Vì sao uống trà sữa và đồ uống nhiều đường gây tăng cân không kiểm soát?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trà sữa, đồ uống nhiều đường chứa hàm lượng calo cao dẫn đến tình trạng dư thừa calo, tích tụ thành mỡ thừa và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Tăng hơn 10 kg sau 2 tuần liên tục uống trà sữa, nước ngọt

Như Thanh Niên đưa tin, Bệnh viện Nội tiết T.Ư mới đây tiếp nhận người bệnh nam T.T.Đ (28 tuổi, Hà Nội) nặng 175 kg nhập viện trong tình trạng khó thở, suy tim và phù to 2 chân dẫn đến không thể di chuyển được. Bệnh nhân được hỗ trợ máy thở và được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Điều trị tích cực. Bệnh nhân Đ. được chẩn đoán béo phì, gout mạn cách đây 10 năm. Trong 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân tăng cân không kiểm soát hơn 10 kg do sử dụng nhiều các đồ uống ngọt như trà sữa, nước ngọt.

Qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não… Ở người thừa cân, béo phì, lượng mỡ được phân bố nhiều xung quanh khu vực đường hô hấp trên dẫn tới hẹp đường thở. Điều này đã góp phần làm tăng chèn ép đường thở khi ngủ.

Trà sữa là thức uống chứa nhiều đường đơn
Trà sữa là thức uống chứa nhiều đường đơn

Lượng calo cao trong trà sữa, đồ uống nhiều đường gây tích tụ mỡ thừa

Bác sĩ dinh dưỡng Lê Thảo Nguyên, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, trà sữa và các loại đồ uống nhiều đường là món giải khát yêu thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thường xuyên và không kiểm soát những loại đồ uống này có thể dẫn đến tình trạng tăng cân không mong muốn và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Trà sữa là thức uống chứa nhiều đường đơn, ít giá trị dinh dưỡng nhưng lại có lượng calo cao. Trung bình một ly trà sữa 500 ml chứa tới 300-500 calo, tương đương một bữa ăn đầy đủ nhưng lại không cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như protein, chất xơ hay vitamin. Chúng chủ yếu là nguồn năng lượng rỗng (empty calories) mà cơ thể không thể sử dụng hiệu quả.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) lượng đường khuyến nghị hằng ngày không nên vượt quá 24 g đối với phụ nữ và 36 g đối với nam giới. Tuy nhiên, một cốc trà sữa có thể đã chứa một lượng đường vượt quá giới hạn này.

"Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường thay cho các bữa ăn dinh dưỡng đồng nghĩa với việc bạn đang cung cấp một lượng calo khổng lồ vào cơ thể mà không hề hay biết, dẫn đến tình trạng dư thừa calo và tích tụ thành mỡ thừa, từ đó gây tăng cân", bác sĩ Nguyên cho hay.

Thức uống nhiều đường làm tăng cảm giác thèm ăn

Các nghiên cứu còn cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có chứa nhiều đường làm tăng mức đường huyết một cách đột ngột và sau đó giảm xuống nhanh chóng, dẫn đến cảm giác đói và thèm ăn ngay sau khi tiêu thụ. Điều này khiến cho chúng ta dễ dàng nạp thêm lượng thức ăn khác, làm gia tăng tổng lượng calo vào cơ thể trong ngày.

Các nghiên cứu còn cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có chứa nhiều đường làm tăng mức đường huyết một cách đột ngột
Các nghiên cứu còn cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có chứa nhiều đường làm tăng mức đường huyết một cách đột ngột

Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác

Ngoài việc gây tăng cân, tiêu thụ quá nhiều đường còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường loại 2, bùng phát đợt gout cấp, tăng nguy cơ bệnh tim mạch và các vấn đề về răng miệng. Đặc biệt là đối với những người có nguy cơ béo phì hoặc mắc bệnh lý tiểu đường, việc tiêu thụ đồ uống ngọt không chỉ gây tăng cân mà còn làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

"Việc tiêu thụ trà sữa và các đồ uống nhiều đường nên được hạn chế, đặc biệt đối với những ai có nguy cơ mắc các bệnh lý về thừa cân, tiểu đường hay tim mạch. Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, kết hợp với việc giảm thiểu đồ uống nhiều đường sẽ giúp bạn duy trì cân nặng ổn định và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Để thay thế trà sữa, đồ uống nhiều đường, bạn có thể lựa chọn các loại đồ uống như nước ép trái cây tươi, trà xanh, trà thảo mộc không đường hoặc nước lọc để cung cấp đủ nước cho cơ thể mà không lo bị tăng cân", bác sĩ Thảo Nguyên khuyến cáo.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia tăng bệnh không lây nhiễm

Gia tăng bệnh không lây nhiễm

(GLO)- Hàng ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp nhận và thăm khám cho trên 1.000 trường hợp. Hai phần ba trong số này là bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi, phấn đấu hoàn thành vào 31-3-2025. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.