Vai trò của bà Hồ Thị Kim Thoa trong vụ thất thoát 2.700 tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) được xác định có sai phạm khi để lô đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản Nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Bà Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ. Ảnh: LĐO.
Bà Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ. Ảnh: LĐO.


Trong cáo trạng mới công bố, ngoài cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, trong nhóm bị can của bộ này, Viện KSND Tối cao còn nhắc tới vai trò của bà Hồ Thị Kim Thoa khiến lô đất "vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.

Cùng với ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa bị cáo buộc tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Tuy nhiên, bà Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, có tổng cộng 9 bị can bị truy tố cùng tội danh với ông Vũ Huy Hoàng.

Theo cáo trạng, tháng 3.2006, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo 80 TP.HCM để Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco được giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, xây tổ hợp khách sạn và bất động sản cho thuê.

UBND TP.HCM đã duyệt giá trị khu đất cho Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 1.230 tỉ đồng. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn để có thể nộp cho thành phố, Sabeco đã báo cáo Bộ Công Thương.

Thời gian này, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành và tổng công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng cùng bà Thoa và đồng phạm không thực hiện chủ trương mà tiếp tục chỉ đạo Sabeco chuyển giao quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, trái quy định.

Giai đoạn 2013-2015, dưới sự chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công thương) đã ký các văn bản yêu cầu cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất trên; tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân, thành lập Sabeco Pearl (không phải là doanh nghiệp Nhà nước) để kinh doanh bất động sản.

Căn cứ các văn bản trên, ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM) đã chấp thuận cho Sabeco Pearl thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và thuê khu đất với giá gần 1.000 tỉ, thời hạn thuê trong 50 năm.

Tháng 1.2016, các nhà đầu tư của Sabeco Pearl kiến nghị ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (26%) tại công ty này. Sau đó, nhà đầu tư tiếp tục đề nghị mua lại số vốn góp này.

Việc thoái vốn hoàn tất, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) có báo cáo gửi ông Hoàng và bà Thoa, thông báo quá trình thoái vốn trên phù hợp với chủ trương.

VKS cáo buộc hành vi của các bị can Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng đã dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản Nhà nước sang tay tư nhân trái pháp luật.

Trong vụ án, bà Hồ Thị Kim Thoa cùng Phan Chí Dũng bị quy kết là đồng phạm giúp sức cho bị can Vũ Huy Hoàng. Sai phạm của bà Thoa và ông Dũng thể hiện qua việc trực tiếp ký văn bản hoặc tham mưu, đề xuất cho cấp trên ký văn bản trái quy định liên quan khu đất.

Hành vi của các bị can gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 2.700 tỉ đồng.

 

https://laodong.vn/phap-luat/vai-tro-cua-ba-ho-thi-kim-thoa-trong-vu-that-thoat-2700-ti-837535.ldo

Theo VIỆT DŨNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.