Dự án ứng dụng công nghệ đèn led trồng hoa cúc trong nhà lồng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tại hộ gia đình ông Đinh Xuân Thành (làng Krun, xã Hneng). Theo đó, ông Thành trồng 80.000 cây giống hoa cúc trong nhà lồng có diện tích 2.000 m2. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ 345 triệu đồng và hộ dân đối ứng hơn 845 triệu đồng.
Sau hơn 3 tháng triển khai, vườn cây phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, bình quân thu được 4-5 hoa/cây với giá bán khoảng 3-3,5 ngàn đồng/cành. Mô hình này đã mang lại lợi nhuận khoảng 85 triệu đồng/vụ (mỗi năm trồng được 3 vụ). Qua đánh giá, việc trồng hoa cúc trong nhà lồng có ứng dụng công nghệ đèn led mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các loại cây khác.
Ông Đinh Xuân Thành (thôn Krun, xã Hneng, huyện Đak Đoa) bên vườn hoa cúc. Ảnh: Lê Nam |
Năm 2020, gia đình ông Thành phá bỏ hơn 2 sào cà phê và đầu tư trên 600 triệu đồng làm nhà lồng để trồng rau xanh các loại. Tuy nhiên, giá cả rau xanh không ổn định. Để đa dạng cây trồng theo từng thời vụ, góp phần tạo thu nhập ổn định, gia đình ông tham gia Dự án ứng dụng công nghệ đèn led trồng hoa cúc.
“Đây là lần đầu tiên tôi trồng hoa cúc. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng công nghệ đèn led giúp hoa cúc sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, khi được tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cúc trong nhà lưới tại tỉnh Lâm Đồng, tôi có thêm nhiều kiến thức trong việc trồng hoa. Trồng hoa cúc không tốn nhiều công lao động, các khâu tưới nước, bón phân được thực hiện qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Cây hoa cúc rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây nên phát triển rất tốt, hoa nở đều, có màu vàng đẹp. Thời gian tới, tôi tiếp tục phát triển mô hình này và nghiên cứu trồng thêm một số loại hoa nữa để cung cấp ra thị trường”-ông Thành chia sẻ.
Theo bà Huỳnh Thị Ánh Vi-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa: Hoa cúc là loại cây trồng ngắn ngày nhưng có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình thực hiện dự án cho thấy cây hoa cúc rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Dự án không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất mà còn thân thiện với môi trường, không chứa các chất độc hại. Sử dụng đèn led giúp người dân điều khiển sự sinh trưởng và phát triển của cây. Ngoài ra, dự án này được triển khai và nhân rộng sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân.
Mô hình ứng dụng công nghệ đèn led trồng hoa cúc trong nhà lồng tại xã Hneng, huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam |
Nhận định về mô hình, ông Cao Cự Thông-Phó Chủ tịch UBND xã Hneng-cho hay: Đây là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Trao đổi với P.V, ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Toàn huyện có khoảng 15 ha hoa, cây cảnh. Dự án ứng dụng công nghệ đèn led trồng hoa cúc được thực hiện theo Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng kế hoạch phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. “Qua mô hình, chúng tôi nhận thấy cây hoa cúc sinh trưởng, phát triển tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Do đó, UBND xã Hneng cần tuyên truyền, định hướng cho người dân để nhân rộng mô hình trên địa bàn xã. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn cần học tập trao đổi kinh nghiệm về phương thức trồng hoa trong nhà lồng, mở rộng quy mô, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân”-ông Hùng thông tin thêm.