Trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh: Hiệu ứng tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo đang được triển khai trên phạm vi cả nước. Tại Gia Lai, công tác này đã cho thấy những hiệu ứng tích cực.

Giờ học tiếng Anh với chủ đề “An toàn giao thông” của lớp Lá 3, Trường Mầm non Hoa Phong Lan (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) rất sôi nổi. Bé Sia vui vẻ nói: “Con rất thích học tiếng Anh qua các trò chơi của cô và những bài hát, phim hoạt hình trên ti vi. Hôm nay, con đã biết thêm nhiều từ mới về đèn tín hiệu giao thông và các hành vi khi tham gia giao thông đường bộ”.

  Giờ học tiếng Anh với chủ đề “An toàn giao thông” tại Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) diễn ra trong không khí đầy sôi nổi. Ảnh: Mộc Trà
Giờ học tiếng Anh với chủ đề “An toàn giao thông” tại Trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP. Pleiku) diễn ra đầy sôi nổi. Ảnh: Mộc Trà


Theo Hiệu trưởng Trần Thị Thoa, từ năm học 2014-2015, nhà trường đã triển khai thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ 5 tuổi. Đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 50, nhà trường tiếp tục bám sát quy định để thực hiện. “Năm học 2022-2023, sau khi khảo sát nhu cầu của phụ huynh, nhà trường đã liên kết với Trung tâm Ngoại ngữ tư duy và tương tác thực dụng Pleiku (The English Bank Pleiku) để tổ chức dạy làm quen với tiếng Anh 2 buổi/tuần cho trẻ 3-5 tuổi. Riêng 21 trẻ dân tộc thiểu số ở điểm lẻ làng Ốp sáp nhập về điểm trường chính trong năm học này được học miễn phí. Hiện có 80% số trẻ trong độ tuổi đăng ký học tiếng Anh”-cô Thoa thông tin.

Tương tự, Trường Mầm non thị trấn Đak Đoa cũng hợp đồng với Trung tâm Anh ngữ Shamrock đứng chân trên địa bàn để triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo. Cô Đỗ Thị Phượng-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Những năm trước, số trẻ đăng ký học tiếng Anh khá ít nên chúng tôi phải ghép lớp và bố trí một phòng học riêng để dạy. Năm nay, nhu cầu cho trẻ làm quen với tiếng Anh của phụ huynh tăng cao với gần 270/462 trẻ. Do vậy, việc học được tổ chức ngay tại từng lớp. Hoạt động này được đưa vào chương trình giáo dục của nhà trường với 2 tiết/lớp/tuần (mỗi tiết 30-35 phút). Ngoài ra, hàng tháng sẽ có thêm 2 hoạt động ngoại khóa tiếng Anh tập trung tại sân trường.

Chị Đoàn Thị Bích (tổ 8, thị trấn Đak Đoa) bày tỏ: “Tôi thấy việc tiếp xúc sớm với tiếng Anh trong trường mầm non rất có ích cho con bởi đây là giai đoạn vàng để phát triển khả năng ngôn ngữ. Dù mới 4 tuổi nhưng sau khi tham gia vào các hoạt động làm quen với tiếng Anh ở trường, con tôi đã nhớ rất nhiều từ vựng. Thêm nữa, khi vừa được học vừa được chơi, nhất là được tương tác cùng giáo viên nước ngoài, bé rất thích thú và tự tin hơn trong giao tiếp”.

  Học sinh Trường Mầm non Sắc Màu (thị xã An Khê) tham gia tiết học làm quen với tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường Mầm non Sắc Màu (thị xã An Khê) tham gia tiết học làm quen với tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà


Chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng được nhiều trường tư thục trong tỉnh chú trọng. Tại Trường Mầm non Sắc Màu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê), hoạt động này được phụ huynh hưởng ứng tích cực bởi tính thiết thực và hiệu quả mang lại. Theo đó, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, nhà trường phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế Việt Mỹ AVIS triển khai chương trình cho tất cả các lớp mẫu giáo 3-5 tuổi với 3 tiết/tuần; trong đó, giáo viên người Việt đảm nhận 2 tiết và 1 tiết do giáo viên nước ngoài giảng dạy. Riêng năm học 2022-2023, lớp 5-6 tuổi có 2 tiết do giáo viên nước ngoài phụ trách, giáo viên người Việt rút ngắn lại còn 1 tiết. Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ cho việc thực hiện chương trình.

“Toàn trường hiện có 272 trẻ tham gia học tiếng Anh. Việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở độ tuổi mẫu giáo không chỉ mang lại nhiều lợi ích về phát triển trí tuệ toàn diện cũng như đạt hiệu quả cao trong tiếp thu từ vựng, ngữ âm một cách tự nhiên nhất mà còn mở ra rất nhiều cơ hội học tập trong tương lai. Thời gian đến, nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch làm quen với tiếng Anh cho trẻ một cách phù hợp; tăng cường hơn nữa các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho trẻ”-Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thùy Trang cho hay.

Chị Võ Thị Thanh Tâm-Quản lý The English Bank Pleiku (22 Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) chia sẻ: Theo Thông tư số 50 của Bộ GD-ĐT, Trung tâm đã nghiên cứu và xây dựng phương pháp học ứng dụng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh đều tập trung vào việc tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, khám phá môi trường thực tế xung quanh từ gia đình, nhà trường đến xã hội thông qua các trò chơi, tình huống thực tế giả định trong phạm vi nhà trường; qua đó, giúp trẻ ứng dụng tiếng Anh một cách tự nhiên và hứng thú.

Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện thí điểm từ năm 2014 và chính thức triển khai đại trà ở nơi có đủ điều kiện vào cuối tháng 3-2021. Theo bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT), trên cơ sở các văn bản của Bộ GD-ĐT, Sở đã có văn bản yêu cầu phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý việc tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo đúng theo quy định, phù hợp với đặc thù của địa phương và nhu cầu của gia đình trẻ. Cùng với đó, lựa chọn, sử dụng tài liệu làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non từ năm học 2022-2023.

“Toàn tỉnh hiện có 60 trường mầm non đang thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho 8.532 trẻ mẫu giáo/174 lớp (chiếm 10,7% tổng số trẻ ra lớp); chủ yếu là các trường ở vùng thuận lợi. Hình thức triển khai là phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ uy tín đứng chân trên địa bàn hoặc giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học để giảng dạy. Sở GD-ĐT cũng vừa tổ chức hội thảo liên quan đến thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà các trường đang gặp phải, từ đó bàn thảo giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới”-bà Huệ cho biết thêm.

 

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.