Trên quê mẹ, khi vướng mắc pháp lý còn chưa được tháo gỡ thì sợi dây máu mủ với người cha nước ngoài cũng bị cắt đứt. Những đứa con lai lớn lên trên quê mẹ bằng một hành trang thiếu bóng người cha.
Trong căn nhà vách lá lợp tôn thấp lè tè ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cậu bé Chang Po Jui lễ phép chào chúng tôi khi vừa đi học về.
Đưa tay tháo chiếc khăn quàng đỏ, mắt em đượm buồn khi bà ngoại Nguyễn Thị Bé kể cho chúng tôi nghe hành trình côi cút của cậu từ khi trở về từ Đài Loan.
Hơn 10 năm qua bé Kang Hein sống cùng mẹ và gia đình ngoại, chỉ mới được gặp cha một lần. |
Cha dứt liên lạc, mẹ làm ăn xa
Bà Bé cho biết sau sáu năm trở về Việt Nam cùng mẹ, Chang Po Jui gần như không còn nhớ gì về dòng họ bên nội vì chưa một lần liên lạc, con gái bà cũng chưa một lần nhắc đến.
Dấu tích quê nội chỉ còn ở cái tên của cậu và cuốn hộ chiếu đã nhàu nhĩ.
"Ba mẹ nó ăn ở với nhau không được, mẹ nó bồng về, giờ hỏi cha tên gì cũng phải lật giấy ra chớ nó không nhớ" - bà Bé ngậm ngùi.
Sáu năm trở về quê mẹ, Chang Po Jui đã nói rành tiếng miền Tây, vẫn đều đặn đến Trường tiểu học Vị Thắng 2 nơi cậu đang học lớp 4 với học lực khá. Nhưng ngày tháng trên quê mẹ cũng mang cả những nỗi buồn.
Mẹ Chang Po Jui là chị Cao Thúy Vi vì kế mưu sinh chỉ ở nhà với cậu được ít lâu rồi lên Sài Gòn làm ăn từ nhiều năm nay, mỗi năm về một hai lần. Sợi dây máu mủ với cả cha lẫn mẹ ngày một nhạt nhòa.
May mắn hơn một chút, cô bé Kang Hein ở cùng xã Vị Thắng được gặp người cha Hàn Quốc một lần sau 10 năm theo mẹ về Việt Nam. Nhưng lần gặp ấy cũng rất ngắn ngủi ở Sài Gòn.
"Ba nó thỉnh thoảng cũng có liên lạc, nhưng từ hồi về nước giờ con bé không được nhà nội hỗ trợ gì, hai mẹ con nó với vợ chồng tui nương tựa vô nhau nuôi cháu lớn lên" - ông Tô Văn Hải, ông ngoại bé Kang Hein, tâm sự.
Bé Chang Po Jui (quốc tịch Đài Loan) ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã về Việt Nam sáu năm nhưng chưa một lần được cha liên lạc. Chang Po Jui sống cùng bà ngoại khi mẹ đi làm ăn xa. |
Cũng là con cháu Việt Nam
Gần như tất cả những đứa trẻ con lai chúng tôi gặp ở miền Tây đều không còn giữ liên lạc với người cha ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Nhưng sự lạnh lẽo trùm lên cuộc sống các em không dừng ở đó.
Bà Kim Yoon Sim - giám đốc Kocun Cần Thơ - nói khi đi khảo sát các trẻ con lai Hàn Quốc trở về thì thấy rất nhiều bé không còn mẹ sống bên cạnh mà gửi cho bà ngoại, dì, cậu... để đi làm ăn xa.
Có những phụ nữ qua tận Malaysia, Singapore làm ăn, thậm chí lấy chồng nước ngoài khác và nhiều năm rồi không về gặp lại con.
