Vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai: Nhà nông chật vật sau mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơn bão số 12 kèm mưa lớn cùng với việc xả lũ từ các hồ thủy điện thượng nguồn đã làm nhiều diện tích cây trồng tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) bị chìm trong nước lũ khiến nông dân thiệt hại nặng nề.
Cây trồng trôi theo nước lũ
Mưa lũ làm cánh đồng xã Ia Tul (huyện Ia Pa) giáp sông Ba, khu vực chân cầu Bến Mộng chìm sâu hơn 1 m nước. Là thời điểm gieo trồng cây thuốc lá nhưng nước dâng nhanh trong đêm, khiến người dân không kịp trở tay, toàn bộ bạt phủ trên luống đất, cọc, cây giống đều bị cuốn trôi theo dòng nước dữ.
Bà Nguyễn Thị Hồng (94 Hùng Vương, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) thuê 2 ha đất ở đây trồng thuốc lá. Suốt 1 tháng qua, gia đình bà làm đất, gieo hạt, căng bạt ươm cây giống. Nhưng cây giống mới được 10 ngày, đang xanh mặt đất thì nước lũ cuốn trôi hết.
Bà Hồng cho hay: “Toàn bộ vốn liếng đầu tư vào 2 ha này khoảng hơn 10 triệu đồng đã bị trôi theo nước lũ. Giờ phải ươm giống, làm lại từ đầu, cực nhất là phải xới lại đất cho tơi xốp, mất rất nhiều thời gian lại tốn công gấp đôi. Mùa thuốc lá này phải chậm lại mất 1 tháng so với kế hoạch”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (94 Hùng Vương, thị xã Ayun Pa) tập trung làm đất, gieo lại thuốc lá cho kịp mùa vụ.Ảnh.Vũ Chi
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) tập trung làm đất để gieo lại cây thuốc lá cho kịp mùa vụ. Ảnh: Vũ Chi
Tương tự, gia đình anh Nay Khon (buôn Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cũng vừa mới làm đất, ươm giống chuẩn bị trồng hơn 2 ha thuốc lá. Anh buồn rầu: “Nhìn đám thuốc lá giống mà nản, bao nhiêu công sức thoáng chốc tiêu tan. Anh em chúng tôi tự động viên nhau, còn người còn của. Hy vọng sắp tới thời tiết thuận lợi hơn để sớm gieo trồng trở lại”.
Trong khi đó, ông Trần Sơn Hội (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) vừa lên Ia Pa thuê đất để trồng dưa hấu. Toàn bộ đồ đạc, dụng cụ sản xuất, ống nước, bạt… đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thì lũ cuốn trôi hết. “Lũ dâng lên lúc 22 giờ nên vợ chồng tôi không kịp trở tay. Nếu ban ngày, có thể thuê xe công nông chở đồ đạc lên bờ thì đỡ thiệt hại. Chưa bắt tay vào làm nhưng vốn đã bay hơn 30 triệu đồng rồi. Giờ chỉ biết ngồi chờ đất ráo để làm lại mong gỡ gạc phần nào”-ông Hội xót xa.
Thu ép nông sản
Gia đình ông Rơ Châm Mat (tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) đang khẩn trương thu hoạch 7 sào mì bị ngập nước do lũ vừa rồi. Ông kể, toàn bộ 9 ha mì của người dân trồng ở khu vực này đều bị ngập nước 1 ngày 1 đêm nên dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng bà con buộc phải nhổ đồng loạt để tránh củ bị thối. Đám mì của ông Mat trồng từ tháng 5, tháng 3 sang năm mới đến kỳ thu hoạch nhưng nay phải thu ép.
Ông Mat chia sẻ: “Thu hoạch ép, củ còn nhỏ, chữ bột giảm nên thương lái chỉ mua với giá 1.200-1.400 đồng/kg, mùa mì này kể như lỗ vốn. Cũng diện tích này, năm ngoái gia đình tôi thu gần 35 triệu đồng. Nhổ đám mì này xong, tôi dự định trồng bắp ngọt để kiếm thêm thu nhập, gỡ gạc vốn liếng”.
Gia đình ông Rơ Châm Mat (tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) thu hoạch diện tích mì bị ngập nước. Ảnh: Vũ Chi
Gia đình ông Rơ Châm Mat (tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) thu hoạch diện tích mì bị ngập nước. Ảnh: Vũ Chi
Cũng bị chìm sâu trong nước, 5 sào bắp lai của anh Nay Rô (buôn Hoang 1, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) đổ rạp, lẫn trong bùn đất, buộc phải thuê nhân công bẻ sớm nửa tháng. Anh cho hay: “Thông thường, bắp lai cho thu hoạch sau 3 tháng. Diện tích này, mình mới trồng được 2 tháng rưỡi nhưng do nước ngập, cây đổ rạp hết nên phải thu ép. Vụ trước, với giá bán 3.000 đồng/kg, tôi thu được 2 triệu đồng/sào. Vụ này, bắp chưa già, lại ngấm bùn nên thương lái chỉ mua 1.500 đồng/kg. Hy vọng chính quyền có chính sách hỗ trợ chúng tôi phần nào để giảm bớt khó khăn”.
Gia đình bà Phan Thị Ngơi (tổ 6, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) trong trận lũ vừa rồi bị thiệt hại 5 sào rau la ghim các loại. Thời điểm trước lũ, vườn rau đem về cho gia đình bà 1 triệu đồng/ngày, nhưng mưa lũ vừa rồi đã làm thiệt hại toàn bộ. Mấy ngày nay, gia đình bà phải bỏ công cày xới để chuẩn bị gieo giống lại.
Theo thống kê, cơn bão số 12 đã làm 556,9 ha cây trồng trên địa bàn huyện Ia Pa và 32,23 ha của thị xã Ayun Pa bị thiệt hại. Chính quyền đang thống kê, đánh giá thiệt hại, đề xuất hỗ trợ bà con nông dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã-cho biết: Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, sau khi nước rút, UBND thị xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân đào rãnh tiêu thoát nước và tiến hành thu hoạch những diện tích có thể thu hoạch được để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, đôn đốc các xã, phường rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại để có hướng hỗ trợ kịp thời cho bà con.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.