Triển vọng từ mô hình "Nuôi heo trắng kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, vừa ngăn chặn được các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tạo được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, mô hình “Nuôi heo trắng kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước” tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa đang đem lại những kết quả rất khả quan.

Ia Pa là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh, tính đến đầu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chiếm 34,55% dân số. Đời sống kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 70% dân số toàn huyện.

 

Mô hình vừa cung cấp khí gas, vừa xử lý được mùi hôi thối từ chất thải của heo, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn rau của gia đình anh Ksor Lăi (ở giữa). Ảnh: Q.T
Mô hình vừa cung cấp khí gas, vừa xử lý được mùi hôi thối từ chất thải của heo, vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn rau của gia đình anh Ksor Lăi (ở giữa). Ảnh: Q.T

Những năm trở lại đây, ngoài việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng được ngành chức năng huyện Ia Pa và người dân trên địa bàn chú trọng đầu tư phát triển. Ngoài bò và dê là 2 loại gia súc chiếm số lượng nhiều thì heo cũng được nhiều người dân trên địa bàn đầu tư phát triển khá mạnh. Tính đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có trên 70.000 con. Trong đó, đàn heo có trên 31.000 con.

Hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện, cụ thể như tại địa bàn xã Chư Mố, người dân chủ yếu nuôi heo theo hình thức thả rong, ít chăm sóc, dễ xảy ra dịch bệnh, thời gian sinh trưởng chậm dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp cũng như gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Với mục đích, giúp người dân trên địa bàn huyện nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, làm thay đổi tập quán chăn nuôi heo thả rong truyền thống ít đem lại hiệu quả để tạo ra giá trị cao hơn; tận dụng các chất thải trong chăn nuôi và sinh hoạt để làm nhiên liệu chất đốt, bảo vệ môi trường, sử dụng chất thải của hầm biogas đã được xử lý làm nguồn phân hữu cơ để cải tạo đất... Đầu năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Nuôi heo trắng kết hợp làm hầm biogas và nhà vệ sinh dội nước” tại xã Chư Mố.

 

Anh Ksor Lít-cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cho anh Lăi cách xác định lượng khí gas. Ảnh: Q.T
Anh Ksor Lít-cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cho anh Lăi cách xác định lượng khí gas. Ảnh: Q.T

Theo đó, mô hình được triển khai trên 4 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với quy mô 20 con heo giống, 4 hầm biogas và 4 nhà vệ sinh dội nước. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 155,7 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 82,9 triệu đồng để hỗ trợ 20 con heo giống, 4 hầm biogas và tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình cũng như các hộ dân lân cận; các hộ dân tham gia mô hình đóng góp 72,8 triệu đồng để làm chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y…

Sau 5 tháng thực hiện, mô hình bước đầu cho thấy tín hiệu rất khả quan, được các hộ dân đánh giá rất cao, so với kỹ thuật nuôi heo truyền thống thì heo sinh trưởng và phát triển tốt hơn nên lợi nhuận mang lại cao hơn nhiều. Các hộ dân không những tiết kiệm được tiền mua gas công nghiệp hay công sức, thời gian như khi sử dụng củi để nấu nướng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà còn có điều kiện để phát triển kinh tế vườn nhà, như sử dụng thời gian nhàn rỗi để trồng cây ăn trái, trồng rau màu, tận dụng nguồn phân hữu cơ thải ra từ hầm biogas sau xử lý để bón cho cây trồng… qua đó tăng thu nhập từ bán các sản phẩm nông nghiệp vườn nhà.  

Anh Ksor Lăi, thôn Ama Đă phấn khởi cho biết: “Mô hình hiệu quả lắm, sau khi tham gia mô hình thì gia đình mình không còn phải tốn nhiều thời gian để vào rẫy kiếm củi để nấu ăn như trước đây nữa, lượng gas từ hầm luôn đảm bảo cho việc nấu nướng của gia đình. Đặc biệt, không còn mùi hôi thối từ chất thải của heo như trước đây gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến bà còn xung quanh vì tất cả đã được xử lý qua hầm biogas và nước thải ra từ hầm sau khi được xử lý dùng để bón cho cây trồng rất tốt…”.

 

Ông Rah Lan Vang (bên trái) sử dụng gas để nấu thức ăn cho heo. Ảnh: Q.T
Ông Rah Lan Vang (bên trái) sử dụng gas để nấu thức ăn cho heo. Ảnh: Q.T

Tương tự, ông Rah Lan Vang, thôn Brui 1 chia sẻ: “Mô hình rất tiện, nhất là việc lấy gas từ hầm biogas đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho gia đình mình, chỉ cần bật bếp gas lên là có lửa để dùng rồi, không cần phải cực khổ như trước đây khi sử dụng củi để nấu ăn”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Phú Hòa-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ia Pa cho biết: Mô hình tuy mới lần đầu triển khai trong đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bước đầu đã cho thấy tín hiệu khả quan và được đông đảo bà con hưởng ứng. Mô hình không những giảm chi phí chi tiêu về mua chất đốt, giảm áp lực cho người nội trợ, giúp phát triển kinh tế nông hộ, giảm tình trạng phá rừng lấy củi mà còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.  

Thời gian tới, Trạm sẽ cùng với các địa phương phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để đẩy mạnh nhân rộng mô hình ra khắp các địa phương trên toàn huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, cũng như góp phần hoàn thành vào các tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới-bà Hòa cho biết thêm.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.