Vì sao nguyên giám đốc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị bắt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đó, nhiều đơn tố cáo chỉ đích danh ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có vi phạm trong quản lý, điều hành dự án.



Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên giám đốc BQL Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Cùng với ông Thành, các ông Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7; Phạm Đình Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7 cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trong thông báo, Bộ Công an cho biết 4 đối tượng trên đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.


 

Ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hàng trên, ngoài cùng bên trái)
Ông Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hàng trên, ngoài cùng bên trái)



Được biết, gói thầu số 5 từ Km 32+600 đến Km 42 (từ huyện Duy Xuyên đến Thăng Bình - tỉnh Quảng Nam); gói thầu số 7 từ Km 52 đến Km 65 (huyện Thăng Bình đến Phú Ninh – tỉnh Quảng Nam). Gói số 5 cũng là một trong những đoạn đầu tiên xuất hiện "ổ gà", "ổ voi" trên tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng mà báo chí phát hiện, thông tin vào tháng 10-2018, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, trước khi tuyến đường cao tốc bị hư hỏng, đã có nhiều đơn thư tố cáo đích danh ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số vi phạm trong quản lý, điều hành dự án, cụ thể là tại gói thầu số 5.


 

 
 



Sau khi nhận chỉ đạo của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã vào cuộc xác minh. Đến ngày 17-7-2018, ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC, đã ký văn bản kết luận về các nội dung tố cáo này.

 

 Cùng bị bắt với ông Thành là 3 bị can Phú, An, Bình
Cùng bị bắt với ông Thành là 3 bị can Phú, An, Bình



Trong 6 nội dung tố cáo, VEC xác định nhiều nội dung không có cơ sở nhưng khẳng định ông Thành có một số vi phạm về quy chế hoạt động của BQL, không báo cáo kịp thời một số vụ việc cụ thể về VEC để có phương án chỉ đạo kịp thời…

Về nội dung không xử lý loại bỏ vật liệu đắp K95 không bảo đảm chất lượng tại gói thầu số 5 từ Km41-Km42 và các nhánh, trạm dịch vụ thuộc nút giao Hà Lam, VEC cho rằng nội dung giải trình của ông Thành và tư vấn giám sát không thống nhất. Có sự quản lý không chặt chẽ về chất lượng và thiếu thông tin quản lý dự án.

Nội dung đơn thư tố cáo "sau khi đưa vào khai thác từ ngày 2-8-2017, khoảng 2 tháng sau xuất hiện nứt dọc bê-tông nhựa trên đoạn tường chắn MSE-gói 5 JICA, ông Thành chỉ đạo nhà thầu lúc đó đưa máy ra đục phá tạo rãnh biên bên phải tuyến cũng như cắt, vá víu bê-tông nhựa, đồng thời giấu kín thông tin này…".

Đoàn xác minh kết luận trách nhiệm của ông Thành là không chỉ đạo thi công rãnh dọc thoát nước mặt và hệ thống thoát nước ngầm kiểu Pháp dưới rãnh dọc đồng thời với quá trình thi công tường chắn MSE hoặc ngay sau khi dự án đưa vào thông xe kỹ thuật (2-8-2017), mà phải đến ngày 20-11-2017 mưa lớn mới phải xử lý hiện trường. Kết luận khẳng định ông Thành không báo cáo kịp thời các biện pháp khắc phục về VEC để tổng công ty biết được và có phương án chỉ đạo kịp thời.


 

 
Nhiều ổ gà, ổ voi liên tục xuất hiện trên tuyến cao tốc này dù mới đưa vào khai thác không lâu
Nhiều ổ gà, ổ voi liên tục xuất hiện trên tuyến cao tốc này dù mới đưa vào khai thác không lâu





Về nội dung tố cáo ông Nguyễn Tiến Thành vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, vi phạm quy chế hoạt động của BQL, bỏ qua vai trò tham mưu của phòng tham mưu, đoàn xác minh xác định có cơ sở một phần. Ông Thành có xem xét nhưng không sử dụng ý kiến tham mưu của phòng kế hoạch tài chính mà sử dụng ý kiến tham mưu của nhân viên kỹ thuật văn phòng hiện trường trực tiếp theo dõi gói thầu số 5, để ký trình hồ sơ báo cáo VEC nội dung hồ sơ.

Trong kết luận cuối cùng, VEC yêu cầu ông Thành kiểm điểm rút kinh nghiệm và báo cáo về các nội dung liên quan.

Ngoài kết luận nội dung tố cáo ông Thành của VEC, trước đó, vào ngày 29-9-2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tính đến ngày 31-3-2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan). Trong đó, KTNN đã chỉ ra nhiều vi phạm tại gói thầu số 5,7 và các gói thầu khác.


 

Tuyến cao tốc 34.500 tỉ liên tục được sửa chữa, vá víu
Tuyến cao tốc 34.500 tỉ liên tục được sửa chữa, vá víu



Điển hình, về quản lý chất lượng công trình, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường một số gói thầu 5, A2, A5, KTNN nhận định có hiện tượng đắp đất K95 lẫn đá; nhật ký thi công của nhà thầu chưa thể hiện đầy đủ công tác nghiệm thu các công việc hằng ngày trên công trường, thiếu dấu giáp lai, đánh số trang chưa đầy đủ…

Về quản lý chi phí đầu tư, KTNN cho biết có một số sai sót, tồn tại được phát hiện qua kiểm toán với giá trị hơn 375,2 tỉ đồng; trong đó sai khối lượng hơn 57 tỉ đồng, sai đơn giá hơn 294 tỉ đồng và sai khác hơn 23,7 tỉ đồng. Cụ thể, chưa thực hiện việc giảm trừ kết cấu chiếm chỗ trong hạng mục đắp K95 nền đường với giá trị hơn 43 tỉ đồng (gói thầu 1, 2, 4, 5, 6, 7, A2, A3, A4 và A5). Nghiệm thu thanh toán khối lượng vượt khối lượng được phê duyệt theo BVTC (Km55-Km56 gói thầu số 7) 482 triệu đồng…

KTNN chỉ ra rằng tại gói thầu số 5, công tác khảo sát địa chất tại trụ P5 cầu Km39+645 không phản ánh đúng thực tế địa chất công trình; lập thẩm định và phê duyệt đề cương khảo sát thiếu nội dung khoan địa chất tại vị trí tường chắn có cốt (MSE) dẫn đến phải thay đổi, bổ sung các hạng mục với tổng chi phí hơn 5 tỉ đồng…


 


Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công xây dựng tháng 9-2013, dài 139 km, đi qua địa phận TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng kinh phí đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ngày 2-8-2017, đoạn tuyến 65 km từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) được đưa vào khai thác. Một năm sau, ngày 2-9-2018, đoạn còn lại được thông xe.

Trước thời gian khánh thành toàn tuyến không lâu, bộ trưởng Bộ GTVT từng đi kiểm tra và chê cao tốc chạy xe "lộc cộc, lộc cộc". Sau khi đưa vào khai thác không lâu, đầu tháng 10-2018, tuyến đường liên tục xuất hiện tình trạng "ổ gà", "ổ voi", thấm dột tại các cầu vượt, cống chui. Giữa tháng 10-2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ký quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án nhưng đến nay chưa thấy công khai kết luận thanh tra.



Theo Tr.Thường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.