Việt Nam lên tiếng việc tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 29-2, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam bình luận việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam gần đây

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với bãi Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần.

Theo đó, bãi Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam, được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Đường di chuyển của tàu hải cảnh CCG 5901 ở khu vực bãi Tư Chính. Ảnh: SeaLight Project

Đường di chuyển của tàu hải cảnh CCG 5901 ở khu vực bãi Tư Chính. Ảnh: SeaLight Project

Theo thông tin từ dự án SeaLight Project tại Mỹ, tàu hải cảnh CCG 5901 của Trung Quốc, mang biệt danh "quái vật" hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 12-2023. Con tàu nặng 12.000 tấn hoạt động âm thầm bằng cách tắt hệ thống thông tin tự động để tránh bị phát hiện.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu vào bãi Tư Chính. Tháng 5-2023, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng tàu hải cảnh hộ tống và một số tàu cá Trung Quốc đã tiếp cận khu vực này.

Khu vực Bãi Tư Chính (mà Trung Quốc gọi là "bãi Vạn An") thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng nêu rõ đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. UNCLOS 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này.

Có thể bạn quan tâm