"Xin được nói thẳng: chúng ta có làm, nhưng chưa đủ!" - ông Trần Thất, nguyên vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi Trẻ xoay quanh việc làm thế nào để chặn "vòi bạch tuộc bẫy nợ".
|
Ông Trần Thất cho rằng có chống tín dụng đen nhưng chưa đủ - Ảnh: VŨ TUẤN |
Có làm, nhưng chưa đủ
Ông Thất phân tích nhiều điểm bất cập từ hỗ trợ người vay, chính sách cho vay, tổ chức tín dụng đến sự "nhập nhèm" khi áp dụng luật của cán bộ khiến nạn cho vay nặng lãi chỉ bị xử lý khi đã vỡ lở, bung ra thành sự việc nghiêm trọng ngoài xã hội.
"Các hình thức cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" pháp luật đã cấm. Việc này ghi rất rõ trong các văn bản luật, thế nhưng tại sao nó diễn ra công khai? Chính quyền, cơ quan quản lý có biết không? Họ công khai tới mức đăng quảng cáo, dán tờ rơi khắp đường. Ấy thế mà chỉ khi nào sự việc vỡ lở, lúc ấy nó (người đòi nợ - PV) đánh người rồi, chiếm nhà, đập phá đồ đạc, bắt người... thì cơ quan chức năng mới xử lý. Thực tế đã có xử lý nhiều vụ lớn, nhưng trong xã hội còn nhan nhản" - ông Thất nói.
Theo ông Thất, nạn cho vay nặng lãi đã tồn tại từ rất lâu, biến tướng nhiều hình thức từ cầm đồ, chơi hụi, "hỗ trợ tài chính", rồi "bốc bát họ"... mà chung quy đều là cho vay lãi suất cắt cổ.
Điều đáng nói là trong thời gian dịch COVID-19 thì nạn cho vay nặng lãi càng bùng phát. Nguy hiểm hơn là khi đám người cho vay nặng lãi hình thành băng nhóm.
"Cứ nhìn vụ Đường "Nhuệ" ở Thái Bình thì thấy, đó không phải là băng đảng sao? Tại sao giang hồ lộng hành như vậy trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không biết?" - ông Thất bức xúc.
"Xã hội không thể ngừng sản xuất một ngày, còn đây ta phải dừng sản xuất đến nhiều ngày. Vì thế người ta đứng trên bờ vực khó khăn, phá sản là đương nhiên. Trước khi dịch họ đã phải vay, bây giờ lấy đâu ra trả? Rồi sau dịch, chúng ta chưa hoàn toàn đi vào quỹ đạo bình thường như trước. Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao" - nguyên vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp nói.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng mặc dù được cải tiến rất nhiều về mặt điều kiện và thủ tục cho vay nhưng chưa thể theo kịp tình hình thực tế.
"Tín dụng đen gần như không cần điều kiện, thủ tục, nó đáp ứng ngay nhu cầu vốn cho người đi vay. Còn các tổ chức tín dụng tuy nói nọ nói kia nhưng trên thực tế không hẳn như thế. Từ chính sách Chính phủ ban ra đến các bộ, ngành rồi đến ngân hàng và đến người thực hiện có những khoảng cách" - ông Thất nói.
"Có việc hiểu hoặc áp dụng nhập nhằng giữa dân sự và hình sự, giữa thỏa thuận của người dân với vai trò quản lý của Nhà nước. Tôi phải nói thẳng có một số cán bộ chưa đúng. Có sự việc nhìn con số là tính ra được số lãi vượt quá 20%/năm (mức lãi suất được coi là vay nặng lãi), nhưng chính quyền địa phương vẫn cho rằng đây là thỏa thuận dân sự và không can thiệp" - ông Thất khẳng định.
Theo ông, người ở cấp quản lý gần với người dân nhất lại không thể nắm bao quát được các quy định của luật. Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã làm nhiều đợt truy quét, thực hiện các chuyên án lớn, qua đó triệt phá được nhiều đường dây cho vay nặng lãi khét tiếng.
Tuy nhiên, các băng nhóm nhỏ, các đối tượng cho vay nặng lãi nhỏ hơn trong xã hội còn rất nhiều và ngày càng tinh vi, phức tạp.
|
Một chiếc ôtô bị niêm phong, “thu hồi nợ” ngay ngoài đường - Ảnh: VŨ TUẤN |
Khó chứng minh hành vi phạm tội
Trong khi đó, thiếu tá Phạm Ngọc Anh, đội trưởng đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), cho biết việc điều tra, chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm của các đối tượng cho vay nặng lãi rất khó khăn.
