Vụ mía "đắng" ở Đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, nông dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã thu hoạch hơn 50% diện tích mía. Nắng hạn kéo dài đã làm năng suất, sản lượng mía giảm mạnh so với niên vụ trước. Cùng với đó, giá mía thu mua thấp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nông dân.
Năng suất mía sụt giảm
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2019, tổng diện tích mía khu vực phía Đông tỉnh khoảng 25.350 ha. Trong đó, huyện Kbang 9.522 ha, huyện Đak Pơ 6.928 ha, huyện Kông Chro hơn 6.000 ha và thị xã An Khê 2.900 ha. Vùng nguyên liệu mía này cung ứng chủ yếu cho Nhà máy Đường An Khê (công suất ép khoảng 18.000 tấn mía cây/ngày) và một phần cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (công suất ép khoảng 6.000 tấn/ngày).
Người dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: L.N
Người dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: L.N
Tại huyện Kbang, diện tích mía tập trung tại các xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Nghĩa An, Lơ Ku và xã Đông. Năm 2019, nắng hạn kéo dài đã khiến hàng ngàn héc ta mía bị giảm năng suất. Đến nay, người dân trong huyện đã thu hoạch được hơn 40% diện tích nhưng năng suất chỉ đạt 25-40 tấn/ha, thậm chí nhiều diện tích bị mất trắng.
Ông Vũ Văn Lự (thôn 3, xã Đak Hlơ) cho hay: Gia đình ông trồng 5 ha mía nhưng chỉ thu hoạch được 2 ha, năng suất đạt hơn 30 tấn/ha. Còn lại 3 ha phải bỏ vì có thu hoạch cũng không đủ tiền thuê công chặt, vận chuyển. Theo ông Lự, nguyên nhân mía giảm năng suất nghiêm trọng là do ngay từ đầu vụ nắng nóng kéo dài đã làm cây không thể đẻ nhánh, vươn lóng; người dân cũng không thể bón phân cho cây được. Trước tình trạng này, nhiều hộ đã cắt bỏ cây để làm thức ăn cho gia súc hoặc phải cày bỏ. “5 ha mía đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng chỉ thu được hơn 60 tấn. Với giá mía như hiện nay thì chỉ được khoảng 30 triệu đồng, coi như lỗ hơn 70 triệu đồng”-ông Lự rầu rĩ nói. Còn ông Vũ Văn Tú (thôn 1, xã Kông Pla) thì cho biết: “Hầu hết những ruộng mía ở đây đều bị kiệt sức, lá ngả sang màu vàng, cây cao không quá đầu người. Hơn 1 ha mía của gia đình tôi cũng trong cảnh tương tự”. 
Tại huyện Kông Chro, nhiều người trồng mía cũng lâm vào cảnh thua lỗ hoặc may mắn thì cũng chỉ hòa vốn đầu tư. Ông Trần Văn Liễu (thôn 9, xã Yang Trung) cho hay: Gia đình ông trồng hơn 30 ha mía theo mô hình cánh đồng lớn, cơ giới hóa hầu hết các khâu từ cày đất, trồng đến thu hoạch. Những vụ trước, với diện tích này, gia đình ông thu được khoảng 3.000 tấn. “Đến nay, tôi đã thu hoạch hơn 20 ha nhưng năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 30 tấn/ha. Như vậy, với 30 ha mía thì vụ này chắc chỉ thu được khoảng 1.000 tấn, coi như hòa vốn đầu tư là may mắn”-ông Liễu nhẩm tính.
Còn tại huyện Đak Pơ, năng suất mía cũng đạt rất thấp. Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nguyên nhân năng suất mía giảm 30-40% là do nắng hạn kéo dài làm cho cây mía không phát triển được, đa phần bị trổ cờ sớm, cây thấp, nhỏ. Ngoài ra, do giá mía những năm gần đây giảm thấp nên người dân cũng ít đầu tư làm cho cây kém phát triển.
Định hướng chuyển đổi cây trồng  
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2019, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh khoảng 34.054 ha, chủ yếu tại các huyện phía Đông và Đông Nam. Vùng nguyên liệu mía được cung ứng cho Nhà máy Đường An Khê và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai với công suất ép khoảng 24 ngàn tấn/ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá mía có chiều hướng giảm nên nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây mía và đã phá bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn.  
Người dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: L.N
Người dân huyện Kbang thu hoạch mía. Ảnh: L.N


Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê: “Để giúp người dân tái sản xuất vụ mía tới, Nhà máy đưa ra chính sách đầu tư hỗ trợ giống mía mới 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ tưới nước 1 triệu đồng/ha và hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa 20% không thu hồi. Đồng thời, hỗ trợ không lãi suất tiền giống, phân bón, cày bừa cho người dân; tiếp tục triển khai cánh đồng mía lớn và áp dụng 100% cơ giới hóa trong sản xuất”.


Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Năm 2019, trên địa bàn huyện có gần 967 ha mía được chuyển đổi sang cây trồng khác như: cây mì 704 ha, cây ăn quả 34 ha, cây sả hơn 32 ha, cây lâm nghiệp 17 ha, cà phê 17 ha và các cây trồng khác. Nhìn chung, những diện tích cây ngắn ngày đã chuyển đổi có hiệu quả hơn so với cây mía. Những loại cây như dâu tằm, chanh dây, bắp sinh khối, sả Java, mắc ca khi chuyển đổi đã có các doanh nghiệp vào bao tiêu sản phẩm. “Dự kiến đến năm 2025, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng gần 1.500 ha mía kém hiệu quả sang cây trồng khác. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân nên chuyển đổi dần, chuyển đổi một phần diện tích để đảm bảo ổn định cuộc sống. Hiện nay, huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp tác xã và hộ nông dân, đảm bảo thực chất, bền vững”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang nói.
Còn ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ thì cho hay: Hiện mía vẫn là cây trồng chủ lực trên địa bàn, chiếm 1/3 tổng diện tích cây trồng toàn huyện. Do đó, huyện đề nghị Nhà máy Đường An Khê đẩy nhanh tiến độ thu mua cho bà con để không ảnh hưởng đến mía lưu gốc, hạn chế xảy ra cháy mía. Ông Hiệp cũng khuyến cáo: “Đối với những vùng có nước thì có thể chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trồng rau các loại, bắp ngọt. Còn đối với những diện tích đất dốc, đất xấu, bạc màu nên chuyển qua trồng cây keo lai, bạch đàn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: Do ảnh hưởng của nắng hạn nên Nhà máy Đường An Khê vào vụ trễ hơn những năm trước gần 1 tháng. Hiện tại, nhà máy đã tiêu thụ khoảng 70% sản lượng mía trong vùng. Nhà máy cũng đã tạo điều kiện và chia sẻ với người dân, đưa ra cơ chế thu mua cao hơn so với các năm trước. Theo đó, giá thu mua mía hiện nay là 850 ngàn đồng/tấn với mía 10 chữ đường, cao hơn năm trước khoảng 200 ngàn đồng/tấn; cước vận chuyển tăng lên 40 ngàn đồng. Dự kiến, Nhà máy sẽ kết thúc vụ ép vào ngày 20-4-2020.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.