Tuổi già tần tảo mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Niềm mong ước của mỗi người khi về già chính là được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đâu đó vẫn còn nhiều cụ già phải oằn gánh mưu sinh, gom từng đồng bạc lẻ để trang trải cuộc sống từ những công việc khác nhau như: xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, sửa xe máy... 
Không muốn trở thành gánh nặng
Ngồi xuống chiếc ghế trống ở quán cà phê bên đường, bà Võ Thị Tư để xấp vé số xuống bàn rồi lục tìm trong túi áo chai dầu gió xoa lên hai bên thái dương và các khớp tay, khớp chân. Bà bảo, mấy ngày nay thời tiết thay đổi nên toàn thân đau nhức, cũng muốn nghỉ bán vé số vài ngày nhưng nghỉ thì không có tiền nên lại ráng đi. Hơn 70 tuổi, bà Tư đã có thâm niên 4 năm với công việc bán... "giấc mơ triệu phú”. Bà trải lòng: "Tôi bị phù thận nên đi lại khó khăn, cứ còng lưng mà đi chứ có đứng thẳng được đâu. Cũng muốn kiếm một công việc nào đó đỡ vất vả nhưng tuổi già, sức yếu nếu không đi bán vé số cũng chẳng biết làm gì để có thu nhập. Tôi cũng xác định cố gắng vất vả thêm vài năm nữa, kiếm chút tiền dành dụm rồi về quê sinh sống, không lo phiền đến các con, các cháu".
Mỗi ngày bà Võ Thị Tư mời chào hàng trăm người mua vé số. Ảnh: P.D
Mỗi ngày bà Võ Thị Tư mời chào hàng trăm người mua vé số. Ảnh: P.D
Bà Tư có 4 cô con gái đều đã lập gia đình và sinh sống dưới quê (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Biết cuộc sống của các con đều không dư dả, chỉ trông vào vài sào ruộng, lại phải nuôi các cháu ăn học nên bà càng không muốn trở thành gánh nặng. Nghe vài người trong xóm nói chuyện đi bán vé số, bà cũng xin theo nhưng bị các con, các cháu ngăn cản. Sau nhiều ngày phân tích, giải thích vẫn không được chấp thuận, cuối cùng bà chọn cách... trốn đi.
Thời gian đầu do chưa quen các tuyến đường, các quán ăn, quán cà phê nên mỗi ngày bà chỉ bán được vài chục tờ vé số, đủ tiền ăn qua ngày, thậm chí vài ba lần còn bị người ta lừa lấy trộm vé số. Lâu dần cũng quen, giờ đây mỗi ngày bà Tư cũng kiếm được 50.000-70.000 đồng, hôm nào may mắn thì kiếm được khoảng 100.000 đồng. Nhưng để có được số tiền ấy cũng chẳng dễ, mỗi ngày bà Tư rời nơi ở (do đại lý vé số cho ở miễn phí) từ lúc 6 giờ sáng và chỉ trở về nhà khi đêm xuống. Bà đi bộ qua hàng chục tuyến phố, mời chào hàng trăm lượt người. Thỉnh thoảng, bà cũng muốn thử vận may bằng cách để dành lại 1 tờ vé số cho riêng mình nhưng chưa khi nào Thần Tài mỉm cười. Mỗi ngày bà chỉ cho phép bản thân ăn 3 bữa với tổng số tiền 30 ngàn đồng, còn lại phải tiết kiệm. "Ông nhà tôi vẫn ở dưới quê. Ông ấy 75 tuổi rồi, đi lại cũng khó khăn nên chỉ quanh quẩn trông coi nhà cửa, ruộng vườn. Vì vậy mỗi tháng tôi phải cố gắng dành dụm hơn 1 triệu đồng gửi về để ông ấy chi tiêu, rồi lo mấy việc hiếu hỉ trong gia đình, dòng họ”-bà Tư bộc bạch. Còn bà thì 2-3 tháng hoặc khi gia đình có việc mới đón xe về quê vài ngày, sau đó lại trở lên đi bán vì sợ nghỉ dài ngày sẽ mất mối quen và cũng không có tiền trang trải cuộc sống.
Cũng chọn công việc mưu sinh nơi hè phố nên cứ đúng 3 giờ chiều, ông Nguyễn Văn Sơn đã có mặt tại điểm bán quen thuộc, đó là vỉa hè Quảng trường Đại Đoàn Kết phía đường Anh Hùng Núp. Chọn cho mình một góc ngồi khiêm tốn, sát bên chiếc đèn trang trí, ông Sơn kê 2 chiếc xô nhựa cũ rồi đặt bên trên mâm bánh bỏng ngô và mâm trái cây gồm ổi, xoài, cóc đã được cắt sẵn bỏ vô bì; dưới chân, ông bỏ thêm vài chai nước lọc loại nhỏ. Ông Sơn sinh ra và lớn lên ở Phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Thời trẻ, ông từng là ngư dân theo các chuyến tàu lênh đênh trên biển đánh bắt dài ngày. Sau này, do sức yếu nên ông thôi làm bạn với sóng nước.
Vì không muốn làm phiền đến cuộc sống của 4 đứa con nên vợ chồng ông cứ lủi thủi nuôi nhau. Ban đầu, ông bà bán hàng rong dọc các con phố ở TP. Quy Nhơn để kiếm sống. Nhưng rồi ngại lời ra, tiếng vào ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của các con nên 7 năm trước, ông bà quyết định rời quê lên TP. Pleiku thuê nhà, mưu sinh bằng nghề bán trái cây. "Buổi sáng, tuyến đường này vắng khách, lại nắng nên vợ chồng tôi bán ở phía đường Cách Mạng Tháng Tám, chiều mới chuyển lên đây. Bánh bỏng ngô tôi lấy lại của người ta để bán, còn trái cây thì bà nhà tôi tự đi mua rồi về rửa sạch, gọt vỏ, cắt từng lát bỏ vô bì kèm theo muối ớt... Hôm nào may mắn, bán được hết số bánh và trái cây cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, còn hôm nào mưa gió bán không hết hoặc nắng quá, trái cây bị hư thì lỗ vốn"-ông Sơn tâm sự.
