Trâu lai Murrah trên đồng Quảng Ngãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ khi tỉnh Quảng Ngãi chuyển trâu giống về cho hộ dân nuôi lai tạo, đàn trâu phát triển nhanh về số lượng và trâu địa phương sức vóc nhỏ cũng dần cải thiện
Những đợt mưa kéo dài, ở trại chăn nuôi của Trung tâm Giống Quảng Ngãi (dân trong vùng quen gọi là trại trâu của ông Hồ Giáo) bạt ngàn màu xanh của cỏ.
Ký ức "truyền nhân"
Phụ trách đàn trâu lai Murrah bây giờ là anh Hồ Văn Tâm, còn gọi là "Tâm truyền nhân" - cháu gọi Anh hùng lao động Hồ Giáo bằng bác ruột. Lúc tôi đến, anh đang vệ sinh chuồng và tắm cho đàn trâu.
Những con trâu lai Murrah vóc dáng cao lớn, da đen tuyền, mập tròn, cổ có bờm dài trông dữ tợn. Tuy vậy, theo tiếng gọi của anh, từng con ngoan ngoãn bước tới để được kỳ cọ, dội nước.
Tâm nói: "Hồi bác Hai (ông Hồ Giáo - PV) còn sống, cứ dặn đi dặn lại là phải vệ sinh chuồng trại chu đáo thì đàn trâu mới ít dịch bệnh".
Tâm nhớ rõ ngày được vào trại chăn nuôi làm với bác Hai là 14-5-2005, chớp mắt đã 15 năm rồi. Bây giờ, anh đã 44 tuổi, có 2 con, lớn nhất đã học lớp 8. Anh nhớ lúc đó, đàn trâu của trại có 14 con, trông chúng oai vệ lắm. Bác Hai lấy những địa danh, sông ngòi của đất Quảng đặt tên cho chúng nên mới có con tên Tây Trà, Trà Câu, Sông Trà, rồi Dung Quất, Nghĩa Điền...
"Vẫn biết bác Hai nhờ nuôi trâu mà 2 lần được nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng nhưng có ở trại này mới biết bác yêu trâu và chăm sóc trâu chu đáo đến nhường nào" - anh Tâm bộc bạch.

Đàn trâu lai Murrah ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Đàn trâu lai Murrah ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Cứ sớm sớm, nghe tiếng bước chân của ông Giáo là đàn trâu vội đứng dậy, hớn hở như chào ông đến. Rồi cứ thế, ông vệ sinh chuồng trại, tắm trâu rồi cắt cỏ cho chúng ăn. Bác Hai dặn: "Động vật cũng biết yêu thương. Mình chăm chút, vỗ về nó thì nó ngoan ngoãn, hiền lành, còn bỏ bê thì nó chẳng buồn nghe hiệu lệnh của mình đâu" - anh Tâm kể, rồi khẳng định: "Cũng vì thế nên ở trại trâu có ai thấy bác Hai dùng roi đâu nhưng đàn trâu nghe lời của ông, chấp hành răm rắp. Hôm nào trâu trở dạ sinh nở thì ông ở luôn tại chuồng, chăm sóc trâu cái và trâu con".
Anh Tâm nhớ hồi đó, ông Giáo tuân thủ rất nghiêm giờ giấc lao động. Cứ sớm sớm, từ nhà ông mang theo cơm đến trại rồi chúi mũi với công việc. Đến trưa, đúng 11 giờ 30 phút, ông mới trở về khu nhà tạm nằm gần cổng trại.
Ông Giáo đi tập kết, trở về làm việc ở một trung tâm nghiên cứu trâu ở Đông Nam Bộ, thuộc tỉnh Sông Bé (cũ), đến năm 1990 mới trở về quê nhưng ông vẫn giữ chất quê xứ Quảng đặc sệt từ giọng nói. Ông quen gọi anh em trong trại là ông, bà, cả với anh Tâm là cháu gọi ông bằng bác ruột. Bởi theo ông, cách gọi này vừa gần gũi vừa tôn trọng, bởi anh em làm việc trong trại đều đã có gia đình.
Mỗi bữa trưa, ông Giáo thường ăn 2 tô cơm nên anh em trong trại đùa ông là "ông 2 tô". Còn món ăn, ông thích nhất vẫn là mắm cái, mắm mực nguyên con mặn chát, cay xè của người xứ Quảng hoặc mắm tôm chua. Có lần, ông mang hũ mắm tôm chua lên trại để hai bác cháu cùng ăn trưa. Khi Tâm tấm tắc khen ngon, ông cười: "Vậy thì tui và ông cùng sở thích. Chứ cái hũ mắm tôm này người quen biếu, để ở nhà hai bà nhà tui (vợ và con gái của ông) có thò đũa đến đâu". Cứ cơm nước xong, ông Giáo uống một bát nước chè tươi đặc quánh.
Ba phía của trại trâu là cánh đồng. Mùa nối mùa đi qua, có lúc trại vang lên tiếng chim cu gáy. Mùa đông, khi cỏ xanh tốt thì chim phích, chim ri bay về ăn những hạt bông cỏ. Năm 2010, ông Giáo tuổi đã quá cao nên giã từ trại trâu, từ đó bữa cơm trưa ở trại chỉ còn anh Tâm.

