"Trạng sư ” làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“-Những ngả rẽ tăm tối trong đời mỗi con người, ngẫm đôi khi cứ như là sự đưa đẩy của số phận. Có sự đưa đẩy bởi sự nông nổi, có sự đưa đẩy bởi ngoại cảnh nhưng cũng có sự đưa đẩy bởi sự hèn nhát của mình. Tôi rơi vào trường hợp sau…”.

Vào chuyện nhỏ nhẹ, cử chỉ nhẹ nhàng khoan thai- cái chất nhà giáo mấy chục năm rồi trong ông xem ra vẫn chưa phai nhạt. Vậy mà con người này đã từng là “Thiếu tá”, Chỉ huy trưởng ZG 23 Fulro…

Trước giải phóng, làng Duơh Klăh- xã Glar (huyện Đak Đoa, Gia Lai) chỉ mỗi Nay Plú học tới lớp 11. Tốt nghiệp sư phạm Buôn Ma Thuột dạy học được một thời gian thì giải phóng, Plú về làng. Những ngày đầu nhộn nhạo, một số người chưa hiểu Cách mạng nên trốn vào rừng. Hôm đó, Plú ra làng Dờm mua sơn để viết khẩu hiệu. Thấy người lạ, một chiến sĩ giải phóng dẫn Plú lên gặp chỉ huy. “Anh có tiếp tế cho Fulro không?”- vị chỉ huy nghiêm mặt hỏi. Chuyện Plú tiếp tế cho FULRO thì có. Nơi Plú dạy học bấy giờ FULRO hoạt động mạnh. Plú cũng như nhiều người buộc phải nộp tiền, gạo cho chúng để được yên thân. “Anh là người biết nhận thức mà lại tiếp tế cho FULRO, tội nặng hơn dân thường”.

Nay Plú chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: N.T
Nay Plú chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: N.T
Ở trại cải tạo, một hôm chẳng biết từ đâu xuất hiện tin đồn: Sắp tới trại sẽ chuyển đến nơi xa. Những người như Plú khó gặp lại vợ con nữa… “Mình vốn bị ép buộc nên vẫn mong có ngày được thả. Nay bị đưa đi xa, không được gặp vợ con thì cũng coi như chết”. Plú bí mật lập một nhóm bàn kế hoạch… Một buổi chiều, Plú được phái đi chặt cây cùng 15 người khác. Thấy áp giải cả nhóm chỉ có một Công an, vờ ngoan ngoãn làm việc, nhân lúc người áp giải lơ là, cả bọn hô nhau chạy… Chẳng biết đâu là phương hướng, Plú cứ cắm cổ chạy theo ông Chơng. Nhập nhọa tối thì tới được núi Chư Nâm. Tản mác mỗi kẻ mỗi đường, chẳng còn thấy ai, hai người tìm hang đá ẩn thân. Ban ngày thin thít trong hang, chờ tối mới lần mò ra rẫy nhổ trộm mì nướng ăn… Suốt ba tháng ròng không biết đến mùi cơm, ruột gan như bị vò xoắn. Thấy không thể kéo dài kiếp sống hoang dã, Plú quyết định trốn về làng. “Có bị bắt lại, ở trong trại cũng còn hơn là sống chui rúc như con thú hoang thế này”. Quyết vậy nhưng khi dợm bước vào làng, đôi chân  Plú như có ai giật dây kéo lại. Thế nào dân làng cũng sẽ bảo “Làm thầy giáo mà tiếp tế cho FULRO”. Tìm một góc rừng kín đáo gần làng, Plú ẩn thân với ý định tìm cách gặp vợ con rồi sau đó sẽ đi thật xa… Đang rối bời với những toan tính ở “cái nơi thật xa” nào đó thì như trên trời rớt xuống, Y Díp xuất hiện. Díp vốn là người cùng toán trốn trại với Plú. Cứ nghĩ chắc Díp chết rồi? “Tao đoán mày chỉ loanh quanh ngoài rừng. Mày cũng biết về làng thì bị bắt ngay. Đã tiếp tế cho Fulro lại còn trốn trại thì suốt đời ở tù. Theo tao gia nhập FULRO thì còn có tự do, có bạn bè bảo vệ lẫn nhau”. Đang lúc ruột rối như đám dây gai, thấy Díp nói cũng có lý, Plú gật đầu…


