Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 12: Tôi đã 'đốt' tổ ấm của mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một đêm mùa hè năm 1991, tôi và mấy thằng bạn 'ma ken' như mọi ngày chích choác xong cữ chiều, kéo về ngủ vỉa hè Cách Mạng Tháng Tám gần rạp Nam Quang. Nửa đêm tôi bị đánh thức, nhìn thấy công an, dân phòng đứng trước mặt.
Lao động là cách để quên đi cảm giác thèm ma túy. Ảnh: TỰ TRUNG
Lao động là cách để quên đi cảm giác thèm ma túy. Ảnh: TỰ TRUNG
Đám "ma ken" đành ngồi bó gối im lặng. Một chiếc xe buýt chạy đến, dồn tất cả lên xe về điểm tập trung rất đông dân nghiện.
Vun vén tổ ấm mới
Hơn giờ đồng hồ sau, xuất hiện một đoàn xe đò đến và tất cả lại được dồn lên từng chiếc chạy hướng ra ngoài thành phố trong đêm. Trời rạng sáng, tôi nhìn qua ô cửa xe thấy những lô cao su ngút ngàn nối tiếp nhau.
Nơi tôi và đám "ma ken" được chuyển đến là khu định cư của Nông trường Tân Hiệp thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM ở xã Đồng Nơ, huyện Bình Long, Sông Bé (Bình Phước bây giờ). 
Chúng tôi được phân nam độc thân về đội nam, nữ độc thân về đội nữ. Những gia đình sống lang thang vỉa hè được đưa về đây thì vào khu hộ gia đình chờ ngày được cấp nhà đất để định cư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tôi và ba thằng bạn "ma ken" vào đội nam, thành phần lang thang không nhà cửa là hầu hết, còn nghiện xì ke chỉ có mấy thằng tôi. Do đó bọn tôi phải cố gắng chịu đựng cơn vã ma túy, cai gồng (không dùng thuốc điều trị) để che giấu thân phận nghiện ngập xì ke.
Thời gian chờ định cư, mọi người ở trong đội hình của khu quản lý, ra vào cổng phải có nhân viên phụ trách đi cùng. Hằng ngày chúng tôi phát quang làm cỏ, trồng rau xanh... 
Trong quá trình lao động, nam nữ quen biết nhau, có nguyện vọng lập gia đình (ra hộ gia đình) thì làm đơn trình lên lãnh đạo nông trường xét duyệt.
Hồi còn ở thanh niên xung phong, tôi được học chuyên môn kế hoạch sản xuất nông nghiệp, có căn bản trong việc khai hoang trồng mới, thiết kế lô trồng, quản lý và chăm sóc vườn cây. Tại khu định cư Tân Hiệp này chủ yếu trồng cao su và cây điều diện tích khoảng vài trăm mẫu đất.
Nông trường không đủ người đảm trách những việc này, phải dò tìm trong tập thể người chờ định cư có khả năng phù hợp. 
Tôi và một người khác trong đội nam được chọn sau những bước kiểm tra chuyên môn. Hai thằng được nhận về Ban kế hoạch nông trường, mỗi ngày được phép xuất cổng đi làm, hết giờ về lại đội ăn ngủ.
Tôi được giao công việc khảo sát, phân loại rừng, đo đạc diện tích, tham mưu phương án thực hiện, kiểm tra kết quả và chất lượng của các đội đã làm được mỗi ngày. 
Lúc này tôi ở đây đã hơn một năm, tham gia hầu hết công việc sản xuất của nông trường, khẳng định được năng lực chuyên môn. 
Ban kế hoạch đề xuất lên lãnh đạo nông trường duyệt xét cho tôi được là nhân viên của ban và đã được chấp thuận. Từ đây, tôi được ký hợp đồng lao động, lãnh lương hằng tháng.
Để các đội viên yên tâm cuộc sống, nông trường có chế độ định cư: phải là hộ gia đình gồm có cha mẹ và các con sẽ được nhận một căn nhà, một mẫu (ha) đất thổ cư và giống cây trồng (cây điều, cây khoai mì). 
Lương thực được cấp phát 12 tháng đầu định cư cùng dụng cụ sản xuất như cuốc, rựa, liềm, cưa và các loại đồ đạc phục vụ đời sống.
Bản thân tôi lúc này đã mệt mỏi, chán ngán tháng ngày nghiện ngập lang thang bụi đời và mong muốn thay đổi cuộc đời. 
Thời gian ở đội nam, tôi quen một cô không chồng nhưng có một con gái 8 tuổi, dần dần chúng tôi có tình cảm mến thương với nhau. Cả hai đồng ý kết hợp xây dựng tổ ấm rồi đăng ký lên nông trường ghép thành hộ gia đình. 
Hoạch định tổ ấm của chúng tôi đã được chấp thuận, chờ ngày nhận nhà, cấp đất để cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình...
Rồi ngày nhận nhà đã đến với mọi người trong sự hồ hởi, vui vẻ. Hộ của tôi cũng như các hộ khác được nhận một căn nhà cấp 4 xây gạch, lợp tôn ximăng bé xinh nằm giữa một mẫu đất thổ cư được cấp.
Tôi háo hức bắt tay hoàn thiện tổ ấm của mình và làm thêm mái tranh sau nhà để tăng diện tích sử dụng. Tôi cũng cẩn thận cắm ranh đất với nhà kế bên để dễ dàng trong việc xử lý đất sản xuất. 
Thời gian làm việc ở Ban kế hoạch nông trường, tôi đã quen biết các đội xe máy ủi, xe máy cày bừa. Họ đã ủng hộ công đoạn ủi dọn đất và cày bừa cho tôi, nhờ thế tôi làm đơn mượn thêm đất để tăng diện tích sản xuất lên thành hai mẫu nối liền nhau sau nhà.