“Truyền nhân” Hồ Văn Tâm chăm sóc trâu lai tại trại chăn nuôi thuộc Trung tâm giống Quảng Ngãi
“Truyền nhân” Hồ Văn Tâm chăm sóc trâu lai tại trại chăn nuôi thuộc Trung tâm giống Quảng Ngãi

 
Hỏi chuyện về những món đồ "gia bảo" truyền nghề, anh Tâm nhoẻn miệng cười, chỉ tay vào góc nhà: "Đó! Bác Hai về nghỉ để lại cái liềm cắt cỏ, bây giờ dùng vẫn còn bén ngọt, vài cái cuốc, xẻng và cái giường cũ. Nhưng thi thoảng bác vẫn bảo tui đưa ông lên thăm trại.
Đến năm 2015, khi bác Hai qua đời, thương bác nên ngoài bàn thờ ở nhà riêng của ông tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, anh Tâm còn lập một bàn thờ ông tại nhà anh ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Đến ngày giỗ thì buổi trưa giỗ ở nhà ông, buổi chiều tại nhà riêng của Tâm, vợ chồng anh Tâm lo tất.
Hồi ông Giáo chăn dắt đàn trâu, đến năm 2013, khi tỉnh chủ trương "xã hội hóa" đưa đàn trâu về cho hộ nông dân chăn dắt, phối giống, đã có rất nhiều trâu Murrah được chuyển về các địa phương để lai tạo.
Những lần chuyển trâu cho hộ dân, anh Tâm không quên lời ông Giáo dặn kỹ: "Con trâu khôn lắm. Khi nghe người nói chuyện rồi xe đưa tới gần chuồng, chúng biết phải tan đàn nên chẳng chịu đi. Có con cứ chạy quanh chuồng, mắt long lên, nên phải vuốt ve động viên chúng". Những lúc như thế, ông Giáo nói: "Thôi nào, lên xe để về giúp bà con lai tạo đàn mà. Ngoan nào, ngoan nào, lên xe đi". Lúc đó, chúng mới chịu bước lên xe, rồi khi xe chạy, chúng thường ngoái đầu nhìn lại. Bác Hai nhìn theo, bùi ngùi" - anh Tâm kể.
Diện F1, F2 khá nhiều
Phó giám đốc phụ trách chăn nuôi của Trung tâm Giống Quảng Ngãi - anh Trịnh Lương Thơm - cho biết: "Năm 2013, khi tỉnh chủ trương chuyển trâu giống về cho hộ dân nuôi lai tạo đàn trâu, trung tâm đã tiến hành khảo sát hộ chăn nuôi trên cơ sở địa phương giới thiệu. Chủ hộ chăn nuôi lập bản cam kết trâu đực phải phối giống sinh sản được 20 con nghé lai, trâu cái phải sinh đẻ được 3 con thì chủ hộ mới được toàn quyền quyết định con trâu mà trung tâm chuyển giao. Thế nhưng, kết quả hộ nào cũng chăn nuôi, cho phối giống đạt kết quả cao hơn cam kết".
Theo giới thiệu của anh Thơm, tôi về thôn Châu Me, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tìm gặp ông Nguyễn Hữu Huynh.
Ông Huynh nghe tôi hỏi thì cười: "Mình không được cái phúc nhận trâu của trung tâm đâu. Con trâu giống của trung tâm mà mình đang nuôi là sau khi một hộ ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, làm xong nghĩa vụ lai tạo với trung tâm rồi bán lại cho mình giá 70 triệu đồng".
Từ con trâu Murrah thuần mua lại, ông Huynh lai ra một đàn trâu lai lúc nào cũng có trong chuồng trên 30 con. Rồi từ con trâu giống đó, bầy trâu trong xã cũng được lai tạo diện F1, F2 khá nhiều. Ông Huynh cho hay: "Trâu lai nuôi 10 tháng tuổi, bán con đực 40 triệu đồng, con cái được 30 triệu đồng, khá lắm".
Ông Võ Xếnh (ngụ thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong) đang chăn bầy trâu lai trên đồng, nghe tôi hỏi chuyện trâu lai, ông cười: "Mình kết con trâu lai Murrah lắm. Mấy lần làm giấy đề nghị gửi đến trung tâm giống để mua nhưng mãi đến năm 2017 mới mua được một con trâu cái đem về nuôi, đẻ ra con nghé đực, 1 năm tuổi đó. Có nó để phối giống cho trâu nhà và trâu của bà con".

Ông Võ Xếnh rất vui khi có được trâu đực lai Murrah để chăn nuôi
Ông Võ Xếnh rất vui khi có được trâu đực lai Murrah để chăn nuôi
Đàn trâu Murrah chuyển về cho hộ dân chăn nuôi, lai tạo đạt hiệu quả cao nên nhiều hộ nông dân lại ra trung tâm hỏi mua trâu giống. Thấy vậy, lãnh đạo trung tâm bèn mua những con nghé lai Murrah về nuôi trở lại để có nguồn đáp ứng nhu cầu của bà con. Rồi cứ thế, đàn trâu Quảng Ngãi sức vóc nhỏ dần được cải thiện và trong câu chuyện kể của những hộ chăn nuôi trâu lại bắt đầu từ "huyền tích Murrah". 
Cải tạo đàn trâu địa phương
Theo ông Đỗ Văn Chung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cũng từ đàn trâu Murrah của bác Phạm Văn Đồng tặng mà Anh hùng lao động Hồ Giáo chăn nuôi lai tạo có hiệu quả trên địa bàn Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nguồn trâu đực để phối giống trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nên từ tháng 9-2018 đến nay, chi cục triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về "Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah tại xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa". Qua triển khai, hiện đã có 151 con trâu lai ra đời, với nghé lai Murrah 18 tháng tuổi có trọng lượng trung bình 250-300 kg. Trong khi đó, nghé địa phương sau khi ra đời nuôi được 18 tháng tuổi chỉ nặng từ 150-200 kg.
Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.