Đi gần hết một ngày thì tới được “căn cứ” của Díp. “Lực lượng” của Díp có 5 người nhưng chỉ có 2 khẩu súng. Díp bảo: “Lực lượng mình nhỏ quá, phải vượt biên sang Campuchia để hợp với anh em”. 5 người theo Díp, cứ đêm đi, ngày ngủ. Lần mò trong rừng như người mù, được mấy hôm ai nấy quần áo rách toe như tàu chuối; tóc tai, người ngợm không khác con chuột ướt. Trái cây rừng, mì hoang trong rẫy là cái ăn. Cũng có khi bí quá đành liều mạng vào làng xin ăn. Nói là “xin” nhưng đúng ra là cướp giật mà lủi cho mau. Ròng rã 2 tháng trời, rút cục cũng tới được biên giới… Nghe Díp nói cứ tưởng lực lượng hùng hậu lắm, té ra chỉ được chừng năm chục người. Bọn họ phần lớn từng đi lính Ngụy. Kẻ từ Kon Tum đến, kẻ Đak Lak sang. Người tỉnh nào chỉ huy tỉnh đó. “Đầu lĩnh” Gia Lai là Rơ Mah Vel. Trên Vel là Ma Yang-người Ê Đê phụ trách chung… Chia tổ học tập suốt gần 1 năm-chủ yếu là Ma Yang “lên lớp”, những người có chút học hành được sàng lọc bồi dưỡng tiếp để làm “cán bộ”. Plú được giao “Chỉ huy trưởng ZG 23”, cấp hàm “thiếu tá”; địa bàn hoạt động là các huyện Chư Pah, Mang Yang…

Tiếng nghe to, thực tế Plú chỉ có 8 lính nhưng 2 không có súng. Sau một lần đụng độ bất lợi với du kích, Plú quyết định thực hiện “đối pháp”… tránh. Nghe báo ở đâu có bộ đội, du kích truy quét là Plú chủ trương lánh xa. “Đối pháp” ấy thời gian đầu có vẻ đắc sách, nhưng rồi theo thời gian, sự chán nản cũng dần dần xâm chiếm Plú. Cảm giác của một kẻ bị săn đuổi không có điểm dừng với một kết cục chưa lường trước đang chờ  cứ trôi theo thời khắc của một cuộc sống vô nghĩa.. Liệu có một cơ may nào không để gặp lại vợ con ? Tim Plú như thắt lại. Cảm giác chỉ một bước thôi, Plú sẽ thoát khỏi sự vô nghĩa này để trở lại với cuộc sống êm đềm, phẳng lặng ngày xưa… Không, không thể có cái bước chân huyễn hoặc ấy. Nó đã quá nặng với những gì dấn thêm trong 10 năm qua để bây giờ Plú là kẻ đang đứng giữa hai làn đạn… Nhưng thôi, nếu số phận mỗi người đã có một kết cục định sẵn thì tốt nhất là hãy để nó tự xảy ra…

Cơn mưa đột ngột ập đến như dội nước. Màn đêm đặc quánh tưởng có thể vốc ra từng nắm. Năm cái bóng lần dò từng bước rẽ vào làng Bối. Đây là ngôi làng “không đáng tin cậy”, Plú biết vậy nhưng ngặt nỗi một “chiến hữu” đang lên cơn sốt. Không nhanh tìm chỗ lánh mưa, rất có thể hắn sẽ chết… Đúng ám hiệu, cánh cửa liếp hé ra nuốt vội 5 cái bóng ướt rượt rệu rã vào trong. Cơn mưa bên ngoài vẫn ập xuống như trút. Những ánh chớp lóe lên rạch ngang bầu trời đen kịt. Bếp chỉ còn chút than, dù vậy Plú vẫn không dám cho nhóm lửa. Cả bọn xán vào như ôm ghì lấy bếp. Bấy giờ Plú mới chợt nhớ là nãy giờ “cơ sở” của mình đã biến đi đâu? Coi chừng anh ta đi báo du kích… Mới nghĩ đến đó, Plú bỗng chết sững khi nghe tiếng loa dõng dạc cất lên: “Các anh đã bị bao vây. Lần lượt từng người hãy  bỏ súng xuống cầu thang đầu hàng, chính quyền sẽ khoan hồng”. Trong một phản xạ vô thức, Plú mở cửa sau nhảy xuống sân. Một loạt đạn đỏ lừ xé rách màn đêm sượt qua tai Plú. Rất may là bóng tối quá đậm đặc, lực lượng truy quét không thể nhận rõ Plú. Lăn mình xuống con mương cạn, sờ đến súng, Plú mới hay là nó đã rơi đâu mất, tim đập thình thịch như trống gõ, Plú quờ tất cả rác rưởi xung quanh phủ lên mình, tái tê với ý nghĩ “Vậy là cái kết cục của đời mình đã đến”.