"Như trường hợp của bé Hong Dejong, bốn năm trước chúng tôi cùng Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc xuống tận nhà để giúp bé làm lại hộ chiếu. Tuy nhiên, mẹ của Hong Dejong đi làm ăn xa, không về để gia hạn hộ chiếu" - bà Kim Yoon Sim kể.
Bà Phạm Thanh Tuyền, giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang, cho biết những vướng mắc về pháp lý của trẻ con lai đã được tỉnh Hậu Giang báo cáo lên Bộ Tư pháp từ rất lâu, nhiều cuộc khảo sát, ghi nhận thực tế, hội thảo về vấn đề này của trung ương đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn bế tắc.
Để giúp các em, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản tháo gỡ, giúp các trẻ con lai được hưởng các quyền lợi về y tế, giáo dục như các trẻ em khác. Nhưng theo bà Tuyền, chính sách này chỉ là biện pháp xử lý tình huống và chưa đồng nhất giữa các tỉnh với nhau.
"Cũng là con cháu Việt Nam nhưng các bé con lai quá thiệt thòi" - bà Tuyền ngậm ngùi nói.
Chia sẻ điều này, bà Ha Yeon Lee, quản lý Trung tâm Tư vấn pháp luật gia đình Việt Nam của Kocun Cần Thơ, đánh giá chính vì chính sách không nhất quán với trẻ con lai giữa các địa phương tại Việt Nam nên hoạt động hỗ trợ trẻ lai của Kocun gặp không ít khó khăn.
Nhiều nơi thậm chí không nắm được số lượng trẻ con lai và vấn đề cần hỗ trợ của các bé.
"Chúng tôi nghĩ các tỉnh ở Việt Nam có nhiều trẻ con lai nên cùng nhau thống nhất các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ pháp lý để tất cả các bé có cơ hội hòa nhập, phát triển như nhau trên quê mẹ" - bà Ha Yeon Lee nói.
"Chúng tôi bị sốc trước số phận trẻ con lai" Nhiều tháng nay, cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật, hai chị em Lee Cheawon và Lee Sooi Jin lại được bà ngoại chở bằng xe máy gần 60km từ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) lên Trung tâm Kocun Cần Thơ (Trung tâm nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Hàn Quốc) để học tiếng Hàn. "Hai chị em ham học lắm, đi về luôn là hơn trăm cây số, giữa đường phải dừng lại cho tụi nó ngủ nửa tiếng rồi đi tiếp nhưng không bỏ bữa nào" - bà ngoại hai bé nói. Lee Cheawon rời Hàn Quốc khi 10 tháng tuổi, còn Lee Sooi Jin sinh ra ở Việt Nam, ký ức nhà nội với các bé chỉ là tấm ảnh chụp cả nhà nội nằm kẹp trong cuốn hộ chiếu của mẹ khi về nước. Giờ đã 6 tuổi, Lee Cheawon nói mình phải học tiếng Hàn giỏi để mai mốt lớn lên đi tìm ba, cho dù gia đình nội đã cắt liên lạc với ba mẹ con nhiều năm nay. Hai chị em Lee Cheawon và Lee Sooi Jin là hai trong số khá nhiều trẻ con lai Việt - Hàn đang được Kocun hỗ trợ. Bà Kim Yoon Sim nói: "Chúng tôi bị sốc trước những số phận của trẻ con lai Việt - Hàn". Hiện Kocun Cần Thơ có hai chương trình: 1. Giáo dục định hướng dành cho các phụ nữ trước khi sang Hàn Quốc (do Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc tài trợ) và dự án "Việt - Hàn chung tay chăm sóc" (do Tập đoàn Hyundai tài trợ). Bà Kim Yoon Sim khẳng định Kocun Cần Thơ đủ khả năng tiếp nhận không giới hạn các phụ nữ và trẻ em trong các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn đang sống tại Việt Nam để tháo gỡ pháp lý, tìm việc làm, dạy tiếng Hàn... |
Viễn Sự-Sơn Lâm/tuoitre