Trồng rau thủy canh hồi lưu: Xu hướng của tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, một số nhà vườn ở TP. Pleiku đang áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Đây là phương pháp trồng rau không cần đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể, giúp đem lại nguồn thực phẩm an toàn và hiệu quả kinh tế cao.


Phương pháp trồng rau hiện đại

 

Năng suất rau trồng theo phương pháp thủy canh cao hơn khoảng 30% so với bình thường.
Năng suất rau trồng theo phương pháp thủy canh cao hơn khoảng 30% so với bình thường. Ảnh: Thảo Nguyên

Là đơn vị ứng dụng phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu đầu tiên trên địa bàn TP. Pleiku, Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên (146 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) chính thức ra mắt sản phẩm rau thủy canh vào tháng 5 vừa qua sau hơn 2 tháng nhận chuyển giao công nghệ từ Mekong Farm (TP. Hồ Chí Minh). Giới thiệu về vườn rau thủy canh hồi lưu, anh Hồ Trọng Nghĩa-phụ trách kinh doanh của Công ty, cho biết: Trồng rau thủy canh hồi lưu là trồng bằng nước và phụ trợ dinh dưỡng sinh học được pha trực tiếp vào bồn chứa với liều lượng thích hợp, sau đó máy sẽ bơm tuần hoàn liên tục để tạo dòng chảy và cung cấp oxy cho cây. Phương pháp này giúp giảm tối đa sức lao động cho người trồng vì không tốn công làm đất, nhổ cỏ, tưới tiêu, bón phân… Đặc biệt, người trồng sẽ quản lý đầu vào nguồn dinh dưỡng qua hệ thống máy đo đếm, đồng thời quản lý hiệu quả các loại sâu bệnh. Vào thời điểm nắng nóng, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đi kèm sẽ hoạt động để cung cấp độ ẩm cho bề mặt, chống héo lá.

Theo phương pháp này, nếu trồng bằng cây con, sau 18-20 ngày sẽ cho thu hoạch, còn gieo hạt giống thì khoảng 30-32 ngày. So với cách thức canh tác hữu cơ, năng suất rau thủy canh ước tính cao hơn khoảng 30%. Không những vậy, rau thủy canh được khách hàng đánh giá là chất lượng ngon hơn. Ưu điểm dễ thấy nữa là mô hình này có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện thời tiết khác nhau; việc thiết kế giàn (giàn thẳng, giàn tầng, giàn chữ A) phù hợp ở nhiều vị trí, địa hình mà không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Anh Quốc Anh (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku)-một khách hàng của Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên, cho hay: “Gia đình tôi thường tự trồng rau ăn trong các thùng xốp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhưng trồng kiểu đó tốn diện tích và công chăm sóc. Khi biết lợi ích của việc trồng rau thủy canh, tôi đã đầu tư một giàn trồng đặt trên sân thượng. Mới một tháng mà rau đã cho thu hoạch, đủ cho cả nhà ăn, tỷ lệ cây con phát triển đến khi thu hái gần như đạt 100%. Không những vậy, không gian của sân thượng lại tràn ngập một màu xanh mát mắt”.

Xu hướng của tương lai


 

Cửa hàng rau thủy canh lúc nào cũng tấp nập khách mua. Ảnh: Thảo Nguyên
Cửa hàng rau thủy canh lúc nào cũng tấp nập khách mua. Ảnh: Thảo Nguyên

Anh Nghĩa cho biết, hàng ngày, tiếp xúc với khách hàng, anh phải thường xuyên trả lời các câu hỏi lo ngại về phương pháp thủy canh như trồng sao không cần đất, chỉ có nước làm sao cây sinh trưởng và phát triển được, phải chăng là có thuốc kích thích tăng trưởng… “Với những điều mới mẻ, muốn thay đổi tư duy cũ không dễ chút nào. Sau khi nhận chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh hồi lưu, mất một thời gian dài tìm kiếm khách hàng, tôi nhận ra, nếu muốn khách hiểu thì trước hết họ phải được sử dụng và đánh giá sản phẩm làm ra từ hệ thống này. Do đó, tôi bắt tay gầy dựng một khu vườn và thực hiện công việc của một người bán rau sạch. Thế rồi, khách đến điểm bán để mua rau thủy canh ngày càng đông, tham quan và nghiên cứu phương pháp trồng thủy canh ngày càng nhiều. Cùng với đó, hiệu quả mang lại từ những giàn Công ty lắp đặt thử nghiệm cho một số gia đình đã giúp khách hàng có cái nhìn rõ hơn và hoàn toàn yên tâm về mô hình này”-anh Nghĩa chia sẻ.

Đặc điểm nổi bật của phương pháp trồng rau thủy canh là có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Trồng thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học gây hại cho môi trường nên sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng và tươi ngon.

 Để có một vườn rau đúng như tiêu chuẩn của Mekong Farm, Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên đã đầu tư ban đầu hơn 700 triệu đồng nhập ống, thiết bị, dung dịch dinh dưỡng và giống từ Thái Lan. Ngoài nhà kính làm khu ươm giống, Công ty dành phần lớn diện tích làm vườn mẫu để cung cấp rau thành phẩm cũng như cây con cho khách hàng. Theo ước tính của anh Nghĩa, nếu trồng kín giàn, sản lượng rau thu hoạch có thể đạt khoảng hơn 1 tấn/tháng, với giá bán 40-50 ngàn đồng/kg thì riêng việc bán rau đã cho thu nhập ổn định. Hiện sản phẩm rau trồng thủy canh ở thị trường Gia Lai còn khá mới mẻ, do đó lượng rau thành phẩm của Công ty bán ra chưa được nhiều. Song, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch như rau thủy canh sẽ là lựa chọn của người tiêu dùng trong tương lai không xa.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD. Ảnh: Nguồn internet

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 573 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,34 tỷ USD.

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đệm; qua đó, tạo sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập và bảo vệ tài nguyên rừng tốt hơn.

null