Sau những năm tháng dài nằm lại nơi đất khách, các anh đã trở về với đất mẹ, trong vòng tay yêu thương và niềm biết ơn vô hạn của Tổ quốc.
Lặng lẽ tri ân
Trong cuộc chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, giành lại độc lập, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cùng nhân dân Campuchia kề vai sát cánh, chiến đấu anh dũng và không tiếc máu xương. Máu đào của các liệt sĩ đã thấm vào đất bạn, tô thắm Quốc kỳ vinh quang của Tổ quốc, để lại dấu ấn sâu đậm về tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Sự hy sinh lớn lao ấy mãi mãi được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước khắc ghi, trân trọng và biết ơn sâu sắc.

Đưa các liệt sĩ trở về yên nghỉ trong lòng đất Mẹ Việt Nam là tâm nguyện thiết tha của Đảng, Nhà nước, của gia đình và nhân dân các dân tộc Việt Nam. Từ năm 2001 đến nay, với sứ mệnh thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đã bền bỉ thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia: Ratanakiri, Stung Treng và Preah Vihear. Tính đến nay, đơn vị đã tìm kiếm, cất bốc và hồi hương được 1.512 hài cốt liệt sĩ về đất mẹ. Trong đó, mùa khô 2024-2025, Đội K52 đã quy tập được 23 hài cốt liệt sĩ, cụ thể: 8 hài cốt tại tỉnh Ratanakiri, 9 hài cốt tại tỉnh Stung Treng và 6 hài cốt tại tỉnh Preah Vihear.
Ngày 16-5, 23 hài cốt liệt sĩ đã được Ban Chuyên trách tỉnh đưa về nước trong sự chào đón trang nghiêm và xúc động của cán bộ, nhân dân địa phương. Hài cốt các liệt sĩ được thờ cúng tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Người dân từ khắp nơi đã đến dâng hương, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của những người con đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng. Giữa không gian linh thiêng, ông Ngô Văn Thê (phật tử chùa Từ Quang, huyện Đức Cơ) thành tâm cầu nguyện cho anh linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, an nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ.

Ông Thê bày tỏ: “Sự hy sinh của các liệt sĩ là vô giá, không gì có thể đền đáp được. Vì thế, lễ cầu siêu không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc mà còn là nguồn động viên tinh thần đối với những gia đình có người thân hy sinh đã tìm được hài cốt và cả những người còn đang mong mỏi tin tức. Mong rằng, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công tác giám định ADN sẽ ngày càng hiệu quả, giúp xác định danh tính, trả lại tên tuổi, quê hương cho các liệt sĩ, để họ được trở về với gia đình một cách trọn vẹn và xứng đáng nhất”.
Sáng sớm ngày 23-5, Đội K52 phối hợp với các đơn vị chức năng đã tiến hành di chuyển hài cốt các liệt sĩ từ Nhà tưởng niệm về địa điểm tổ chức lễ truy điệu và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Công tác thay quách, phủ Quốc kỳ và đặt quách vào trong lồng kính được thực hiện chu đáo, trang nghiêm và cẩn trọng. Các nghi lễ được tổ chức theo đúng quy định, thể hiện sự thành kính và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đối với các anh hùng liệt sĩ. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt của nhiều cựu chiến binh và người dân có mặt tại buổi lễ.
Trong niềm xúc động nghẹn ngào, cựu chiến binh Lưu Thị Mạnh (thôn Đoàn Kết, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng có mặt tại lễ truy điệu, an táng hài cốt các liệt sĩ để được thắp một nén nhang tri ân với những người đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Tôi mong sao hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tìm kiếm, quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ, đưa các anh trở về với quê hương”.

Đứng bên cháu nội, đôi mắt cựu chiến binh Lê Công Chuyện (thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) nhòe đi vì xúc động. Là cựu chiến sĩ Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, ông Chuyện có gần 6 năm cùng kề vai sát cánh cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Campuchia. “Hình ảnh những đồng đội ngã xuống luôn khiến tôi nghẹn lại mỗi khi nhắc đến. Có người còn rất trẻ, tuổi chỉ mười tám, đôi mươi. Có người chết vì bom đạn, có người thì chết vì sự khắc nghiệt và thiếu thốn nơi chiến trường. Vì thế, năm nào cũng vậy, tôi đều đến đây để được đón và đưa tiễn đồng đội về nơi an nghỉ. Lòng tôi thấy thanh thản vô cùng”-ông Chuyện nghẹn ngào nói.
Lặng nhìn ông nội, em Lê Công Nhật Nam, học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ia Krêl) bày tỏ: “Cháu được ông kể nhiều về các trận đánh, về sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ. Ông luôn dặn rằng, nhờ sự hy sinh ấy mà ông và đồng đội mới sống, và chúng cháu mới có cuộc sống bình yên. Cháu hứa sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng ông và các thế hệ đi trước”.