Bình minh yếu ớt ló dạng… Không biết số phận các “chiến hữu” ra sao? Plú lắng tai nghe ngóng. Tất cả vẫn yên tĩnh. Hãy tìm cách thoát ra khỏi nơi này rồi sẽ hay. Gạt đám rác bám trên mặt, vừa nhô đầu khỏi con mương cạn, Plú đã há hốc mồm không tin vào mắt mình: Một chiến sĩ trẻ măng đang chĩa súng vào Plú ra hiệu bước lên…
*
…Ông Rưp có một miếng đất chừng 2 sào. Năm 1985 bắt vợ ở làng Bối, Rưp bỏ đất sang làng vợ ở. Ông Nhưi thấy vậy bảo: Mày không ở thì cây cỏ nó mọc. Cho tao đất, tao đền lại cho mày con heo. Rưp đồng ý. Chuyện như cái áo mặc đã vứt đi rồi, vậy mà bây giờ bỗng dưng con trai ông lại sang đòi ông Nhưi bù tiền. Nó bảo: “Xưa ông cho cha tôi con heo nhỏ, tính ra tiền chỉ được một trăm ngàn đồng là cùng. Thế mà đất ông ở bây giờ, tôi xẻo ra một miếng bằng chỗ con trâu nằm cũng bằng mười lần đó…”. Chuyện vô lý đến con nít nghe cũng khó chấp nhận, vậy mà con ông Rưp thì vẫn cứ khăng khăng. Nó lại viết đơn đi kiện khắp… Chuyện xem chừng phải nhờ đến già làng Nay Plú… Một bữa rượu hòa giải đơn giản giữa hai nhà được tổ chức. Chẳng biết “trạng sư” phân giải những gì nhưng con trai ông Rưp nghe. Nó lại xin lỗi, hứa không nhắc chuyện vô lý nữa…

Ấy chỉ là một trong hàng trăm vụ rắc rối mà “trạng sư” Nay Plú hòa giải… Với đồng bào mình, biết bao chuyện nghe vô lý mà lại có lý- nhất là tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình… Cũng có những vụ “trạng sư” Plú hòa giải, phân xử không thành nhưng chỉ là số ít. “Chẳng có bí quyết nào đâu. Lời nói của mình đã được đảm bảo bằng sự thật của cuộc đời mình nên bà con nghe đó thôi”.

Tôi biết. Nhưng không chỉ với 10 năm ấy. Sự thật cuộc đời Nay Plú còn được thử thách và đảm bảo với cả khoảng thời gian đã một phần tư thế kỷ nay… Sau khi bị bắt vào T20 học tập cải tạo 4 tháng, một hôm Giám thị trại gọi Plú lên: “Chúng tôi sẽ thả anh. Anh lại về với FULRO chứ ?”- “Cuộc đời tôi đã một lần vấp ngã, lẽ nào tôi lại để điều đó một lần nữa xảy ra”… Tham gia đoàn công tác phát động quần chúng 6 tháng, góp phần cảm hóa nhiều đối tượng phản động, nhiều điểm nóng về an ninh, từ tấm “bằng” này Plú đã bước qua sự mặc cảm, hăng hái tham gia việc làng, việc xã. Làm giáo viên xóa mù chữ rồi thư ký thôn, tham gia Mặt trận xã, cho mãi 4 năm gần đây mới lên “chức” già làng. Hơn hai chục năm, kể sao hết bao chuyện vui, buồn với công việc “vác tù và” ấy. Mà chuyện vui, buồn có khi lại xảy ra ngay chính ở nhà mình… Còn nhớ năm 2001 xảy ra sự kiện lộn xộn. Làng Dươh Klah này cũng nổi lên 4 kẻ đầu têu, trong đó có con rể ông. Bị đưa ra kiểm điểm trước dân, nó vẫn không chịu ký cam kết… Trong nhà có dớp, không tẩy được thì nói ai nghe? Suốt mấy đêm liền, Plú đã lấy cuộc đời mình mà soi cho nó. Lưng nghe ra, hứa sẽ lo làm ăn lương thiện. Hai người theo đuôi giờ cũng theo Lưng làm ăn chí thú… 

Yên nhà thì yên làng. Yên làng thì yên nước… Hơn 70 mùa rẫy, cái lẽ ấy bây giờ đã hóa thân trong Plú. Ấy thế nên làng Duơh Klah này có hơn 160 hộ, người theo đạo Tin lành đến 85% mà vẫn yên đạo, yên đời thì không thể không nói đến phần góp sức của Nay Plú? “Cây gỗ tốt chết đi mới còn lại lõi.  Gỗ tạp thì chỉ tan rữa vào đất mà thôi. Con người ta cũng vậy”. Plú cười. Vẫn cái cười nhỏ nhẹ mà khoáng hoạt... Tôi nhận ra cả tiếng cười nữa- hình như bây giờ cũng đã hóa thân trong Plú….
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.