Cuộc mưu sinh khó khăn nên hôm nào bán được nhiều ông bà cũng chẳng dám thưởng cho mình một bữa ăn ngon, bởi còn phải tiết kiệm để cuối tháng trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước...  "Giờ tôi không mong gì, chỉ mong trời thương cho sức khỏe để có thể chống chọi với gió bụi, nắng mưa, không đau ốm bệnh tật và không phải phiền đến cuộc sống của các con"-người đàn ông 72 tuổi bày tỏ.
Gồng mình mưu sinh
Mỗi người một hoàn cảnh sống nhưng có lẽ ông Sơn, bà Tư vẫn còn may mắn vì dẫu phải tha phương để mưu sinh nhưng họ vẫn còn có con cái để cậy nhờ. Còn với vợ chồng ông Mai Ngãi-bà Lê Thị Lạc bán bánh giầy, kẹo kéo ở vỉa hè ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Thái Học (TP. Pleiku), chẳng những không nhờ vả được con cái khi tuổi xế chiều mà họ còn phải gánh gồng nuôi đứa cháu nội 8 tuổi.
 Bà Lê Thị Lạc (bìa phải) chỉ mong có sức khỏe để kiếm tiền nuôi cháu nội. Ảnh: P.D
Bà Lê Thị Lạc (bìa phải) chỉ mong có sức khỏe để kiếm tiền nuôi cháu nội. Ảnh: P.D
Tranh thủ lúc vắng khách, bà Lạc kể: "Vợ chồng tôi chỉ có 1 đứa con trai nhưng hôn nhân của nó không hạnh phúc. Sau khi ly hôn, nó bỏ đi biền biệt, con dâu thì lập gia đình mới, đứa cháu nội giao lại cho vợ chồng tôi nuôi dưỡng. Vợ chồng già mưu sinh đã khổ giờ còn phải nuôi thêm 1 đứa trẻ nên dù đau ốm vợ chồng tôi vẫn phải thức khuya, dậy sớm làm bánh đem đi bán; ngày nắng thì tôi che dù, ngày mưa mặc thêm áo mưa ngồi bán, chứ nghỉ rồi 3 miệng ăn biết trông vào đâu". Mỗi ngày, vợ chồng bà Lạc chỉ làm khoảng 3 kg bánh giầy nhân dừa và vài chục bì kẹo kéo nhưng do tuổi già, tay chân chậm chạp nên hôm nào ông bà cũng phải thức dậy từ 3 giờ sáng. Sau khi làm xong bánh, ông ngồi bán ở vỉa hè, còn bà mang bánh đi bán dạo dọc các tuyến phố; đến trưa, bà về bán thay cho ông, còn ông về nhà xay bột, rang bột, làm nhân kẹo... chuẩn bị cho mẻ bánh kẹo ngày hôm sau. "Vợ chồng tôi bán ở đây 11 năm rồi, cũng được tính là có "thương hiệu" nên nhiều người hay ghé mua về. Cũng có người thấy ông bà già đội nắng, đội mưa ngồi bán tội quá nên thường xuyên ghé vào mua ủng hộ”-bà Lạc vui vẻ.
Hiểu rõ hè phố là nơi dành cho người đi bộ chứ không phải để tập trung bán buôn nên dụng cụ, đồ đạc mưu sinh của các cụ cũng đơn giản, gọn nhẹ nhất có thể. Có khi chỉ là vài chiếc khay đựng bánh, đựng trái cây được kê trên chiếc ghế nhựa, xô nhựa... Một lý do khác khiến các cụ không dám để đồ đạc lỉnh kỉnh là vì sợ khi gặp lực lượng trật tự đô thị sẽ không kịp dọn. "Ngồi bán ở đây tôi cũng lo lắm, vừa bán, vừa phải canh mấy chú trật tự đô thị để còn gom đồ chạy cho kịp, nếu không là bị thu hết đồ đạc. Tôi cũng biết không được bán trên vỉa hè, làm ảnh hưởng đến trật tự mỹ quan thành phố nhưng cuộc sống khó khăn quá, già cả không biết làm gì khác nên chỉ hy vọng kiếm ít tiền mưu sinh qua ngày"-ông Sơn trần tình. Riêng với vợ chồng bà Lạc, nhiều năm gắn bó với vỉa hè, lại ngồi ngay phía trước cửa hàng thời trang nên ông bà luôn chú ý đến việc giữ gìn trật tự cũng như dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi bán. "Tôi không dám mong có chỗ bán tử tế, che mưa che nắng, chỉ mong có sức khỏe, được ngồi đây bán thêm vài năm để tích góp chút tiền, mai mốt có già yếu vẫn có tiền nuôi cháu nội ăn học"-bà Lạc trải lòng.
...Mặc dù phía trước còn nhiều chông chênh và lắm nỗi lo toan nhưng ở những người già mà tôi gặp đều không buông xuôi số phận. Họ vẫn đang từng ngày nỗ lực lao động kiếm sống bằng chính sức lực của mình. Đó là điều thật đáng quý giữa cuộc sống xô bồ, giữa lúc nhiều người vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng. 
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.