Trung Quốc sắp mở chiến dịch kiềm chế các ông lớn công nghệ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc kiểm soát trong lĩnh vực internet của nước này sẽ càng ngày khắc nghiệt.

Động thái mạnh mẽ bất thường từ ông Tập Cận Bình cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng một chiến dịch quan trọng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân lớn. ẢNH: BLOOMBERG
Động thái mạnh mẽ bất thường từ ông Tập Cận Bình cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng một chiến dịch quan trọng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân lớn. ẢNH: BLOOMBERG
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15.3 chủ trì cuộc họp của ủy ban điều phối và cố vấn tài chính hàng đầu, ra lệnh cho các cơ quan quản lý tăng cường giám sát những công ty nền tảng internet đã tích lũy dữ liệu và sức mạnh thị trường, trấn áp các công ty độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách mất trật tự. Ngoài ra, các công ty internet đang cần nâng cao bảo mật về dữ liệu và hoạt động tài chính cũng cần phải được giám sát theo quy định, Bloomberg dẫn tin từ đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.
Động thái mạnh mẽ bất thường từ ông Tập Cận Bình và các quan chức cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng một chiến dịch quan trọng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân lớn, có quyền lực trong nước. Trong thời gian qua, nước này mới chỉ tập trung kiểm soát chủ yếu vào Alibaba Group Holding và công ty con Ant Group.
Thuật ngữ kinh tế nền tảng (platform) có thể áp dụng cho rất nhiều công ty di động và internet lớn cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người dùng, từ hãng công nghệ gọi xe Didi Chuxing, nền tảng giao hàng Meituan cho đến các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như JD.com và Pinduoduo.
“Một số công ty nền tảng đang phát triển theo những cách không được tiêu chuẩn hóa và điều đó gây ra rủi ro. Hoàn thiện luật điều chỉnh nền kinh tế nền tảng để kịp thời lấp đầy kẽ hở là việc cần phải được đẩy nhanh”, CCTV trích biên bản cuộc họp.
Báo cáo được đưa ra vài ngày sau khi Bloomberg đưa tin các cơ quan giám sát của chính phủ Trung Quốc đang để ý đến đế chế tài chính trị giá hơn 100 tỉ USD của Tencent Holding, sau khi đã ra lệnh “đại tu” Ant Group. Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, các nhà quản lý tài chính hàng đầu nước này coi Tencent là mục tiêu kế tiếp trong việc tăng cường giám sát. Cũng giống như Ant Group, Tencent có khả năng sẽ nhận được yêu cầu phải thành lập một công ty cổ phần tài chính bao gồm các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và thanh toán. Tencent đã mất hơn 65 tỉ USD giá trị chỉ trong hai ngày, ngay sau khi báo cáo được công bố.
Ant Group và Tencent sẽ là hai cái tên tạo tiền đề cho những người chơi fintech khác về việc tuân thủ những quy định ngày càng khắt khe hơn từ phía Bắc Kinh. Đây cũng là bước đi sẽ đánh dấu đà leo thang đáng kể trong các chiến dịch của Trung Quốc nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của các ông trùm công nghệ trong nước, vốn đã bắt đầu từ năm ngoái bằng việc công bố quy định chống độc quyền mới.
Cũng trong cuộc họp hôm 15.3, ông Tập Cận Bình nói rằng sự phát triển của nền kinh tế nền tảng tại Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng, cần phải tập trung vào dài hạn, củng cố lại những chỗ yếu và tạo ra môi trường đổi mới nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của lĩnh vực này.
Theo Phương Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.