(GLO)- 70 năm đã trôi qua, bức thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946) vẫn còn nguyên giá trị về tư tưởng đại đoàn kết.
Ngược dòng lịch sử, sau Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tình thế chính quyền cách mạng nước ta lúc bấy giờ như đứng trước “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đặc biệt, quân đội Anh và Tưởng Giới Thạch giải giáp quân Nhật tràn vào nước ta hòng bóp chết chính quyền non trẻ. Cũng thời điểm đó, “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” diễn ra theo kế hoạch vào ngày 19-4-1946. Do Trung ương Đảng mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải lãnh đạo các lực lượng để đối phó trước tình thế “dầu sôi lửa bỏng” nên Người không thể vào dự đại hội. Dù vậy, với tình cảm và trách nhiệm là người đứng đầu Chính phủ, Người đã kịp thời viết thư gửi đến đại hội. Ngay tại đại hội, bức thư của Người đã được đọc cho các đại biểu cùng nghe. Nội dung bức thư ngắn gọn, súc tích nhưng sáng ngời tư tưởng về đại đoàn kết và đã trở thành lời hiệu triệu cho hàng ngàn trái tim đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đoàn kết một lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm, xóa giặc đói, giặc dốt.
Sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ảnh: Lương Thanh |
Trong thư Người nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Vì sao phải đoàn kết? Và Người đã chỉ ra cội nguồn các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là anh em nên phải đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết là tư tưởng cao cả để không một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc ta. Người đã từng nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” (Thư Bác Hồ gửi cho đồng bào Nam bộ ngày 31-5-1946). Và cũng chính trong thư gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” Người chỉ ra một tài sản vô cùng quý giá: “Nước Việt Nam là nước chung của chúng ta”; “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Tư tưởng này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt được Người nhắc đến nhiều lần: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi...”. Vì vậy, “Toàn thể dân tộc Việt Nam trên dưới một lòng đem tất cả tính mạng, của cải để giữ vững nền độc lập, tự do ấy”-(Tuyên ngôn độc lập năm 1945).
Điều đáng quý hơn là trong thư gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” lúc bấy giờ Người đã khẳng định vai trò quyền lực của các dân tộc trong Quốc hội và Chính phủ: “Trong Quốc hội có đủ các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha Dân tộc thiểu số” (nay là Ủy ban dân tộc) để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Quyền lực này trước đó không bao lâu đã được thể hiện rất rõ trong ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Tư tưởng này cũng được Hiến định trong Hiến pháp 1946 trên cơ sở 3 nguyên tắc cơ bản của một Nhà nước dân chủ, đó là: đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; thực hiện một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Tư tưởng của Người và Hiến pháp 1946 đã đi vào lịch sử bảo đảm về mặt pháp lý cho tất cả các quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân. Đồng thời đó cũng là cơ sở để tiến hành công việc của đất nước trong giai đoạn đầy khó khăn lúc bấy giờ.
Trở lại thư của Bác Hồ gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku”, Người còn xác định tính độc lập tự quyết của dân tộc và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non nước ta, để ủng hộ Chính phủ ta”; “phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Có thể thấy, đoàn kết là tư tưởng xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của Người mà thư gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” là một phần trong tư tưởng đó. Nhìn lại 70 năm qua, các dân tộc Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã cùng sát cánh đoàn kết một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và làm nên những kỳ tích trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước. Ngày hôm nay, đọc lại bức thư của Người chúng ta càng thấm nhuần một điều sâu sắc “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Có đoàn kết chúng ta sẽ không sợ bất kỳ thế lực thù địch nào; có đoàn kết chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Huỳnh Lê