Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 5: Tôi đi ăn cắp!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ vùng kinh tế mới ở Đồng Ban, Tây Ninh, tôi về đến Sài Gòn lúc trời đã nhá nhem tối và đi như chạy thẳng đến động chích trong cơn vã thuốc.
Chích ma túy ngay bên thùng rác - Ảnh: TỰ TRUNG
Chích ma túy ngay bên thùng rác - Ảnh: TỰ TRUNG
Lấy thuốc phiện "trị" thuốc phiện
Mấy thằng bạn "ken" đang như thây ma lờ đờ ngồi chờ "độp" chích ma túy.
Thấy tôi lảo đảo bước vào động, tụi nó ồ lên:
- Mày từ kinh tế mới về hả? Sao tiều tụy bệnh hoạn vậy? Tụi bây ưu tiên cho nó "độp" trước đi.
Tôi lẩy bẩy, thèm thuồng bắt ven tay, miệng thều thào nói gã chủ động cho "độp" một "xê rưỡi" (15ml).
Mồ hôi tôi tươm ra thành từng giọt nhỏ xuống nền nhà. Tôi căng người ra đón mũi chích "hàng đen" (thuốc phiện nấu) sau mấy ngày vã thuốc và rúc vào một góc ngồi lờ đờ hưởng thụ.
Cơn phê rần rần trong người dịu xuống, tôi đốt điếu thuốc và líu lo chuyện trò với đám bạn "ken". Tôi kể mình vã quá, tự chích "tả bô" (cặn bã ma túy dơ bẩn) ngâm rượu và tưởng tiêu mạng rồi.
- Mày "độp" hàng dơ liều vậy, không bị "đi Đà Lạt" (chết) là có ông bà độ đó - một thằng bạn nói.
- "Độp" điên khùng, bậy bạ quá. May là chưa bị thổ tả, nếu không "moky" (chết) là chắc - gã chủ động lên giọng.
Hết vã, tôi tươi tỉnh trở về nhà ở Sài Gòn. Lúc này là đêm rồi, thấy tôi bước vào, ba và các anh chị bất ngờ la lên mừng rỡ. Cũng hai tháng xa nhau rồi, ba và anh chị còn ở lại Sài Gòn chỉ biết được tin nhà trên vùng kinh tế mới qua vài lần thư tay!
Ngày hôm sau, nhà tôi nhộn nhịp hẳn lên, gom góp các thứ gì ăn được để tiếp ứng cho người dưới quê. Chỉ có túi gạo vỏn vẹn 5kg là lớn, còn lại các túi nilông nhỏ túm chút cá khô, mắm, muối, bột ngọt. Anh chị cũng cho tôi vài đồng tiêu vặt.
Hôm nay đã sang thứ hai, ngày mai tôi phải về kinh tế mới. Nhưng các lo toan của tôi không gì khác ngoài việc thủ xì ke mang theo. 
Mấy đồng được cho không đáng là bao, vì ngày nào ở Sài Gòn tôi cũng "độp" hai mũi sáng chiều. Gã chủ động lại "thông cảm", thẩy cho tôi một mớ "tả bô", đầu gòn và bán giá vốn một cục "5 hàng cái" (sái thuốc phiện) để tôi chích dần ở dưới quê.
Về đến Đồng Ban, Tây Ninh trời đã nhá nhem tối, tôi xuống xe đò, đi bộ về nhà gần 5 cây số. Đường mới ủi ngổn ngang cây rừng. Tôi lấy một khúc cây làm đòn gánh hai túi lương thực dưới ánh sáng mờ mờ của trăng non trên rừng hoang.
Tôi dừng chân nghỉ mệt, nhưng không thấy vã nhờ "dư âm" mũi chích hồi sáng được chủ động "độp ca đô" (tặng) thêm một mũi đúp. Để chắc ăn với khoảng đường còn lại, tôi lấy thêm hai cái đầu gòn dính cặn bã thuốc phiện ngậm ở lưỡi.
Tôi về đến nhà, mọi người đã ngủ. Nghe tiếng tôi gọi, mẹ và mấy em ào dậy, ôm lấy tôi mà vui mừng như tết. Đưa hai túi lương thực cho mẹ, tôi lấy gói "đồ nghề ken" xuống bếp nhóm lửa, lặp lại cữ chích choác. 
"Độp" xong, tôi ngồi nhìn lên bàn giữa nhà đang bày quà bánh được tiếp tế từ Sài Gòn. Mấy em tôi mừng hớn hở, xin cái bánh này bánh nọ rồi ăn cẩn thận sợ rớt uổng.
Vui vẻ được hơn chục ngày, tôi lại vật vã vì thiếu xì ke không đủ sức khỏe lao động nhưng phải nói dối bị cảm sốt. 
Tôi xót xa khi chú Bảy gói mấy viên thuốc cảm đem qua nhà đưa tôi uống. Ân tình nơi hoang khai lấy gì mà đong đếm. Nhưng rồi đầu óc tôi lại vật vã, mờ mịt đi, chỉ còn mỗi động chích chập chờn trong đầu.
Lấy hết "tả bô" cuối cùng còn lại bỏ vào chén, tôi ngâm cho ra cặn bã thuốc để uống. Từ giã mẹ và các em, tôi về thành phố để không bị vã thuốc giữa đường.
Dứt bỏ được ma túy, ông Xuân đã trở thành người chồng, người cha có trách nhiệm - Ảnh: GIA TIẾN
Dứt bỏ được ma túy, ông Xuân đã trở thành người chồng, người cha có trách nhiệm - Ảnh: GIA TIẾN
Ăn cắp bao gạo của người nghèo
Chưa được chục ngày mà lại về Sài Gòn, tôi không dám vào nhà mà ngồi thẫn thờ bên lề đường. 
