Việt Nam và Ấn Độ ký Ý định thư về hợp tác đào tạo quốc phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hai bên cam kết thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác đã thống nhất; hợp tác quân binh chủng; đào tạo; thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng; hợp tác an ninh mạng; quân y; cứu hộ cứu nạn.
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 14. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 14. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Chiều 1/8, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ lần thứ 14 đã diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Giridhar Aramane.

Nhân dịp này, 2 Thứ trưởng đã ký Ý định thư về hợp tác đào tạo quốc phòng.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, mở đầu cuộc đối thoại, Thứ trưởng Giridhar Aramane đã gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành với Việt Nam trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cho rằng đây là mất mát to lớn và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua để tiếp tục công cuộc phát triển đất nước.

Thứ trưởng Giridhar Aramane cho biết cuộc đối thoại lần này là cơ hội để hai bên trao đổi các nội dung hợp tác trong thời gian tới, nhằm góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, một trụ cột quan trọng và chiến lược của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

Đáp lại, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trân trọng cảm ơn Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân dân Ấn Độ đã gửi lời chia buồn với Việt Nam.

Thượng tướng khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Đặc biệt, kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016, hợp tác song phương ngày càng thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng-an ninh.

Bên cạnh đó, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tới Ấn Độ lần này (từ ngày 30/7-1/8) đã thể hiện sự coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Hai trưởng đoàn ký Ý định thư về hợp tác đào tạo. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Hai trưởng đoàn ký Ý định thư về hợp tác đào tạo. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Ấn Độ về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Quân đội nhân dân Việt Nam; đánh giá cao hiệu quả của các gói tín dụng ưu đãi, gói quà tặng và viện trợ không hoàn lại của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị Quân đội Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại, hai bên đã đánh giá cao những kết quả hợp tác quốc phòng đạt được kể từ Đối thoại lần thứ 13, đồng thời nhấn mạnh thời gian qua, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ không ngừng được củng cố, tăng cường với sự tin cậy cao và đạt được những kết quả thực chất, nhất là trong các lĩnh vực: trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp; ký kết các văn bản hợp tác; duy trì hiệu quả các cơ chế tham vấn, đối thoại, giao lưu sỹ quan trẻ; đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác quân binh chủng; công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, nhất là những cơ chế hợp tác do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt, hỗ trợ các sự kiện do mỗi nước đăng cai. Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn ủng hộ Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN, trong đó có việc tổ chức Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN-Ấn Độ và ủng hộ Ấn Độ đồng chủ trì Nhóm chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối thoại (ADMM+) về Chống khủng bố với Malaysia chu kỳ 2024-2027.

Cũng tại cuộc đối thoại, hai bên đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm.

Về vấn đề trên biển, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm của khu vực và thế giới.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình ở trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Thời gian tới, hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác, triển khai hiệu quả một số lĩnh vực trọng tâm: trao đổi đoàn, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác đã thống nhất; hợp tác quân binh chủng; đào tạo; thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng; thúc đẩy triển khai các gói tín dụng, gói viện trợ không hoàn lại; tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, nhất là các khuôn khổ do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ và tham gia các hoạt động đa phương do mỗi bên tổ chức; nghiên cứu, tăng cường hợp tác trao đổi giữa các cơ quan nghiên cứu; thúc đẩy triển khai hợp tác an ninh mạng; quân y; cứu hộ cứu nạn...

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trân trọng mời và mong muốn lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ấn Độ cùng các doanh nghiệp có uy tín tham dự Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 vào tháng 12/2024. Thứ trưởng Giridhar Aramane khẳng định Ấn Độ sẽ cử đoàn đại biểu tham dự các hoạt động của Triển lãm.

Kết thúc cuộc đối thoại, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến và người đồng cấp Giridhar Aramane đã ký Ý định thư về hợp tác đào tạo.

Có thể bạn quan tâm