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Đức Cơ luôn chủ động triển khai các nhiệm vụ cụ thể, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác tri ân. Anh Lê Trọng Phúc-Bí thư Huyện Đoàn Đức Cơ-cho hay: “Những ngày qua, đoàn viên, thanh niên trong huyện đã tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ; phối hợp chuẩn bị cho lễ truy điệu và an táng diễn ra chu đáo. Tuổi trẻ toàn huyện mãi khắc ghi công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ và nguyện không ngừng rèn luyện, thi đua học tập, lao động sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”.
Khắc ghi công ơn, tiếp bước cha anh
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định đã kính cẩn bước lên Tháp để thỉnh chuông tưởng niệm các liệt sĩ. Ngay sau hồi chuông vang vọng, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả về yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Việt Nam thân yêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Trưởng Ban chuyên trách tỉnh xúc động đọc lời điếu văn, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và tri ân sâu sắc trước anh linh các anh hùng liệt sĩ: Sự hy sinh của các liệt sĩ là tổn thất vô cùng lớn lao, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào cả nước. Tổ quốc mất đi những người con ưu tú-người chiến sĩ dũng cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Bạn bè, đồng chí mất đi những đồng đội thủy chung, kiên cường, bất khuất. Gia đình, thân quyến mất đi những người thân yêu nhất mà không gì có thể bù đắp được.
Các liệt sĩ đã ra đi, nhưng chí khí lẫm liệt của các liệt sĩ luôn được ghi lòng tạc dạ vào con người, non sông đất nước Việt Nam và là tấm gương để chúng tôi mãi mãi noi theo. Từ nay, các liệt sĩ của chúng ta sẽ mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng đi tiếp con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn; nguyện làm hết sức mình cùng cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tiếp tục giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Vĩnh biệt các liệt sĩ, những người con thân yêu của Tổ quốc đã hiến dâng trọn đời mình cho nhiệm vụ quốc tế cao cả. Mong các liệt sĩ hãy yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ Việt Nam thân yêu. Tổ quốc ghi công, sử xanh lưu truyền, nhân dân đời đời nhớ ơn các liệt sĩ".
Đưa các liệt sĩ về nơi yên nghỉ cuối cùng có đại diện lãnh đạo 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia và đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Quân đội Hoàng gia Campuchia). Thay mặt chính quyền 3 tỉnh, ông Yong Kim Hiên-Phó tỉnh trưởng, Trưởng Ban chuyên trách tỉnh Preah Vihear bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ông Yong Kim Hiên xúc động chia sẻ: “Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Họ đã không ngại hy sinh thân mình vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình và công lý. Máu của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống trên đất nước Campuchia để xóa bỏ hành vi tàn bạo và vô nhân đạo mang lại hòa bình và phát triển cho đất nước Campuchia”.
Ông Yong Kim Hiên nhấn mạnh: Buổi lễ hôm nay không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tưởng niệm công ơn của các anh hùng liệt sĩ mà còn thể hiện về tình hữu nghị đoàn kết, gắn bó, thủy chung sâu sắc và yêu thương giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia sẽ mãi trường tồn như lời ông bà ta đã từng nói rằng “Bạn tốt là bạn giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn” và “Uống nước nhớ nguồn”. Hai câu tục ngữ này nhắc nhở tất cả chúng ta hiểu được về giá trị của hòa bình mà ông cha ta đã phải đánh đổi máu xương và tính mạng để có được”.

Lễ an táng hài cốt các liệt sĩ khép lại trong tiếng cồng chiêng trầm hùng, trong những bước chân chậm rãi đầy kính cẩn. 23 người con ưu tú đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả đã trở về với quê hương, với đất mẹ và trở về trong trái tim dân tộc.

