Vụ Công ty luật Pháp Việt đòi nợ thuê: Khởi tố 111 bị can

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã phê chuẩn quyết định khởi tố 111 bị can và tiếp tục làm rõ nhiều hành vi phạm tội khác liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê của Công ty luật Pháp Việt.

Tiếp tục điều tra hàng trăm nhân viên Công ty luật Pháp Việt

Ngày 22.8, tin từ Viện KSND tỉnh Tiền Giang cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố 111 bị can của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang liên quan đến hành vi "cưỡng đoạt tài sản" trong hoạt động đòi nợ thuê của Công ty luật TNHH Pháp Việt (gọi tắt là Công ty luật Pháp Việt - địa chỉ tại tòa nhà T&T Dancesport, số 7 đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM). Các bị can bị khởi tố thuộc gần 60 tỉnh, thành trong cả nước.

Bị can Trần Văn Châu được xác định là một trong những nghi phạm cầm đầu trong hoạt động của Công ty luật Pháp Việt. Ảnh: BẮC BÌNH
Bị can Trần Văn Châu được xác định là một trong những nghi phạm cầm đầu trong hoạt động của Công ty luật Pháp Việt. Ảnh: BẮC BÌNH

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang, vụ án này có hơn 3.000 người ở khắp cả nước là bị hại. Số tiền các nhân viên Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt được hơn 1.000 tỉ đồng.

Vẫn theo đại diện Viện KSND tỉnh Tiền Giang, trong 111 bị can bị khởi tố, có 21 bị can đang bị tạm giam, các bị can còn lại bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra. Các bị can bị tạm giam là 2 Phó giám đốc và các nhóm trưởng chuyên đòi nợ thuê của Công ty luật Pháp Việt.

Điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhân viên Công ty luật Pháp Việt, Công an tỉnh Tiền Giang xác định có hơn 400 người liên quan. Ngành tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang vẫn đang tiếp tục điều tra những người còn lại.

Theo đại diện Viện KSND tỉnh Tiền Giang, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần mời luật sư L.T.T. (đoàn Luật sư TP.HCM), là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty luật Pháp Việt, đến làm việc để làm rõ vai trò của bà L.T.T. trong hoạt động cưỡng đoạt tài sản của các nhân sự khác trong công ty.

Lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang khám xét Công ty luật Pháp Việt hồi tháng 2.2023. Ảnh: BẮC BÌNH

Lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang khám xét Công ty luật Pháp Việt hồi tháng 2.2023. Ảnh: BẮC BÌNH

Quá trình điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản thông qua hình thức đòi nợ thuê liên quan Công ty luật Pháp Việt dự kiến chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chủ yếu điều tra liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản. Các giai đoạn còn lại, Cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang sẽ điều tra, làm rõ đối với các hành vi khác của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổ chức luật "trá hình" cưỡng đoạt tài sản có dấu hiệu "khủng bố"

Như Thanh Niên đã thông tin, lúc 10 giờ ngày 14.2, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục CSHS (Bộ Công an) và Công an TP.HCM, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty luật Pháp Việt.

Tại hiện trường, công an thu giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản. Triệu tập làm việc 133 người có liên quan, công an phát hiện nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ thuê.

Việc ngành chức năng tỉnh Tiền Giang triệt phá tổ chức Công ty luật trá hình này được dư luận rất quan tâm, đồng tình. Ảnh: BẮC BÌNH

Việc ngành chức năng tỉnh Tiền Giang triệt phá tổ chức Công ty luật trá hình này được dư luận rất quan tâm, đồng tình. Ảnh: BẮC BÌNH

Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã chứng minh hành vi cưỡng đoạt tài sản với phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý... có liên quan đến các bị hại ở nhiều địa phương trong cả nước.

Các nghi can khai nhận, thực chất Công ty luật Pháp Việt là tổ chức tội phạm hoạt động "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý. Thực tế, Công ty luật Pháp Việt không có chức năng nhận hợp đồng đòi nợ thuê.

Công ty luật Pháp Việt do luật sư L.T.T làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Trong hoạt động của mình, lãnh đạo công ty phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức như: đe dọa giết vợ, con, người thân, thậm chí đem quan tài, bình gas… để buộc người vay trả nợ. Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả từ 25 - 35% trên tổng số tiền thu được.

Có thể bạn quan tâm

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră, xã Bar Măih. Ảnh: L.N

Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

(GLO)- Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

Chư Pưh tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ (Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức tiêu hủy 191 vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp và thu được trong quá trình đấu tranh, xử lý đối với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

1 cá nhân tự ý san ủi hơn 5 ha đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý

(GLO)- Ngày 12-12, ông Đinh Mạnh Phong-Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê cho biết: Ban đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng về việc 1 cá nhân tự ý đào xới, san ủi đất thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị này ở 4 vị trí của tiểu khu 1049, xã Ayun, huyện Chư Sê với diện tích hơn 5 ha.