Trở lại Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ký ức Điện Biên vẫn vẹn nguyên, sâu đậm trong người lính Bộ đội Cụ Hồ và người dân Điện Biên, trong cỏ cây, đất đai, trong linh khí đất trời, trong điệu mùa xòe mừng chiến thắng...

 

Điện Biên ngày tôi trở lại ngỡ như vẫn gặp Điện Biên cách đây 67 năm quân và dân ta làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

 

Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. (Ảnh tư liệu)
Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries đánh dấu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. (Ảnh tư liệu)


Có một Điện Biên sắc ngời ngói đỏ

Lần trở lại này, ấn tượng nhất với tôi là sắc thắm của thiên nhiên ở Điện Biên; cánh đồng Mường Thanh - vựa lúa của Điện Biên với hạt gạo dẻo thơm trải dài tít tắp; màu xanh nguyên sơ của “Cánh rừng Đại tướng” ở Mường Phăng với những chiếc lán lợp bằng tranh, dựng bằng tre nứa năm nào còn in dấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cánh rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên những tán cây cổ thụ.

Cô Cà Thị Minh, hướng dẫn viên người dân tộc Thái nói với tôi: “Em rất thích gội đầu bằng hoa bưởi, hương bưởi của cây bưởi Đoan Hùng được trồng ở cửa trước hầm Đại tướng”. Cô gái Thái có mái tóc dài được mẹ chăm chút từ nhỏ như dải suối mềm mại. Hàng khuy bạc như con bướm trắng đính trên ngực áo cô cứ dập dờn theo nhịp đập trái tim rạo rực. Một Điện Biên hồi sinh, một Điện Biên trẻ trung là vậy.

Tôi đứng trên đồi A1 nhìn ra xa. Có một Điện Biên sắc ngời ngói đỏ. Những khu du lịch sinh thái mọc lên và xa kia là tượng đài chiến thắng. Trên quả đồi này năm xưa là chiến trường ác liệt. Các chiến sĩ áo trấn thủ, mũ nan, chân đi dép lốp đã lấy thân mình đo từng thước đất, đo từng khúc chiến hào.

Tôi quỳ xuống bên nấm mộ anh hùng Phan Đình Giót - một người con Hà Tĩnh đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi nhớ như in khuôn mặt chữ điền và nụ cười chất phác trong tấm ảnh chân dung anh chụp trước lúc lên đường vào chiến dịch.

Cũng trong nghĩa trang A1 còn có bao liệt sĩ không tên, chỉ có ngôi sao trên đầu mộ chí. Nhưng họ không vô danh. Họ đã hóa thân vào đất mẹ để làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ký ức của người lính không phai nhạt

Trong Bảo tàng Điện Biên Phủ, đoàn xe đạp thồ rồng rắn ẩn hiện chở hàng, chở gạo “Dốc Pa Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” (Tố Hữu) giờ vẫn còn ngân vọng không chỉ trong bảo tàng lịch sử, mà còn rạo rực trong lòng người dân đất Việt hôm nay. Một khúc “Hò dô ta nào...” trong Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân. Một điệp khúc “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” của Đỗ Nhuận. Tất cả đều như sống lại thật sinh động biết bao.

Vẫn còn đây ngổn ngang chiến hào đồi đất đỏ “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng chí không mòn...” (Tố Hữu) để làm nên chiến thắng...

Vẫn còn hố bộc phá ngàn cân như cái phễu khổng lồ đựng cả trời bom đạn ngày nào.

Tôi cứ nghĩ chỉ có người chiến sĩ công binh Việt Nam quả cảm, thông minh - những người con sinh ra từ một đất nước thuần nông, thuần Việt mới nghĩ ra cách đào chiến hào đánh lấn, đào hầm ngầm đưa khối bọc phá nổ tung đồi A1 làm hiệu lệnh xung phong trận đánh cuối cùng.

Giờ trên quả đồi chiến tích năm xưa nay được người dân trồng rất nhiều nhãn. Cây nhãn bền bỉ với thân gỗ xoắn chắc và chùm rễ khỏe khoắn hút chất màu mỡ hiếm hoi nơi đồi cằn đá sỏi để chắt chiu từng chùm quả ngọt mọng nước. Đầu hạ, mùa ve ran bắt đầu đóng cùi nhãn ngọt lịm...

Tôi đã gặp ở đây nhiều đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Trên ngực áo của họ có sắc thắm của tấm huy hiệu Điện Biên. Những chiếc huy hiệu được họ nâng niu cất giữ như vật kỷ niệm vô giá. Họ tìm lại ký ức Điện Biên năm xưa. Ký ức ấy của người lính không bao giờ phai nhạt, mà càng ngày càng được tô thắm như là một điểm tựa tinh thần, một niềm tin bất diệt.

Trở lại Điện Biên hôm nay là trở lại chính mình, về với mình, với điệu xòe múa sạp, với xôi nếp cẩm đựng trong giỏ mây, với thịt trâu sấy khô gác bếp, và với hoa ban đắm đuối đến thót lòng của miền Tây Bắc. Một Điện Biên ùa vào, len lỏi trong trí nhớ như con suối róc rách, như dáng núi chập chùng...



https://baodanang.vn/channel/5399/202105/ky-niem-67-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2021-tro-lai-dien-bien-3880523/

Theo NGUYỄN NGỌC PHÚ (baodanang)

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.