Một vụ cho vay nặng lãi mà Công an quận Ngô Quyền mới bắt giữ tháng 4 vừa qua, việc điều tra, chứng minh hành vi đang gặp khó. Trong tài liệu, giấy tờ, chứng cứ cơ quan chức năng thu giữ được, có rất nhiều giấy biên nhận vay tiền nhưng khó chứng minh được số lãi.
Các tin nhắn trong điện thoại cũng vậy, lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ, vừa đấu tranh khai thác đối tượng, vừa đề nghị nạn nhân hợp tác.
Bộ luật dân sự quy định lãi suất vượt quá 20%/năm số tiền vay được coi là vay nặng lãi. Nhưng để cấu thành tội phạm hình sự thì lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên.
Cái khó nhất là chính người đi vay không tố giác, không hợp tác để cơ quan công an có đủ bằng chứng để chứng minh hành vi phạm tội. Một phần người đi vay là các đối tượng cờ bạc hoặc làm ăn không lương thiện. Những người làm ăn chân chính lại không cung cấp thông tin vì họ không muốn người khác biết mình phải đi vay nặng lãi, cũng có thể họ sợ bị trả thù nguy hiểm...
Chính quyền, công an cơ sở phải chịu trách nhiệm
"Người phải đi vay nặng lãi thì hầu hết đều đã quá khó khăn, thậm chí cùng đường. Đặc biệt, nhiều người còn dính vào những việc "không ra gì" như buôn hàng lậu, bài bạc, cá độ đá bóng, các cô gái bán thân... Chính vì vậy, rất ít khi họ tố cáo ra công an mà chọn giải pháp bỏ trốn hoặc bán nhà cửa, xe cộ để trả nợ nếu có" - ông Trần Minh Khải, chủ một doanh nghiệp ngành bao bì ở TP.HCM, cho biết.
Ông Khải kể thêm cũng có một số doanh nghiệp phải vay nóng bên ngoài khi còn kẹt nợ ngân hàng. Nhưng họ thường vay nhanh và có phương án trả nợ nhanh. Do đó đối tượng chính của cho vay nặng lãi là người nghèo, và họ càng vay thì càng... nghèo thêm!
Từng theo học trường luật và có thời gian làm cán bộ tư pháp trước khi ra kinh doanh, theo ông Khải, chính quyền cần phải quyết liệt xử lý triệt để vấn nạn cho vay nặng lãi. Việc này cần phải được làm đồng bộ và kiên trì ở tất cả địa phương, chứ không chỉ là "chiến dịch" trấn áp một thời gian rồi sau đó lại bùng lên như nấm sau mưa.
Đặc biệt là việc "tín dụng đen" dù có tinh vi, phức tạp tới đâu thì vẫn phải có địa bàn hoạt động (hay phương tiện hoạt động như app công nghệ) và có đối tượng trực tiếp cho vay, trực tiếp đòi nợ.
Một người nghèo ít học, một công nhân mà biết rõ người cho "vay đứng, vay nằm" ở địa bàn mình ở thì không thể nào nói chính quyền địa phương mà cụ thể là công an khu vực, trinh sát địa bàn lại không biết...
"Phải xác định tín dụng đen là vấn nạn nguy hiểm, nguồn gốc của mất trật tự xã hội, làm bần cùng hóa người dân và các loại tội phạm... để gắn với trách nhiệm phát hiện, xử lý của chính quyền, công an cơ sở thì mới mong chặt đứt được vòi bạch tuộc này" - ông Khải cho biết.
"Chưa nói đến có bao che, lợi ích dưới bàn gì hay không, chỉ cần địa phương nào đó bị "bung ra" đường dây cho vay nặng lãi thì chính quyền, công an cơ sở cũng phải bị xử lý" - ông Khải khẳng định chỉ có như vậy mới xử lý được căn cơ tệ trạng "tín dụng đen" ngầm mà như công khai "hút máu người" này!
“Bên cạnh việc trấn áp, xử lý tín dụng đen, Nhà nước cũng cần có những chính sách phát triển kinh tế hiệu quả, an sinh xã hội cần thiết và đặc biệt là ngăn chặn các tệ nạn xã hội như nghiện ngập ma túy, bài bạc, cá độ đá bóng... Đây là những chương trình rất cần thiết góp phần trực tiếp và gián tiếp chặt đứt vòi bạch tuộc đen. Chúng ta có bao giờ hỏi tại sao những nền kinh tế phát triển lại không có hay ít có nạn cho vay nặng lãi kinh hoàng này? Còn chúng ta tại sao lại nhan nhản chìm, nổi bọn tín dụng đen như vậy?” - ông Trần Minh Khải nói. |
Theo VŨ TUẤN - MẠNH DŨNG (TTO)