Cơn đói ập đến cồn cào lại thêm cơn vã thuốc bắt đầu, mồ hôi tôi tươm ra ướt cả tóc, miệng ngáp liên hồi, nước mắt nước mũi chảy ra, tay chân run lật bật, cơ thể rã rời... Đầu óc mụ mị đi, tôi lê bước về hướng bến xe Văn Thánh mong tìm được cái gì đó qua cơn khốn nạn này.
Hồi đó, bến xe này chuyên chở khách từ thành phố về các tỉnh, lúc nào cũng tấp nập người, xe, hàng hóa. Không ai quan tâm đến ai, chỉ lo việc của mình trong khung cảnh ồn ào, lộn xộn.
Tôi đứng nhìn tình hình trong lúc người lên cơn vã xì ke càng lúc càng tăng, đầu óc chỉ còn nghĩ làm sao có tiền để "độp". Tự dưng đầu óc tôi lóe lên suy nghĩ trà trộn vào các xe đò đang lên xuống hàng hóa để "chộp" nhanh món gì đó mà chạy đi bán kiếm tiền mua ma túy.
Với sự liều lĩnh bất ngờ, tôi đã khiêng một bao cát đựng gạo chừng 10kg của người phụ nữ đang bận rộn với mấy quầy chuối và hai con gà bị sút dây cột chân bỏ chạy. Trong lúc chị ta lo chạy đuổi bắt gà, tôi đã khiêng bao gạo của chị và vội vàng nhập vào dòng người đông đúc, bận rộn ở bến xe.
Ngoắc chiếc xe đạp ôm, tôi đi bán túi gạo vừa lấy cắp và được số tiền mấy chục đồng. Trời ơi, tiền nhiều quá đối với một thằng nghiện như tôi trong lúc trong người không có một xu.
Tôi vội vàng chạy về động chích để rồi lại "độp", lại phê như những lần trước. Mọi người trong động "ken" ngạc nhiên sao mới ít ngày tôi lại quay về mà còn có tiền để chích choác.
Với mấy chục đồng có được từ bao gạo ăn cắp, tôi mua bột ngọt, mì ký và bánh trái để mang về cho mẹ và các em ở kinh tế mới. Gửi mẹ giữ giùm 10 đồng, số tiền còn lại tôi mua hết "hàng đen" để thủ ở làng kinh tế mới.
Hết vã thuốc, tôi trở lại cuộc sống bình thường. Tôi làm chuồng gà, trồng giàn mướp, lên giồng khoai lang... 
Tuy nhiên, trong đầu tôi lúc nào cũng lo nghĩ hết hàng dù mới thủ "hai cục hàng mười" (10 gam sái thuốc phiện), có đêm tôi ngủ mơ bị hết hàng, lại lấy "tả bô" ôi thiu nấu chích bị "đi Đà Lạt" trong tiếng khóc nức nở của mẹ và các em. 
Giật mình tỉnh dậy, người tôi ướt đẫm mồ hôi và bần thần lo sợ cho ngày sau. Tự dưng nước mắt tôi thành giọt chảy rớt chiếu. Sự hối hận muộn màng một kẻ nghiện ngập ma túy.
Dù cục "hàng cái" lớn đến đâu rồi cũng hết sau mỗi ngày hai cữ "độp". Nghiện ma túy không như ghiền rượu đủ ly thì lăn ra ngủ, ngày mai đô cũng mấy ly đó. 
Còn thuốc ma túy lại không, nó tăng đô nhanh chóng, đô cũ "độp" hoài mất châm (đã) và mau vã. Ác ôn hơn, khi có cục "hàng" thủ trong người thì cứ thấy vã hoài nên phải "độp" liên tục. 
Đến lúc hết "hàng" lại như người bệnh liệt giường, như cọng bún ôi thiu. Và tôi lại vật vã về Sài Gòn, lại về tìm ma túy, ngày càng ngập ngụa trong vũng bùn địa ngục tăm tối.
Cuối năm 1976, sau nhiều lần cảnh nghiện ngập của tôi diễn đi diễn lại, mẹ tôi không còn nước mắt để khóc, các em thì đã biết anh mình là kẻ ghiền xì ke tệ hại. 
May là tôi còn giấu được chuyện lấy cắp gạo ở bến xe với mọi người trong nhà. Chính bản thân tôi cũng không biết được mình là ai, có còn phải là con người nữa không!
Sau một lần trở lại Sài Gòn thỏa mãn cơn nghiện ngập, tôi đã không xuống lại vùng kinh tế mới từ cuối năm 1976 với mẹ và các em. Tôi đã không vượt qua được sự ích kỷ, nghiện ngập của riêng mình. Tôi đã táng tận lương tâm để mẹ già và các em tự xoay xở cuộc sống khốn khó ở núi rừng.
Sau những cơn phê, tôi lại gục đầu tự khóc với lương tâm mình. Đừng mong đợi gì với thằng nghiện xì ke!
Tôi lại khóc và nói thật với mẹ khi hết ma túy không thể làm việc được, rồi lối xóm biết tôi nghiện ngập sẽ dè dặt với nhà mình, mẹ và các em phải gánh chịu. Nghe tôi nói, mẹ khóc và khuyên can tôi rời xa ma túy để lo toan cuộc sống nơi xa lạ, khổ cực này. Nhưng lời khuyên với thằng nghiện như nước đổ lá môn!
-------------------
Về lại Sài Gòn, tôi quyết đấu với đám giang hồ ở bến xe để tìm đất sống và thỏa mãn xì ke. Cái đai đen Thái cực đạo cho tôi chút số má...
Kỳ tới: Trận đấu ở bến xe
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.