Tủ bánh mì 0 đồng: Ấm lòng học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 1 tháng nay, những chiếc bánh mì, bánh bao thơm ngon tại “Tủ bánh mì 0 đồng” đã giúp các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) ấm lòng giữa những ngày đông giá lạnh.
Chúng tôi có mặt tại điểm trường làng Bi Giông khi thầy Vũ Văn Tùng-người sáng lập “Tủ bánh mì 0 đồng” đang phát những chiếc bánh nóng hổi cho học sinh. Đã gần 1 tháng nay, định kỳ 3 buổi/tuần, thầy thức dậy từ mờ sáng đi lấy bánh mì, bánh bao chở đến trường để kịp phát cho học sinh ăn trước giờ học. Tiết trời buổi sáng giá lạnh nhưng khuôn mặt thầy ướt đẫm mồ hôi vì làm việc gấp gáp, không có thời gian để nghỉ. Học sinh đến trường ngày một đông, em nào cũng muốn nhận phần bánh sớm để ăn cho ấm bụng. Hình ảnh những khuôn mặt háo hức khi nhận bánh của các em làm thầy cảm thấy ấm lòng, cố gắng hết sức để duy trì tủ bánh, mang lại niềm vui cho các em mỗi ngày đến trường.
Vừa ăn bánh bao, em Đinh Tuyền vừa trò chuyện cùng chúng tôi: Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng khác nên Tuyền ở với chị gái. Cuộc sống gia đình khó khăn nên nhiều hôm em phải nhịn đói đi học. Ngồi học mà bụng cứ sôi ùng ục vì đói khiến em chẳng thể tập trung vào bài giảng. Gần 1 tháng nay, từ khi “Tủ bánh mì 0 đồng” mở cửa vào thứ hai, tư, sáu hàng tuần, Tuyền cùng nhiều bạn khác được thầy cô tặng khi thì bánh mì, lúc bánh bao kèm nhân sữa, xúc xích… em không còn đói nữa. Nụ cười xuất hiện trên môi em nhiều hơn, em đi học chuyên cần hơn. “Em rất thích ăn bánh mì kẹp xúc xích mà thầy cô cho. Nó rất thơm ngon. Em thường đi học sớm để ăn bánh mì còn nóng giòn. Em cũng thích được phụ thầy phát bánh cho các bạn”-Tuyền bộc bạch.
Thầy Vũ Văn Tùng phát bánh cho các em học sinh. Ảnh: Vũ Chi
Thầy Vũ Văn Tùng phát bánh cho các em học sinh. Ảnh: Vũ Chi
Chia sẻ về ý tưởng “Tủ bánh mì 0 đồng”, thầy Tùng cho biết: Gần 10 năm công tác tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, nhiều lần chứng kiến học sinh trốn lớp về nhà trong giờ giải lao, hỏi ra mới biết buổi sáng các em nhịn đói đi học, giờ ra chơi tranh thủ về nhà kiếm đồ ăn cho đỡ đói rồi sợ vào học muộn nên trốn ở nhà luôn. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch nông sản, bố mẹ các em lên rẫy từ sáng sớm đến tối mới về, nhiều em phải nghỉ học đi theo cha mẹ vì ở nhà không ai lo cơm nước. Ý tưởng “Tủ bánh mì 0 đồng” xuất phát từ đó để giúp đỡ học sinh. Nhưng để hiện thực hóa thì kinh phí duy trì là yếu tố quan trọng nhất. Sau khi kêu gọi một tiệm bánh mì hỗ trợ 60 ổ/tuần, thầy Tùng quyết định triển khai tại điểm trường làng Bi Giông. Từ hiệu quả mang lại, nhiều người tự nguyện ủng hộ kinh phí. Nhờ vậy, gần 200 học sinh học buổi sáng của trường đều được ăn bánh mì vào các ngày thứ hai, tư, sáu. Riêng thứ năm, thầy phát thêm cho các em điểm trường làng Bi Gia.
Nhà thầy Tùng cách trường gần 40 km. Những hôm phát bánh, thầy phải dậy từ 4 giờ 30 phút để ghé tiệm lấy bánh rồi chở vào trường, xếp bánh vào tủ và phát cho học sinh. Khâu chuẩn bị phải xong trước 6 giờ 40 phút để các em kịp vào giờ học. Trường gồm 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Tại điểm trường làng Bi Gia, thầy Tùng nhờ giáo viên chủ nhiệm phát cho các em.
Các em học sinh vui vẻ ăn bánh trước khi vào học. Ảnh: Vũ Chi
Các em học sinh vui vẻ ăn bánh trước khi vào học. Ảnh: Vũ Chi
Khi tủ bánh được triển khai, người dân có con nhỏ trong làng cũng ghé tới điểm trường xin bánh về cho các cháu. Vì vậy, số lượng bánh theo đó cũng tăng lên, trung bình là 200 ổ/buổi. Một kỷ niệm xúc động khiến thầy Tùng không thể nào quên là lần ghé qua lớp 3/1 (điểm trường làng Bi Gia) hỏi thăm học sinh ăn bánh mì có no không, ngon không thì các em đều đồng thanh: “Có ạ!”. Khi thầy hỏi vui: “Có em nào giấu bánh trong cặp mang về không?”, một số em chỉ tay về một bé gái cuối lớp. Khi thầy Tùng tới gần, cô học trò ngại ngùng thưa: “Bố mẹ em đi làm rẫy tối mới về, em xin thêm cô 1 ổ để dành trưa ăn cho đỡ đói ạ”. Cũng vì thương học sinh, thương bà con đời sống nhiều vất vả, thầy Tùng nhờ giáo viên chủ nhiệm các lớp tìm hiểu, thống kê danh sách để thầy liên hệ xin thêm bánh giúp các em đỡ đói lòng khi tiếp thu cái chữ.
Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp-cho hay: Nằm trên địa bàn khó khăn với hơn 98% học sinh là người dân tộc Bahnar nên nhà trường luôn tìm cách giúp đỡ các em. Một số Mạnh Thường Quân đã tích cực ủng hộ nhu yếu phẩm cho bữa ăn hàng ngày của các em học sinh khó khăn. “Tủ bánh mì 0 đồng” không chỉ giúp các em có bữa sáng ấm bụng mà còn góp phần duy trì sĩ số học sinh, nhất là mùa thu hoạch nông sản. Ban Giám hiệu nhà trường cũng như cá nhân thầy Tùng bày tỏ sự  tri ân chân thành và mong các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân tiếp tục đồng hành trong thời gian tới.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

(GLO)- Chiều 11-12, nhóm cựu chiến binh đến từ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku và tổ dân phố 3 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Gào.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.