Bước vào giai đoạn thiết kế lô trồng, tôi chọn trồng cây cao su và đã có vườn cây cao su 900 gốc cùng 1ha trồng cây mì giống của Nhật xen canh. 
Chung quanh nhà, tôi còn trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày. Lúc này tôi càng thêm phấn khởi khi nông trường thành lập đội vườn ươm cây giống, tôi đã được chọn vào ban chỉ huy đội làm đội phó phụ trách kỹ thuật.
Ông Xuân (bìa phải) dẫn đội đi lao động. Ảnh tư liệu
Ông Xuân (bìa phải) dẫn đội đi lao động. Ảnh tư liệu
Rồi tự tay phá nát
Do công việc, tôi phải đi lại các nơi của khu định cư nông trường, từ đó nhiều người biết đến tôi. Mối quan hệ gần gũi vì cùng hoàn cảnh với nhau khi đến đây rồi cùng gầy dựng cuộc sống nơi xa lạ. 
Khu định cư có vài "ma ken" biết tôi cũng là dân ken trước đây, nên gặp tôi trên đường hay chuyện trò thăm hỏi. Lo sợ chuyện cũ lại đến, tôi né tránh, không dám gần gũi...
Một ngày tôi đi kiểm tra vườn cây của các hộ định cư ở K3. Đến hộ của thằng bạn, sau khi làm xong việc chúng tôi ngồi chuyện trò với nhau thì có hai thằng bước vào nhà. Cùng Năm Đạm (chủ nhà), họ to nhỏ với nhau rồi một thằng lên tiếng:
- Không sao đâu, nó cũng là phe ta nhưng không biết còn chơi không? Tụi mày cứ niêu nấu như mọi khi, đến cữ thì "độp".
Nghe qua, tôi biết ba thằng nó cùng nhau chích xì ke. Tôi cố gắng giữ mình, liền đứng dậy để ra về. Thấy thế, Năm Đạm giữ tôi lại, rồi nói:
- Mày làm gì ghê vậy, có xa lạ gì nhau. Lâu rồi mới gặp, đừng để bạn bè mất vui.
Tôi lọt vào tình thế ra về không xong, còn ở lại thì sợ không giữ được mình. Giữa nơi rừng rú cách xa phố thị này, dân "ken" có "hàng" mà chích choác là cả vấn đề. Đã thế, họ còn mời gọi sử dụng là chuyện hiếm hoi.
Trong người tôi sống lại cảm giác của ma túy khi nhìn bọn nó nấu "hàng đen" rồi rút vào ống chích. Sau những lời trách móc, khích bác của thằng bạn "ken", tôi đã nhắm mắt nhập vào cuộc chơi tệ hại đó. Tôi một lần nữa lại rớt xuống địa ngục, chích lại ma túy sau gần hai năm từ bỏ.
Sau lần gặp gỡ và mũi "độp" lại đó, tôi và ba thằng nó gặp nhau thường xuyên hơn. Lúc này lộ ra thêm mấy tên dân ken khác ở K2. Giữa nơi xây dựng lại đời mình mai sau, tôi và bọn nó bất chấp tất cả để thỏa mãn ma túy.
Ngập chìm lại trong ma túy, tôi sa sút mọi mặt, không còn đảm đương tốt công việc của đội vườn ươm, bê trễ nhiệm vụ ở ban kế hoạch. Còn việc nhà, tôi cũng không chăm lo vườn cây cao su, rẫy mì...
Cuối cùng, không còn cách giải quyết khả dĩ nào hơn, tôi phải làm đơn xin nghỉ việc. Chuyện tái nghiện ma túy của tôi nông trường đã nắm rõ, do đó chấp thuận cho tôi nghỉ ngay. 
Chuyện tổ ấm, tôi cũng không còn trụ cột được nữa. Sau một thời gian cầm cự và níu kéo không tốt hơn được, tôi và cô ấy đã phải chia tay.
Trong dằn vặt, hối hận mà không thoát ra được nghiện ngập, tôi một mình trở lại con đường sáng vã chiều phê, để mẹ con cô ấy tìm được tương lai tốt đẹp hơn. Điều mà thằng nghiện như tôi không bao giờ làm được cho mẹ con cô ta.
Năm 1993 tôi một mình rời bỏ khu định cư Tân Hiệp, bỏ lại ước mơ tốt đẹp sau lưng để quay về bến nghiện địa ngục!
Đừng "chiều" lời rủ rê của bạn
"Cũng như nhiều kẻ nghiện khác, tự tay tôi đã phá nát tổ ấm đầu tiên của mình. Nếu được lời khuyên, tôi muốn nói hãy tránh thật xa ma túy, đừng bao giờ thử, đừng bao giờ "chiều" lời mời mọc, rủ rê của bạn bè dù chỉ một lần", ông Xuân tâm sự.
Ông nói những người mới hút hít ma túy lần đầu cứ nghĩ mình sẽ không có lần thứ hai và mình sẽ không bị nghiện. Nhưng thực tế không phải vậy. Người sử dụng ma túy lần thứ nhất rất dễ dính lần thứ hai, thứ ba và dần dần dìm sâu đời mình xuống địa ngục...
Q.VIỆT
------------------
Một lần về thắp nhang cho mẹ, tôi đã bàng hoàng nghe những lời trăng trối đau thương của ba. Chẳng lẽ tôi cứ mãi là đứa con bất hiếu, bất nhân?
Kỳ tới: Những lời trăng trối đau thương của ba
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.