tốt trong học tập. Năm 2014, khi Tùng tròn 5 tuổi, em trai 3 tuổi thì một biến cố lớn bất ngờ ập xuống. Tai nạn hy hữu đã cướp đi mạng sống của người cha, khiến 2 anh em Tùng rơi vào cảnh mồ côi. Tùng chia sẻ: “Em nghe ông bà ngoại kể lại, bố đi làm thuê ở tỉnh Bình Định. Trong lúc ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây to thì không may một cành cây lớn gãy và rơi trúng bố”.

Từ đó, một mình mẹ Tùng gánh gồng mưu sinh. Không thể cùng lúc chăm sóc 2 con nên mẹ gửi Tùng nhờ ông bà ngoại chăm sóc, còn em trai theo mẹ sống tại huyện Kông Chro. Năm 2017, mẹ Tùng đi bước nữa.

Em Nguyễn Đinh Tùng cùng ông ngoại chăm sóc khu vườn của gia đình. Ảnh: P.D

Em Nguyễn Đinh Tùng cùng ông ngoại chăm sóc khu vườn của gia đình. Ảnh: P.D

Thiếu tình thương cũng như sự chăm sóc hàng ngày của mẹ, vắng sự quan tâm dìu dắt, dạy bảo của cha, song bù lại, Tùng được ông bà ngoại dành trọn vẹn tình yêu thương. Ông Đinh Que (ông ngoại Tùng) cho hay: “Vợ chồng tôi già yếu cũng không có ruộng rẫy, may mà còn có lương hưu. Tháng vừa rồi tăng lương cơ sở, vợ chồng tôi nhận hơn 10 triệu đồng. Hoàn cảnh của con, cháu không may như thế, mình còn sức, còn giúp được đến đâu thì hay đến đó. Chỉ mong cháu ngoan, chịu khó học hành, sau này thành người có ích cho xã hội”.

Hiểu cho những lo lắng, vất vả của ông bà ngoại, Tùng luôn tự giác trong học tập. 5 năm học tiểu học, em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; 4 năm học tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đak Pơ thì 2 năm đạt học lực khá. Em còn tích cực tham gia phong trào thể dục thể thao và đạt giải nhất toàn trường môn cờ vua năm học lớp 8.

Chỉ vào bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng nhiều giấy khen được treo ngay ngắn trên tường, ông Đinh Que tự hào: “Tôi luôn nhắc cháu hãy coi đây là động lực để cố gắng. Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành luôn quan tâm, dành sự chăm lo cho những hoàn cảnh kém may mắn. Vậy nên, cháu cũng phải chăm ngoan, chịu khó học tập, đừng phụ sự kỳ vọng đó”.

Ông Nguyễn Văn Thưởng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh: Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc được tổ chức 5 năm 1 lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên hội nghị biểu dương lần thứ VI được hoãn đến năm 2024 mới tổ chức. Gia Lai có 5 đại biểu là người khuyết tật, trẻ mồ côi được biểu dương tại hội nghị lần này. Hội nghị là dịp để những người khuyết tật, trẻ mồ côi gặp gỡ, chia sẻ tâm tư nguyện vọng và là động lực giúp họ vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.

Vào những ngày cuối tuần, rời ngôi trường nội trú trở về nhà, Tùng dành thời gian phụ giúp ông bà nấu cơm, quét dọn, chăm sóc vườn cây. Tùng trải lòng: “Đợt ra Hà Nội vừa qua, em được vào Lăng viếng Bác. Em đã thầm hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này trở thành một chiến sĩ Công an, góp sức giữ bình yên cho mọi người”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hồng-Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Đak Pơ: Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI và chương trình “Một trái tim, một thế giới” lần thứ 19 diễn ra vào tháng 4-2024.

Hội nghị do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức với sự tham gia của 368 đại biểu tiêu biểu, trong đó có 198 người khuyết tật, 72 cháu mồ côi và 98 người bảo trợ tiêu biểu. Gia Lai có 5 người khuyết tật, trẻ mồ côi được biểu dương dịp này. Trong đó, huyện Đak Pơ có 2 đại diện là chị Đinh Thị Brăi và em Nguyễn Đinh Tùng.

“Trên địa bàn huyện có 559 người khuyết tật và trẻ mồ côi. Chị Brăi bị dị tật chân bẩm sinh, đi lại khó khăn nhưng luôn vui vẻ, lạc quan và tích cực trong lao động. Còn Tùng thì luôn nỗ lực trong học tập, chăm ngoan, vâng lời ông bà. Cả 2 đều là tấm gương tiêu biểu về ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn, mất mát, vươn lên trong cuộc sống, truyền cảm hứng tích cực đến với cộng đồng, xã hội”-bà Hồng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.